F&N: Chúng tôi đã chờ Vinamilk rất lâu

13/12/2016 08:31 AM | Kinh doanh

Cổ phần của Vinamilk được bán nằm trong kế hoạch thanh lý tài sản tại 12 công ty chính phủ có cổ phần.

Theo Nikkei Asean Review, ngày 12/12, tập đoàn Fraser & Neave (F&N) của Singapore mua thêm 5,4% cổ phần tại CTCP Sữa Việt Nam, gọi tắt là Vinamilk, thông qua 2 công ty con. Thỏa thuận lần này trị giá 11.200 tỷ VNĐ, tương đương 498,9 triệu USD.

Sau thương vụ này, cổ phần của F&N tại công ty sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam tăngtừ 10,95% lên 16,35% và tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vinamilk tăng từ 48,23% lên 53,63%.

Vinamilk là công ty lớn nhất được niêm yết trên sàn tại Việt Nam với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 8,7 tỷ USD. Chính phủ hiện nắm giữ gần 40% cổ phần tại công ty này và đang lên kế hoạch bán đi phần của mình trong những năm tới.

Trong phiên giao dịch ngày 12/12, cổ phiếu của Vinamilk giảm 7% xuống mức 133.700 VNĐ/cổ phiếu. Giá mua thỏa thuận của F&N là 144.000 VNĐ/cổ phiếu. Người đại diện của F&N cho biết giá bỏ thầu như vậy là ổn nếu nhìn vào triển vọng tăng trưởng của công ty và đội ngũ quản lý vững chắc.

F&N bắt đầu mua cổ phần của Vinamilk từ năm 2005 và tiếp tục theo sát kế hoạch thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) để có thể tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất Đông Nam Á này.

Giám đốc tài chính Hui Choon Kit cho biết F&N đã chờ đợi SCIC thực hiện thương vụ Vinamilk từ rất lâu. Công ty của Singapore tỏ ra rất vui với kể quả lần này.

Kể từ tháng 7, Vinamilk đã bỏ trần sở hữu nước ngoài. Trên lý thuyết, các nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ 100% cổ phần tại đây. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên cho biết Vinamilk đang lên kế hoạch thảo luận về việc thay đổi điều lệ công ty nhằm đảm bảo sự ổn định.

Trong đợt chào bán mới nhất, các nhà đầu tư có thể tiếp cận với 60% cổ phần của Vinamilk. Chủ tịch SCIC – ông Nguyễn Đức Chi – nhận định thương vụ này là một sự thành công bởi sự sụp đổ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến nhiều nhà đầu tư rời bỏ các thị trường mới nổi và đang phát triển.

Năm 2015, Vinamilk không được ưu tiên trong danh sách thoái vốn của SCIC bởi đây là công ty niêm yết mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Tuy nhiên, tới năm 2016, chính phủ dự kiến bán 9% cổ phần với sự giúp đỡ từ vấn từ Morgan Stanley Asia, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và VinaCapital Corporate Finance Vietnam.

Việc thoái vốn khỏi Vinamilk cũng là lần đầu tiên chính phủ đấu giá công khai trên phạm vi quốc tế 1 trong số 12 doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý. Việt Nam đang thực hiện việc bán tài sản để giảm nợ công đang ở mức cao. Theo Nikkei, tính tới cuối năm 2015, nợ công Việt Nam dự kiến đạt gần 120 tỷ USD, tương đương 62,2% GDP.

Theo Thạch Thảo

Cùng chuyên mục
XEM