FED tăng lãi suất, lãi suất khu vực Đông Nam Á cũng bắt đầu tăng

26/12/2018 19:46 PM | Xã hội

Chỉ ngay trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra quyết định tăng lãi suất vào cuối ngày 20/12, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã kịp tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản, từ 1,5% lên 1,75% (1% tương ứng với 100 điểm cơ bản).

Đây là lần tăng lãi suất trở lại đầu tiên của Ngân hàng Trung ương Thái Lan trong vòng 7 năm. Lần cuối cùng Thái Lan tăng lãi suất là năm 2011, trong khi những năm sau đó đã liên tiếp chứng kiến xu hướng giảm lãi suất của nước này. Động thái của Thái Lan cho thấy nước này đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.

Thái Lan không phải nước đầu tiên tăng lãi suất tại khu vực Đông Nam Á. Trước đó đã có Indonesia và Philippines nâng lãi suất để đối phó với sự sụt giá của đồng nội tệ. Kể từ tháng 5 đến nay, Indonesia đã có đến 6 lần tăng lãi suất, với lần gần đây nhất diễn ra vào tháng trước.

Với tình hình thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và sự lao dốc không phanh của đồng Rupiah Indonesia, thì Ngân hàng Trung ương trong năm nay đã phải nỗ lực tăng lãi suất để cứu lấy giá trị đồng tiền và hạn chế xu hướng tháo chạy của dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Ngày 27/9, Ngân hàng Trung ương Philippines đã quyết định tăng lãi suất chủ chốt lần thứ tư trong năm nay, với mục tiêu kiềm chế lạm phát vốn đã lên mức cao nhất trong 9 năm, cũng như tạo đà đi lên cho đồng nội tệ. Theo đó, Philippines đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 4,5% và tỏ ý lo ngại rằng nền kinh tế đang phát triển quá nóng.

Sự tàn phá và thiệt hại do bão Mangkhut, cơn bão mạnh nhất năm 2018 đã càng đẩy giá cả tăng cao do những khu vực nông nghiệp quan trọng của Philippines bị thiệt hại rất lớn. Lạm phát của Philippines trong năm nay và năm tiếp theo nhiều khả năng sẽ vượt qua mức dự báo của cơ quan tiền tệ quốc gia, do đó việc tăng lãi suất được xem là cần thiết. Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng cảnh báo lạm phát năm 2018 của nước này sẽ ở mức cao nhất trong 10 năm qua, lên đến 5,3%, báo hiệu Manila có thể chứng kiến một cú sốc kinh tế trong năm tới.

Với việc các nước trong khu vực đã và đang tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục gây áp lực lên chính sách tiền tệ của Việt Nam, vốn bắt đầu đối mặt với một số thách thức. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm nay đã có những giải pháp thắt chặt chính sách tiền tệ sau thời gian dài duy trì nới lỏng, cụ thể đã bắt đầu với việc kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, trong khi mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng trước động thái điều chỉnh tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại gần đây, thì cho đến giờ này, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có dấu hiệu gì về việc sẽ nâng lãi suất điều hành chủ chốt trong nền kinh tế.

Theo Gia Lê

Cùng chuyên mục
XEM