Gần 23 tỷ đồng lãi vay mỗi ngày vẫn chưa phải "ác mộng" của EVN

04/11/2016 16:41 PM | Kinh doanh

Chi phí tài chính nửa đầu năm 2016 tăng vọt lên 15.460 tỷ đông và là nguyên nhân chính khiến EVN báo lỗ 930 tỷ đồng nửa đầu năm. Nhưng chi phí lãi vay chỉ chiếm 45% với gần 6.900 tỷ đồng.

Chi phí tài chính "cuốn" sạch lợi nhuận

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2016. Dù hoạt động kinh doanh chính cho thấy dấu hiệu tích cực nhưng chi phí tài chính đã "ăn mòn" lợi nhuận hợp nhất của EVN. Đáng chú ý, khoản chi phí tài chính tăng vọt này lại chủ yếu đến từ các công ty con hợp nhất kết quả kinh doanh với EVN.

Theo báo cáo tài chính riêng, Công ty mẹ EVN thu về 106.588 tỷ đồng doanh thu, tăng 14.040 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2015. Biên lãi gộp cũng được cải thiện đáng kể từ 2,29% lên 3,45%, giúp lãi gộp 6 tháng đầu năm của EVN (mẹ) đạt 3.675 tỷ đồng. Cùng đó, công ty mẹ nhận về 3.781 tỷ đồng doanh thu tài chính.

Chi phí tài chính tăng mạnh, gấp 1,86 lần cùng kỳ lên 6.850 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tài chính chiếm 55%, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính khiến chi phí tài chính tăng đến từ chi phí khác (lỗ chênh lệch tỷ giá, hoặc chi phí tài chính khác,..).

Dù vậy, EVN (mẹ) vẫn báo lãi 114,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh với công ty con, EVN đã bất ngờ báo lỗ hợp nhất 930 tỷ đồng. Một lần nữa, tội đồ kéo lợi nhuận giảm sâu, thậm chí đã lỗ lớn là chi phí tài chính. Dù lãi vay chỉ tăng 36% nhưng chi phí tài chính vẫn cao gấp đôi, tăng thêm 6.770 tỷ đồng.


Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 - EVN

Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 - EVN

"Tội đồ" đồng Yên Nhật?

Trong khi chi phí tài chính của riêng công ty mẹ chỉ khoảng 6.800 tỷ đồng thì con số này đã tăng vọt lên 15.460 tỷ đồng sau khi hợp nhất. Tính đến cuối năm 2015, EVN có 25 đơn vị hạch toán phụ thuộc và 14 công ty con với tỷ lệ sở hữu trên 50%. Số lượng công ty con giảm 1 (CTCP Cơ điện Thủ Đức) nhưng giá trị vốn góp lại tăng đáng kể lên 1.667 tỷ đồng. Tổng giá trị khoản đầu tư 119.323 tỷ đồng, chiếm 24% tổng tài sản của EVN.

Nửa đầu năm 2016, một số công ty con của EVN nhìn chung đều tăng trưởng doanh thu. Doanh thu ba Tổng công ty Phát điện (EVN Genco 1-2-3) đều tăng. Tuy nhiên, trừ EVN Genco 3 tăng biên lãi gộp, tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu của EVN Genco 1 &2 đều giảm. Một đặc điểm chung khác giữa ba Tổng công ty này là chi phí tài chính đều tăng mạnh, dù chi phí lãi vay tăng nhẹ/không đổi.

EVN Genco 2 lỗ ròng 414 tỷ đồng, trong khi khoản lỗ của EVN Genco 1 lên tới 994 tỷ đồng chủ yếu do chi phí tài chính tại Genco 1 riêng quý III lên tới 1.133 tỷ đồng, tăng 93% cùng kỳ. Theo giải trình của Genco 1, bên cạnh việc Nhà máy Duyên hải ghi nhận doanh thu theo giá tạm tính thấp hơn giá chính thức, nguyên nhân chính khiến Tổng công ty này lỗ lớn là bởi khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 788,8 tỷ đồng.

Nợ vay chiếm 84,8% tổng nguồn vốn của Genco 1. Tính đến cuối năm 2015, EVN Genco 1 vay 6.730 tỷ đồng bằng đồng Yên Nhật (JPY), 353 tỷ đồng bằng đồng Euro (EUR) và hàng chục nghìn tỷ đồng tiền vay bằng đồng USD. Đồng JPY đã tăng giá mạnh trong năm qua, với mức tăng 17% từ đầu năm đến cuối quý III.

Tổng nợ phải trả của EVN là 475.357 tỷ đồng, chiếm 72% tổng nguồn vốn EVN. Riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn & dài hạn là 394.239 tỷ đồng, tương đương 17,7 tỷ USD. EVN không nêu chi tiết số tiền hay loại tiền vay từng khoản. Lỗ chênh lệch tỷ giá vay bằng yên Nhật nhiều khả năng cũng góp phần khiến chi phí tài chính trên BCTC hợp nhất của EVN tăng cao kéo theo khoản lỗ khủng trong nửa đầu năm 2016.

Theo Thanh Thuỷ

Cùng chuyên mục
XEM