FED vừa có động thái "thử thị trường" trước quyết định giảm lãi suất

26/05/2017 12:04 PM | Kinh tế vĩ mô

Mới đây, Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) đã công bố bản báo cáo cuộc họp tháng 5/2017 cho thấy cơ quan này sẽ cắt giảm danh mục tái đầu tư trị giá 4,5 nghìn tỷ USD, hay còn được gọi là “Balance Sheet” (Bảng cân đối kế toán).

Hiện FED đang nắm giữ một danh mục đầu tư trị giá 4,5 nghìn tỷ USD, chủ yếu là trái phiếu chính phủ được cơ quan này thu mua lại từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. Nhờ những khoản lãi đáo hạn từ trái phiếu này mà FED có tiền tái đầu tư vào nhiều trái phiếu khác.

Bằng cách này, FED có thể liên tục mua vào trái phiếu mới, giữ mức lãi suất cố định, ngăn chặn tình trạng bán tháo trái phiếu ra thị trường hay một lượng lớn cung vượt cầu, khiến lãi suất tăng cao. Thêm vào đó, việc giữ bảng cân đối kế toán liên tục tăng trưởng khiến thị trường chứng khoán Mỹ có những phản ứng tích cực, qua đó ổn định hệ thống tài chính Mỹ.

Kể từ cuộc khủng hoảng 2008, FED đã liên tục mua vào trái phiếu cùng những khoản thế chấp trong chương trình nới lỏng định lượng (QE) nhằm cứu vãn nền kinh tế. Bằng việc cung tiền ra thị trường và mua vào những khoản nợ, FED đã ổn định được lãi suất cũng như trấn an nhà đầu tư.

Tuy nhiên sau đó, FED đã cho ngừng QE và giữ bảng cân đối kế toán ở mức 4,5 nghìn tỷ USD bằng cách lấy những khoản tiền đáo hạn của trái phiếu cũ để mua trái phiếu mới, qua đó ổn định thị trường.

Bình thường hóa chính sách?

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt thời gian qua, FED đang có kế hoạch đưa lãi suất trở lại mức bình thường cũng như giảm lượng trái phiếu nắm giữ trong bảng cân đối kế toán xuống so với mức 4,5 nghìn tỷ USD hiện nay.

Bản báo cáo của FED cho thấy cơ quan này đang xem xét họ sẽ giải phóng bao nhiêu trái phiếu đáo hạn hàng tháng mà không tái đầu tư mua tiếp trái phiếu mới. Động thái này của FED khá tương tự như việc thu hồi QE bắt đầu từ năm 2013 khi cơ quan này tuyên bố giảm lượng mua vào trái phiếu hàng tháng.

Trong lần này, FED sẽ đề ra bao nhiêu trái phiếu đáo hạn sẽ được dùng để tái đầu tư và một lượng trái phiếu mới không nhỏ trên thị trường sẽ không được FED mua vào như mọi khi.

Cụ thể, FED sẽ đề ra một mức trần trái phiếu đáo hạn không tái đầu tư, ban đầu ở mức thấp. Nếu lượng trái phiếu đáo hạn vượt quá mức trần này thì số tiền lãi nhận được từ trái phiếu sau đó sẽ được đem đi mua trái phiếu mới.

Dần dần, FED sẽ nâng mức trần này lên mà tương ứng số trái phiếu đáo hạn để tái đầu tư sẽ giảm dần. Báo cáo của FED cho thấy cơ quan này sẽ điều chỉnh mức trần này 3 tháng 1 lần trong một khoảng thời gian nhất định. Mục đích chính của động thái này là đưa bảng cân đối kế toán về mức “bình thường” sau thời gian dài mua vào trái phiếu để ổn định lãi suất. Mặc dù FED không đưa ra định nghĩa “bình thường” là bao nhiêu nhưng ước tính của Societe Generale cho thấy định mức mới này có thể khiến bảng cân đối kế toán của FED giảm xuống còn một nửa, khoảng 2,5 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, ngân hàng UBS lại đưa ra ước tính thận trọng hơn với định mức 5-10 tỷ USD trái phiếu đáo hạn trong thời điểm ban đầu thực hiện chương trình.

Chi tiết cụ thể của chương trình này sẽ được thông báo trước khi FED thực hiện. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia lo ngại chương trình này có thể bị gián đoạn và đẩy mức lãi suất lên cao bất thường. Việc FED giảm mua trái phiếu sẽ đẩy một lượng lớn cung ra thị trường, qua đó làm tăng mức lãi suất đi vay nhanh hơn.

Trong trường hợp lãi suất tăng quá nhanh, FED có thể sẽ buộc phải dừng chương trình nhằm ổn định thị trường. Trước đó vào năm 2013, việc FED tuyên bố dừng QE đã gây sốc cho thị trường và tạo nên một cuộc khủng hoảng nhỏ trong hệ thống tài chính khi các nhà đầu tư lo ngại việc FED dừng mua trái phiếu sẽ đẩy lãi suất lên cao bất thường.

Động thái mới đây của FED đang đi theo đúng những gì cơ quan này tuyên bố khi đưa lãi suất tại Mỹ trở lại mức bình thường. Trong một thời gian dài sau khủng hoảng kinh tế 2008, FED đã giữ mức lãi suất 0% nhằm thúc đẩy doanh nghiệp, cá nhân đem tiền đi kinh doanh đầu tư hơn là gửi ngân hàng.

Dẫu vậy, kinh tế tăng trưởng tốt cùng với những chính sách cung tiền lớn ra thị trường nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế của Tổng thống Donald Trump đã khiến FED buộc phải tăng nhanh thời gian nâng lãi suất nhằm đối phó với rủi ro lạm phát.

Mặc dù cuộc họp lần này của FED không quyết định tăng lãi suất nhưng nhiều chuyên gia khẳng định cơ quan này sẽ nâng lãi suất cơ bản vào tháng 6 tới đây. Bằng việc giảm bảng cân đối kế toán, FED có thể chậm rãi xem xét phản ứng của thị trường trước khi quyết định điều chỉnh lãi suất.

BT

Cùng chuyên mục
XEM