FPT Shop bất ngờ mở F.Beauty chuyên kinh doanh mỹ phẩm nhập ngoại, tranh thủ thị trường mỹ phẩm còn đang "tranh sáng tranh tối"

12/12/2019 11:12 AM | Kinh doanh

Năm 2019 là một năm "thử" rất nhiều của doanh nghiệp bán lẻ nhà FPT. Sau khi chấm dứt việc hợp tác với Nguyễn Kim trong bán hàng điện máy, FPT Shop bán thêm mắt kính, đăng ký thêm ngành nghề chuyển phát, và mới đây nhất là mở cửa hàng F.Beauty, chuyên kinh doanh mỹ phẩm nhập ngoại.

Mới đây, hình ảnh đầu tiên về cửa hàng F.Beauty với logo của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) rò rỉ trên mạng. Cửa hàng này đặt tại đường Nguyễn Trãi, chuyên kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm làm đẹp.

F.Beauty, theo thông tin tuyển dụng nhân sự trên website chính thức của FPT Retail, là phân mảng bán lẻ mới của doanh nghiệp này, chuyên kinh doanh các dòng sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp nhập ngoại chính hãng.

FPT Shop bất ngờ mở F.Beauty chuyên kinh doanh mỹ phẩm nhập ngoại, tranh thủ thị trường mỹ phẩm còn đang tranh sáng tranh tối - Ảnh 1.

Ảnh: Facebook Vũ Anh.

F.Beauty bắt đầu tuyển dụng số lượng lớn nhân sự từ cuối tháng 11. Với vị trí quản lý cửa hàng, số lượng tuyển là 10. Khả năng đây cũng là số cửa hàng F.Beauty phủ sóng trước Tết Nguyên đán.

Với việc mở chuỗi cửa hàng, có vẻ bán lẻ mỹ phẩm sẽ là chiến lược lớn của FPT Retail bên cạnh mảng bán lẻ dược, chứ không chỉ đơn thuần là câu chuyện "thử và sai" như với các mảng bán lẻ điện máy, mắt kính.

FPT Shop bất ngờ mở F.Beauty chuyên kinh doanh mỹ phẩm nhập ngoại, tranh thủ thị trường mỹ phẩm còn đang tranh sáng tranh tối - Ảnh 2.

Với mảng điện máy, FPT Retail đơn thuần là bổ sung mục "điện máy", kết nối với website của Nguyễn Kim. Hiện mảng điện máy đã qua thời gian thử nghiệm và được gỡ bỏ trên website Fptshop.com.vn.

Mảng mắt kính là mảng tận dụng không gian tại các shop hiện hữu. Tính đến giữa tháng 11/2019, có 20 trên tổng số 584 cửa hàng FPT Shop bày bán mắt kính theo mô hình Ki-ốt trong cửa hàng.

Hiện thị trường mỹ phẩm Việt Nam ở dạng "tranh tối tranh sáng". Trong khi nhu cầu cao, mô hình bán hàng phổ biến trên thị trường là bán hàng xách tay và bán online, với chất lượng sản phẩm theo kiểu "tin nhau là chính".

Lý do FPT Retail bước chân vào thị trường mỹ phẩm có lẽ cũng tương tự như lý do họ bước chân vào mảng dược: Quy mô thị trường lớn, lại đang phân mảnh, chưa có một chuỗi bán lẻ lớn chi phối.

Phản hồi về việc bước chân vào lĩnh vực bán lẻ mỹ phẩm, đại diện FPT Retail cho biết "đây mới chỉ là bước thử nghiệm".

Mỹ phẩm, trong mắt Shark Dzung, cũng là một thị trường màu mỡ. Trước đó, vị cá mập này cũng bày tỏ sau 11 năm đầu tư vào công nghệ, ông muốn vươn ra một lĩnh vực khác. Công ty của Shark Dzung - CTCP Belie JSC - hiện đang phân phối độc quyền mỹ phẩm DHC tại Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử, FPT cũng đôi lần tham gia mảng mỹ phẩm/spa. Năm 2007, ông Nguyễn Thành Nam khi ấy giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Phần mềm FPT (tiền thân của FPT Software ngày nay) đã góp vốn thành lập CTCP Tái tạo Sinh học, chuyên về mỹ phẩm sử dụng công nghệ tế bào gốc. Mảng kinh doanh này có lời tới mức số vốn góp ban đầu chỉ 500 triệu đồng, nhưng doanh số năm thứ 2 của công ty đã lên tới mức 80 tỷ đồng.

Một mảnh bổ trợ nữa cho mảng mỹ phẩm ở FPT là hệ thống đào tạo thẩm mỹ Hàn Quốc Poly K-Beauty được thành lập vào tháng 10/2016, do trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic hợp tác Hiệp hội đào tạo làm đẹp Hàn Quốc (ACE).

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM