Galaxy Cinema mất cứ điểm quan trọng Nguyễn Trãi và sự trỗi dậy của các “tay chơi mới” trên thị trường rạp phim Sài Gòn

15/08/2016 16:53 PM | Kinh doanh

Trong thị thị trường đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nhất thì bất ngờ ngày 15/8, hệ thống Galaxy Cinema thông báo đóng cửa một “cứ điểm” quan trọng tại Sài Gòn là rạp Galaxy Nguyễn Trãi ở Trung tâm thương mại Citi Plaza đường Nguyễn Trãi quận 1. Cùng lúc đó là sự trỗi dậy của các “lính mới” trên thị trường rạp phim Sài Gòn.

Thông báo trên website galaxycine.vn cho biết: “Suốt chặng đường gần 10 năm, Galaxy Cinema Nguyễn Trãi đã ghi dấu biết bao kỷ niệm cùng các tín đồ phim. Một thế giới điện ảnh đầy kỳ thú, một điểm hẹn quen thuộc cùng bạn bè, gia đình hay "người ấy", những nụ cười và nước mắt... Thế nhưng, cuộc vui nào cũng phải đến lúc chia xa, từ ngày 15/8, Galaxy Cinema Nguyễn Trãi sẽ phải nói lời tạm biệt”.

Trong thông báo của mình, Galaxy Cinema không cho biết lý do đóng cửa rạp Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, nguyên nhân có lẽ không nằm ở chiến lược của Galaxy Cinema mà là tình huống "bất khả kháng" vì theo tìm hiểu của người viết, rạp Nguyễn Trãi luôn là một trong những rạp thu hút đông khách hàng nhất của Galaxy Cinema. Vị trí của rạp này cũng rất thuận lợi khi nằm cạnh trung tâm thương mại, trường học, khu phố Tây và các khu văn phòng, dân cư của quận 1.

Cùng với đó, sau khi đóng cửa rạp Nguyễn Trãi thì tại TPHCM hệ thống Galaxy Cinema chỉ còn Galaxy Nguyễn Du nằm ở Nhà thi đấu Nguyễn Du trung tâm quận 1. Trong khi 3 rạp phim còn lại là Galaxy Quang Trung ở tận Gò Vấp, Galaxy Tân Bình ở quận Tân Bình và Galaxy Kinh Dương Vương ở quận Bình Tân. Việc mất đi rạp Nguyễn Trãi sẽ là sự bất lợi rất lớn với Galaxy Cinema trong bối cảnh phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh như CJ CGV, Lotte Cinema, BHD và Cinebox.

Ngoài ra, trong khoảng 1 năm trở lại đây, tại thị trường rạp phim Sài Gòn cũng chứng kiến sự trỗi dẫy một số "lính mới". Đơn cử như là rạp Mega GS tại đường Cao Thắng quận 3.

Được biết, Mega GS là thương hiệu rạp của Sóng Vàng (Golden Screen), một doanh nghiệp đang phát triển khá nóng trong lĩnh vực truyền hình với các ngành mũi nhọn là sản xuất phim và truyền hình thực tế. Hiện Mega GS cũng đang tiếp tục xây dựng thêm các cụm rạp khác ở Quận 1, Bình Thạnh và Quận 5, tất cả đều nằm trong các khu trung tâm thương mại đang xây dựng.

Bên cạnh đó là “lính mới” Cinestar với 2 cụm rạp: một nằm trong chính rạp Quốc Thanh - đại bản doanh tiệc cưới của ông bầu Phước Sang trước đây, một nằm trên đường Hai Bà Trưng. Được biết, đây là sản phẩm của một nhóm người đã từng đứng trong đội ngũ của Megastar trước đây.

Liên quan đến tên gọi Cinestar và Mega GS cũng có những câu chuyện đồn thổi thể hiện sự nhanh nhạy của những người làm chủ. Cinestar rất gần với Megastar bởi như trên đã nói, nó được tạo dựng bởi một số thành viên chủ chốt từng làm việc ở Megastar xưa; còn Mega GS là cái tên được chủ của Sóng Vàng “chộp” ngay sau khi có thông tin Megastar chuyển nhượng và đổi tên đúng 2 ngày.

Hình thức kinh doanh của các rạp mới cũng rất phong phú. Họ không chỉ kiếm tiền từ khán giả mua vé, từ việc bán đồ ăn thức uống, từ việc cho đặt biển quảng cáo mà còn bán cả rạp cho các thương hiệu. Tức là các thương hiệu trả tiền cho chủ rạp để được có một hoặc vài rạp mang tên thương hiệu với ghế ngồi bọc vải in logo thương hiệu lên. Ví dụ ở Mega GS có rạp của điện thoại Oppo và rạp của nước giải khát Pepsi.

Theo số liệu do CJ CGV (Megastar trước đây), doanh thu vé phim của Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh trong khoảng 10 năm qua. Năm 2006 vào khoảng 5 triệu USD, năm 2010 là 25,7 triệu USD, năm 2012 khoảng 47 triệu USD, cuối năm 2014 tầm 82 triệu USD...

Chưa có thống kê chính thức nhưng trên báo chí đại diện CGV cho rằng, năm 2015 Việt Nam lọt vào danh sách "thị trường điện ảnh nhiều hơn 100 triệu USD".

Còn theo Tạp chí Hollywood Reporter tỷ suất tăng trưởng từ doanh thu bán vé phim của Việt Nam năm 2012 lên đến 614%, xếp cao nhất trong số 13 thị trường điện ảnh "nóng" nhất thế giới.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM