Facebook đang tìm mua các show truyền hình độc quyền - mảnh ghép cuối để trở thành một công ty truyền thông

05/03/2017 15:16 PM | Công nghệ

Dù công ty luôn phủ nhận ý định này, những rõ ràng hàng loạt động thái Facebook đang tiến hành trong những năm gần đây càng ngày càng cho thấy kế hoạch đó.

Theo nguồn tin thân cận cho biết với Wall Street Journal, công ty Facebook Inc. đang có kế hoạch thu hút những show chương trình độc quyền tương tự như trên truyền hình, bao gồm các chủ đề thể thao, khoa học, văn hóa bình dân, phong cách sống, trò chơi điện tử và thế hệ tuổi teen.

Tuy nhiên, có một chủ đề mà Facebook không mấy hứng thú ở thời điểm hiện tại, đó là tin tức – cho dù hiện tại một số tổ chức báo chí đã dành ra các nguồn lực đáng kể cho sáng kiến về video trực tiếp của công ty. Trong khi đó, theo nguồn tin này, công ty chủ yếu quan tâm đến các series chương trình hàng tuần, với thời lượng mỗi phần lên tới 30 phút.

Facebook phát đi tín hiệu cho biết họ sẵn sàng trả một số tiền “ngất ngưởng” cho các show chương trình có kịch bản, thậm chí số tiền “đến 6 con số” cho mỗi phần. Hiện tại, Netflix hay một số hãng truyền hình lớn cũng đang chi trả đến hàng triệu USD cho mỗi phần của các chương trình truyền hình có ngân sách cao.

Không những vậy, người đứng đầu nỗ lực thu hút các show chương trình độc quyền của Facebook, ông Ricky Van Veen còn hứa hẹn, bên cạnh phí bản quyền cao ngất, những nhà sáng tạo nội dung còn được chia sẻ doanh thu quảng cáo và một chỗ ưu tiên trong thẻ video mới ra mắt của ứng dụng Facebook di động.

Hiện tại, người dùng thường kiểm tra Facebook vào những lúc họ có thời gian rỗi và xem lướt qua các đoạn video ngắn hiện ra trên News Feed của họ. Bằng cách tạo ra các nội dung chỉ có trên Facebook, rõ ràng CEO Mark Zuckerberg đang muốn 2 tỷ người dùng hàng tháng sẽ tìm đến nền tảng này thường xuyên hơn và trong thời gian dài hơn, như họ đã làm với truyền hình.

Sự chuyển mình của Facebook: còn hơn cả mạng xã hội

Điều đó cũng cho thấy một sự chuyển mình của Facebook. Từ trước đến nay, Facebook luôn mô tả mình như một mạng xã hội lớn nhất hành tinh, với việc kết nối hàng tỷ người dùng lại với nhau. Nói cách khác, Facebook dựa vào người dùng để cung cấp nội dung cho mình, một cách miễn phí. Nhưng giờ đây, với dự định thu hút các nhà sản xuất chương trình tìm đến mình, họ đang bắt đầu trả tiền cho nội dung của riêng mình.

Kế hoạch này của Facebook cũng là lời khẳng định thêm cho định nghĩa mới về nền tảng này: một công ty truyền thông, thay vì chỉ là một mạng xã hội – một điều họ luôn muốn phủ nhận. Cho dù vậy, liên tiếp những động thái trong thời gian gần đây của công ty đang biến nhận định này trở nên chính xác hơn bao giờ hết.

Từ năm 2015, công ty đã bắt đầu đưa ra công cụ Instant Articles, một tính năng cho phép người dùng đọc tin tức từ các tờ báo nhanh hơn, tức thời hơn, ngay trên ứng dụng Facebook mà không phải đường link bài báo trong một trình duyệt mới. Tiếp bước Instant Articles là công cụ Live Video, cho phép các nhà xuất bản có thể tạo ra các đoạn video một cách trực tiếp ngay trên nền tảng này.

Bằng việc cho phép các nhà xuất bản tạo ra nội dung của họ ngay trên nền tảng của mình, Facebook đã trở thành một tờ báo, một tạp chí, một chiếc radio và một chiếc tivi của thời đại Internet – “vô tình” nó giống như những gì từ điển Merriam-Webster mô tả về một công ty truyền thông: một phương tiện truyền đạt thông tin và ảnh hưởng rộng rãi đến mọi người.

Không những vậy, bước đi đó của Facebook còn rõ nét hơn khi vào tháng Một năm nay, họ ra mắt tính năng Facebook Journalist Project cho một số tờ báo lớn. Facebook Journalist Project, một công cụ giống như những gì hầu hết các công ty truyền thông vẫn làm, như phát triển nội dung mới và các “định dạng kể chuyện”, đào tạo phóng viên và giúp hình thành bản tin. Tất cả những gì còn thiếu chỉ là các bài viết – các nội dung thực sự - để biến Facebook thành một công ty truyền thông thực sự.

Và với thông tin mà tạp chí phố Wall vừa tiết lộ, Facebook rõ ràng đang tìm kiếm mảnh ghép còn thiếu của mình: các show chương trình độc quyền, những nội dung mà chỉ riêng Facebook mới có. Nhiều người lo ngại rằng, ý tưởng này của Facebook sẽ đi theo vết xe đổ của YouTube Red – một kênh dành cho các chương trình độc quyền trả phí của YouTube.

Tuy nhiên, trong khi YouTube là một nền tảng video còn Facebook lại đang có trong tay đầy đủ công cụ của một công ty truyền thông, để đưa những nội dung độc quyền đó tới đông đảo người dùng thường xuyên của mình, hàng tỷ người mỗi tháng.

Miếng bánh quảng cáo trên truyền hình

Nhưng tại sao Facebook lại cần trở thành các công ty truyền thông? Công ty truyền thông cũng chỉ là một danh xưng, một cách mô tả về Facebook, còn cái mà công ty quan tâm lại là thu hút người dùng và doanh thu quảng cáo. Các nội dung độc quyền, những nội dung chuyên nghiệp sẽ giúp giữ chân người dùng ở lại trên Facebook lâu hơn, cũng có nghĩa là doanh thu quảng cáo lớn hơn.

Gia tăng doanh thu quảng cáo đang ngày càng trở nên quan trọng hơn với Facebook. Trong cuộc gặp mặt với các nhà đầu tư vào năm ngoái, giám đốc tài chính của Facebook đã nói với các nhà đầu tư rằng, họ đã gần đạt đến giới hạn cho số lượng quảng cáo có thể hiển thị trên News Feed, trước khi người dùng quyết định từ bỏ nền tảng này để tìm đến một thứ gì đó ít quảng cáo hơn.

Đó là lý do Facebook thực hiện các thử nghiệm đưa quảng cáo lên những nền tảng khác mà mình sở hữu, như Messenger, hay thậm chí cả giữa những đoạn video trên News Feed (một hình thức tương tự như quảng cáo hiện tại trên truyền hình), nhưng chưa ai rõ tiềm năng của chúng có được như kỳ vọng hay không.

Trong khi đó, dù giảm sút về thị phần trước quảng cáo trực tuyến, doanh thu quảng cáo trên truyền hình tại Mỹ vẫn đạt mức 70 tỷ USD năm vừa qua, vẫn gấp gần 10 lần so với Facebook. Lấn sân sang ngành truyền hình sẽ trở thành cứu cánh tuyệt vời cho doanh thu quảng cáo của Facebook.

Thậm chí, Facebook còn hợp tác với Apple để phát triển một ứng dụng dành riêng cho video trên Apple TV. Khác với các ứng dụng trước đây, ứng dụng lần này sẽ chỉ có video, và không có nội dung khác như tin tức hay hình ảnh. Một động thái khác cho thấy rõ tham vọng của nền tảng trực tuyến này.

Hãy nghĩ đến viễn cảnh khi “công ty truyền thông” Facebook mở rộng quy mô phát sóng nội dung của họ ra toàn cầu – tất nhiên với những nội dung mang tính địa phương nhiều hơn, doanh thu quảng cáo chắc chắn còn lớn hơn nhiều lần so với thị trường truyền hình tại Mỹ. Lúc đó, có lẽ số phận nhiều hãng truyền hình cũng giống với nhiều hãng báo chí hiện nay, bất lực nhìn doanh thu quảng cáo sụt giảm không cứu vãn được.

Theo Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM