Gần 300 triệu USD đã rót vào Startup Việt Nam, và những Startup gọi được vốn nhiều nhất đều có chung yếu tố này

05/10/2018 16:02 PM | Kinh doanh

Ứng dụng hỏi đáp giáo dục GotIt! gọi vốn thành công 20 triệu USD, Kyber Network gọi được 53 triệu USD, Ami gọi được 9 triệu USD… Theo thống kê của Vietnam-Briefing, năm 2017 ghi nhận lượng vốn đầu tư lớn vào giới Startup với tổng giá trị 291 triệu USD, trong đó nguồn vốn đến chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài...

Những tên tuổi gọi được vốn nhiều nhất đều có chung một yếu tố: Ứng dụng công nghệ nền tảng (Deep tech).

Theo Innovatube - hoạt động như một dạng vườn ươm khởi nghiệp, "Deep tech" hiểu đơn giản là thuật ngữ sử dụng cho những mảng công nghệ tiên phong như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (Internet of things), AR/VR (Thực tế ảo/ Thực tế tăng cường), Blockchain (chuỗi khối)...

Innovatube là đơn vị tổ chức sự kiện Vietnam Frontier Summit 2018 ngày 6/10 tới, quy tụ đầy đủ các nhân tố hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ với chủ đề "Fostering Innovation with Frontier Technologies". Hiện đơn vị này đã đầu tư vào 7 Startup tại Việt Nam gồm Beeketing, Lozi, Meete, Antoree…

Theo nghiên cứu của Boston Consulting Group, công ty tư vấn hàng đầu thế giới, ngay cả những ông lớn trên toàn thế giới theo nền tảng số cũng đang dần chuyển mình theo hướng deep tech.

Amazon, IBM, Microsoft đang hợp tác với những chuyên gia trí tuệ nhân tạo để phát triển "deep tech". Uber đã cho ra mắt xe không người lái. Trong khi đó Apple, Google và Facebook đang đầu tư vào AI, máy bay không người lái và thực tế tăng cường. Chẳng quá khó khăn để nhận ra sự hình thành mô hình hệ sinh thái công nghệ nền tảng, với sự tham gia của các nhân tố chủ lực: nhà đầu tư và nhà nghiên cứu phát triển.

Đại diện của Inovatube cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam không nằm ngoài xu hướng ấy, thậm chí được dự đoán sẽ trở thành Silicon Valley thế hệ mới theo các chuyên gia từ TheNextStep.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ đang bùng nổ về số lượng cũng như có những bước nhảy vọt về công nghệ. Theo ước tính của Japan’s Softbank Group Inc., có 1800 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, và thậm chí còn nhiều hơn Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ. Sản phẩm với công nghệ nền tảng của các doanh nghiệp khởi nghiệp đã đặt chân vào hầu hết các ngành công nghiệp lớn hiện tại, như Tài chính – Ngân hàng, Bán lẻ, Xuất nhập khẩu, Chăm sóc sức khoẻ, Bất động sản,…

Nhận thấy tiềm năng phát triển thần kì khi công nghệ nền tảng xuất hiện, các nhà đầu tư từ các quỹ đầu tư, tập đoàn lớn đang dần rót vốn vào những doanh nghiệp khởi nghiệp Việt. Năm 2017 ghi nhận lượng vốn đầu tư lớn vào doanh nghiệp khởi nghiệp với tổng giá trị 291 triệu USD (trong đó 46 triệu USD từ các nhà đầu tư trong nước, 245 triệu USD từ nhà đầu tư nước ngoài), số deal là 92, tăng 42 deals so với năm 2016 (Theo Vietnam-Briefing)

Những cái tên doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu như: Kyber Network đã gọi vốn thành công 53 triệu USD, GotIt!, ứng dụng hỏi đáp giáo dục đã gọi thành công 20 triệu USD, Cinnamon AI Labs – Startup Trí tuệ nhân tạo đã huy động thành công 9 triệu USD từ một số nhà đầu tư lớn, Ami, ứng dụng quản lí phòng thuê trọ, gọi vốn thành công 9 triệu USD…

Cũng theo Innovatube, không phải ngẫu nhiên mà hệ sinh thái khởi nghiệp với công nghệ nền tảng ở Việt Nam lại có những bước phát triển nhanh đến vậy.

Thứ nhất, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ. Hàng loạt các đề án, quỹ đầu tư, kết hợp với các nguồn lực khác để hỗ trợ, đầu tư khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp công nghệ. Tiêu biểu là NATECD (National Agency for Technology, Entrepreneurship, and Commercialization Development), tổ chức được thành lập bởi bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ việc huấn luyện cũng như tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

SpeedUP là một quỹ 520,520 USD được thành lập bởi Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, hiện đã đầu tư cho 14 doanh nghiệp khởi nghiệp. Năm 2016, bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ đã thông qua đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến 2025" hay còn được gọi là Đề án 844. Đề án tập trung hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, phát triển hệ thống pháp lý và cổng thông tin điện tử cho doanh nghiệp khởi nghiệp trước 2020. Thêm vào đó, đề án cũng sẽ cung cấp vốn hỗ trợ cho 200 doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thứ hai, Việt Nam là một thị trường lớn và với 96 triệu dân số trong thời kì dân số vàng. Tỉ lệ sử dụng internet là 54%, tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh là 84% đảm bảo một thị trường không chỉ lớn về số lượng mà còn vô cùng tiềm năng, đặc biệt về công nghệ.

Thứ ba, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và chất lượng. Độ tuổi trung bình tại Việt Nam đang là 30,7. Nhân lực Việt Nam luôn được biết đến với năng khiếu Toán học, Khoa học xuất sắc. Trong bảng xếp hạng 2015 của PISA, Việt Nam đứng thứ 8 về Khoa học và 22 về Toán, vượt xa các nước như Mỹ, Úc, Anh.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM