Ga Sài Gòn những ngày giáp Tết: Sợ trễ tàu, cha mẹ ôm con ngồi chầu chực trước cửa ga hàng giờ đồng hồ

23/01/2017 09:29 AM | Xã hội

Sợ sẽ trễ tàu như những hành khách về quê trước đó nên nhiều ông chồng dẫn vợ con đến ga chờ đợi trước đến 3-4 tiếng đồng hồ bất chấp trời nóng bức.

Ít ngày trước, các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải thông tin về những hành khách vì lý do kẹt xe mà gặp sự cố trễ tàu , trong đó có một số người vì quá tức tưởi mà bật khóc ngay sân ga. Lo sợ sẽ lâm vào hoàn cảnh tương tự, nhiều người đàn ông quyết định dẫn cả gia đình mình đến ga từ rất sớm, dù đến tối chuyến đi mới khởi hành, bất chấp một số bị vợ con phản đối.

Chiều 25 Tết trùng với ngày chủ nhật nên nhiều người tranh thủ chọn về quê vào ngày này. Tại bãi giữ xe cả ngày lẫn đêm của nhà ga đã chật kín vì nhiều hành khách gửi lại, đến khi ăn Tết xong vào lại Sài Gòn mới lấy xe

Đến hơn 16 giờ, trước nhà ga có rất nhiều gia đình ngồi dọc theo lề đường nhựa. Trong số này, nhiều người cho biết chuyến tàu của mình đến tối khuya mới khởi hành.

Ẵm con trai 1 tháng rưỡi trên tay, anh Hùng (32 tuổi, quê Quảng Ngãi) cho biết chuyến đi mình khởi hành lúc 20 giờ nhưng ngay từ gần 16 giờ đã chở vợ con từ quận Bình Tân sang đây vì sợ trễ. Chỉ mua được vé cứng, anh rất lo lắng khi con trai còn quá nhỏ lại phải đi chuyển với chặng đường 17 tiếng.

Còn anh Vinh (35 tuổi) thì dẫn con gái 3 tuổi về quê một mình. "Mấy lần trước có vợ đi chung, lần này vợ bận nên cũng có hơi e ngại. Chuyến của mình đi là 19 giờ 55 phút nhưng đi sớm cho chắc" – anh nói.

Anh Đồng (39 tuổi, quê Bình Định) còn lo xa hơn khi đưa vợ con đến ga trước 6 tiếng. Anh cho biết mình làm công ty gỗ ở Bình Dương, chạy lên ga cũng mất cả tiếng đồng hồ. "Nói nghe đơn giản vậy, nhưng lỡ có trục trặc gì thì gia đình mình lại lỡ tàu như mấy người trước, nên cứ phòng hờ cho chắc" – Anh nói.

Anh Tân (43 tuổi, quê Thái Bình) cho biết vì đi quá sớm, con lại nhỏ nên vợ rất cằn nhằn, tỏ ý không bằng lòng. Tuy vậy, sau khi thuyết phục bằng cách "doạ" sẽ trễ tàu, bà vợ cũng miễn cưỡng đồng ý. Vì đến quá sớm nên nhiều cha mẹ cũng vất vả bởi con nhỏ rất hiếu động, phải liên tục dỗ con bằng những hình thức như mua bánh kẹo.

Hay đưa điện thoại cho con chơi game.

Gia đình anh Chính (28 tuổi, quê Nghệ An) đang ngồi ăn mì chờ tàu. "Đã đợi suốt 3 tiếng đồng hồ nên vợ con đã đói bụng, đi ra ngoài ăn cơm lại bất tiện nên tụi mình quyết định ăn mì ly luôn cho tiện. Kệ, một năm mới có một lần, chịu khó chút nữa lên tàu là khoẻ" – người chồng vừa ăn vừa nói.

Đến sớm quá nên con trai anh Trịnh Quang Thế (40 tuổi) quá mệt mỏi, gục trên vai cha. Trong nhà chờ tàu quá đông nên anh phải ẵm con ra ngoài hóng gió.

Anh Thái (41 tuổi) đến ga từ 17 giờ. "Bữa giờ nghe báo đài kể nhiều người đi trễ, khóc lóc dữ quá nên tôi cũng sợ, cho vợ con đi sớm. Chứ 8 giờ tối chuyến tàu của tôi mới chuyển bánh".

Chứng kiến nhiều người chờ tàu mòn mỏi, anh Nguyễn Thanh Truyền (41 tuổi, quê Phan Rang) và vợ quyết định mua vé về quê vào mùng 1 Tết. Anh cho biết mình đã có nhà riêng tại Sài Gòn nên cũng không gặp quá nhiều bất tiện.

Đến 19 giờ 30, dòng người đổ vào ga Sài Gòn càng lúc càng đông. Trong lúc này, nhiều trẻ chờ đợi cùng cha mẹ từ chiều đã mệt mỏi, gương mặt bơ phờ.

Trong khi đó vì trong nhà chờ đã chật cứng, một số người toả ra ngồi luôn ngoài các bồn cây gần bãi giữ xe.

Theo các nhân viên an ninh tại ga Sài Gòn, lượng khách đi tàu về quê sẽ còn tiếp tục đông từ giờ cho đến 29 Tết. Do đó tình trạng vật vờ chờ tàu sẽ còn tiếp diễn ít nhất là ba, bốn ngày nữa.
Theo các nhân viên an ninh tại ga Sài Gòn, lượng khách đi tàu về quê sẽ còn tiếp tục đông từ giờ cho đến 29 Tết. Do đó tình trạng vật vờ chờ tàu sẽ còn tiếp diễn ít nhất là ba, bốn ngày nữa.

Theo Thiên Kim

Cùng chuyên mục
XEM