Galaxy S9 và ván bài lạ lùng nhất trong lịch sử công nghệ

25/02/2018 14:04 PM | Kinh doanh

Một gã khổng lồ phần cứng thực thụ, kẻ đứng đầu thế giới về lợi nhuận nay bỗng dưng lại quay sang đầu tư vào phần mềm. Hãng smartphone số 1 thế giới, nay lại không mù quáng chạy theo "đột phá" phần cứng. Vì sao?

Nếu chọn ra một sự kiện quan trọng nhất cho Samsung trong nửa đầu 2018 thì đó chưa chắc đã là Galaxy S9. Theo rất nhiều tin đồn, mẫu đầu bảng năm 2018 của gã khổng lồ Hàn Quốc sẽ không có nhiều điểm mới lạ. Về mặt thiết kế, sự khác biệt từ Galaxy S8 lên S9 có lẽ chỉ ngang ngửa với bộ đôi S6-S7 hay S4-S5. Về mặt tính năng, camera kép, màn hình vô cực, cảm biến 3D v...v... đều là các tính năng phần cứng có mặt trên những chiếc smartphone ra đời trước.

Có vẻ như, Samsung đang chuẩn bị lặp lại chiến lược của Note8 lên S9. Trong năm ngoái, Note8 đã thực sự bộc lộ rõ vị thế là chiếc phablet số 1 thị trường. Thế nhưng, cũng giống như S9 sắp ra mắt, Note8 gần như không có gì mới.

Đổi mới

Galaxy S9 và ván bài lạ lùng nhất trong lịch sử công nghệ - Ảnh 1.

CEO Samsung Electronics, lãnh đạo mảng di động, DJ Koh.

Trong một cuộc phỏng vấn, lãnh đạo mảng di động (và nay là một trong 3 vị “đồng CEO” của Samsung Electronics) trả lời khi được hỏi “Ông sẽ nói gì với những người cho rằng Note8 thiếu những tính năng đột phá?:

“Nhu cầu của khách hàng rất đa dạng. Một số người luôn muốn có các tính năng mới trong khi những người khác chỉ đơn giản là muốn có một chiếc điện thoại có thể sử dụng được trong hai tới ba năm. Chúng tôi không muốn chỉ gắn với sáng tạo, đổi mới. Chúng tôi sẽ tìm kiếm những đổi mới có thể thực sự khiến khách hàng thích thú.”

Nói cách khác, Samsung không hề có câu trả lời dứt khoát nào dành cho những lời phàn nàn "thiếu đột phá" cả. Note8 chỉ là sự tổng hợp của những điểm mạnh đã có từ Note7 và S8. Còn S9 sẽ là sự tổng hợp của Note8 và... iPhone. Theo các tin đồn, tính năng đáng chú ý nhất trên S9 sẽ là một bộ camera 3D và các emoji “động”.

Phần cứng về đâu?

Galaxy S9 và ván bài lạ lùng nhất trong lịch sử công nghệ - Ảnh 2.

Màn hình 2:1 do Samsung tiên phong đã bị các hãng Trung Quốc "học hỏi" quá nhanh.

Quả thật, tình trạng bí bách về sáng tạo phần cứng không chỉ xảy ra với Samsung. Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra rằng, trong suốt 2 năm vừa qua, các cải tiến thực sự đáng gọi tên trên smartphone chỉ có 3 mà thôi: màn hình tràn cạnh, camera kép và chip dành cho AI. Trong số 3 cải tiến này, màn hình tràn cạnh và camera kép đã bị học hỏi rất nhanh chóng. Ví dụ điển hình là vào năm ngoái, khi đến cả những thương hiệu bán smartphone “low tech” như OPPO và Vivo cũng có thể “học hỏi” màn tràn cạnh chỉ vài tháng sau khi Samsung khiến cả thế giới trầm trồ vì Galaxy S8. Hoặc, các hãng Trung Quốc nay gần như ai ai cũng có camera xóa phông, dù là nhem nhuốc nhưng vẫn là... có xóa phông.

Quá rõ ràng, thị trường phần cứng đang dần đi vào lối mòn. Những sáng tạo thú vị nhưng khó thu hút người dùng như module hay VR sẽ bị thị trường bỏ mặc một cách rất nhanh chóng. Những sáng tạo được yêu mến như màn tràn cạnh và camera kép sẽ bị sao chép quá nhanh chóng. Nếu tất cả những chiếc điện thoại trên thị trường đều có camera kép, camera kép đơn giản sẽ trở thành một tính năng tầm thường, không còn chút “cao cấp” nào cả.

Chiếc TV lịch sử

Vậy sự kiện quan trọng nhất của Samsung trong nửa đầu 2018 là gì? Câu trả lời là CES 2018. Tại đây, Samsung ra mắt một sản phẩm mà các fan smartphone thông thường có lẽ sẽ không nhớ tên và cũng sẽ chẳng bao giờ chạm tay vào: TV 88-inch mang tên “Q9S”.

Điểm đặc biệt của Q9S: khả năng dùng thuật toán AI để phóng to video độ phân giải thấp lên 8K. Mang đúng bản chất của máy học, tính năng upscale này sẽ tự cải thiện qua thời gian và nhờ đó ngày càng đem đến kết quả khả quan hơn.

Galaxy S9 và ván bài lạ lùng nhất trong lịch sử công nghệ - Ảnh 3.

QLED không phải là tính năng "đỉnh" nhất của chiếc TV này.

Đó là một cách áp dụng thuật toán AI chưa từng có tiền lệ. Dù là Google, Apple, Microsoft hay Xiaomi và Huawei, chưa có một gã khổng lồ công nghệ nào dùng thuật toán để upscale hình ảnh theo cách của Samsung.

Cứu cánh trên TV

Dĩ nhiên, bất cứ ai cũng có thể chỉ ra điểm khác biệt của Samsung với các gã khổng lồ khác: Samsung đang làm chủ thị trường TV trên toàn cầu. Thế nhưng, trong một thế giới không có biên giới vật lý như phần mềm, thành tựu trên TV của Samsung vẫn là một bước tiến phải kể tên. Google có Android TV, vậy tại sao Google không ra mắt thuật toán AI để phục vụ cho TV trước Samsung?

Đáng nói hơn nữa, Q9S không phải là nỗ lực duy nhất của Samsung trong lĩnh vực phần mềm. Năm vừa qua, hãng này đã tiến hành thống nhất toàn bộ các nỗ lực Internet of Things về nền tảng Smart Things (trước đây, Samsung duy trì tới 3 nền tảng khác nhau). Một đám mây tập trung cũng sẽ sớm được cung cấp tới người dùng đồ gia dụng Samsung và người dùng thiết bị âm thanh của Harman trên xe hơi.

Galaxy S9 và ván bài lạ lùng nhất trong lịch sử công nghệ - Ảnh 4.

Một tầm nhìn quy mô như thế này thường đến từ Google hay Microsoft chứ không phải là một công ty phần cứng.

Trên chiếc smartphone quen thuộc, trợ lý ảo Bixby là một bất ngờ lớn với các fan của Samsung. Bất ngờ không phải ở chỗ Bixby đã vượt trội hơn hẳn Google Assistant hay Alexa, mà là bởi Samsung đã ra mắt Bixby. Bỗng dưng, Samsung lại có hẳn một nền tảng phần mềm.

Tương lai

Một gã khổng lồ phần cứng, bỗng dưng lại chuyển sang một lĩnh vực trước đây vốn yếu kém. Có lẽ, không mấy fan ruột của Samsung lại có thể quên được cảm giác bực mình khó chịu khi sử dụng TouchWiz.

Song, đó là một cuộc chuyển mình bắt buộc phải xảy ra. Dù vẫn phải bám đuổi, Bixby đã mang đến ít nhất là một tính năng mà Apple hay Google chưa để ý tới: nhận diện vật thể bằng hình ảnh. Dù chưa rõ kết quả, Samsung vẫn có hẳn một nền tảng thanh toán di động riêng để cạnh tranh với Apple và Google. Vượt mặt cả Apple và Google, Samsung đã trở thành nhà sản xuất smartphone tên tuổi đầu tiên phát hành phụ kiện biến smartphone thành desktop đầy đủ.

Galaxy S9 và ván bài lạ lùng nhất trong lịch sử công nghệ - Ảnh 5.

Một năm lạ lùng của phần mềm Samsung.

Một trải nghiệm desktop đầy đủ không thể chỉ bao gồm một chiếc dock có nhiều cổng kết nối. Thậm chí, rất nhiều người đã lên tiếng ca ngợi chất lượng trải nghiệm phần mềm do Samsung tạo ra trên DEX. Gã khổng lồ Hàn Quốc đã nhận ra, và đã áp dụng một bài học rất quan trọng: ngay cả phần cứng đỉnh nhất thế giới cũng chỉ có giới hạn.

Kết quả là không gian sáng tạo phần mềm của Samsung đang bùng nổ. Dù vẫn chưa thể lên đến tầm thao túng hệ điều hành như Apple, Google và Microsoft, phần mềm của Samsung vẫn đang chứng kiến những bước tiến quá rõ rệt. Ngay cả lãnh đạo mảng di động của Samsung, một kỹ sư có nguồn gốc phần mềm, cũng đã được cất nhắc lên trở thành 1 trong 3 vị lãnh đạo tối cao của cả tập đoàn Samsung Electronics.

Galaxy S9 và ván bài lạ lùng nhất trong lịch sử công nghệ - Ảnh 6.

Từ hôm nay tới 2020.

Đó sẽ là một ván bài dài hơi. Bởi Samsung đã đặt ra mục tiêu, đến 2020, 100% danh mục sản phẩm của Samsung phải là các sản phẩm kết nối thông minh. Đi trước hay đi sau Samsung, cả thế giới cũng sẽ biến hình trở thành một thế giới kết nối thông minh.

Trong thế giới đó, Samsung có sợi dây phần mềm để kết nối tủ lạnh và TV. Galaxy S9, S10 hay S11 đều không cần phải là những chiếc smartphone choáng ngợp. Chúng chỉ cần đảm bảo nhiệm vụ là trái tim của thế giới mà thôi.

Còn Apple và Google? Họ đơn giản là chẳng có tủ lạnh, cũng chẳng có TV.

Theo Lê Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM