EU - Từ chiến tranh đẫm máu đến hình mẫu của hòa bình và thịnh vượng

27/06/2016 09:58 AM | Kinh tế vĩ mô

Tháng 5/1947, Thủ tướng Anh lúc đó là Wiston Churchill đã đặt ra câu hỏi “Châu Âu là gì?”. Câu trả lời là “một đống gạch vụn, nhà xác khổng lồ, nơi chất đầy dịch bệnh và lòng thù hận”.

Chiến tranh đã khiến 36,5 triệu người châu Âu thiệt mạng. Ở nhiều nước, số dân thường bị giết còn nhiều hơn cả quân lính. Nhà sử học Tony Judt viết rằng ở Yugoslavia, chiến tranh đã phá hủy 25% số vườn nho, 50% khối lượng gia súc, 60% đường sá, 70% cầu đường sắt, 30% ngành công nghiệp và 20% nhà cửa. Chiến thắng trước quân Đức đã không thể giúp Hà Lan cứu sống 16.000 đã thiệt mạng trong nạn đói mùa đông năm 1944/45.

Thế kỷ 17, châu Âu cũng trải qua thời kỳ đẫm máu tương tự nếu xét về số người thiệt mạng trên tổng số dân của châu lục này. Chiến tranh 30 năm bắt đầu từ năm 1618, kết thúc năm 1648, chủ yếu diễn ra tại vùng nay là nước Đức và bao gồm hầu hết các cường quốc của châu Âu lục địa thời bấy giờ. Mặc dù trên danh nghĩa đó là cuộc xung đột tôn giáo giữa những người Tin lành và những người Công giáo, nhưng thật ra, động cơ chính của cuộc chiến bắt nguồn từ cuộc tranh giành quyền lực giữa nhà Habsburg và các cường quốc khác ở châu Âu.

Năm 1648, Hiệp ước Westphalia được ký kết, định hình suy nghĩ chung về xung đột giữa các nước châu Âu. Tinh thần ấy được duy trì đến tận 3 thế kỷ sau: mỗi nước đều không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác, và đảm bảo thế cân bằng quyền lực là cách để kiềm chế tham vọng của các nước.

Bước sang thời kỳ hiện đại, thế cân bằng ấy ngày càng khó duy trì. Trong thế kỷ 18, Anh gom một số nước để hình thành Vương quốc Anh. Pháp trở thành quốc gia đầu tiên huy động tất cả các nguồn lực quốc gia để tiến hành chiến tranh.

Đến thế kỷ 19, các Chính phủ dùng máu và đất đai là công cụ để tăng cường quyền lực. Các câu chuyện kể truyền miệng, truyện cổ về những bậc tổ tiên mang màu sắc thần thoại, ngôn ngữ và chủng tộc… tất cả đều được sử dụng để tô đậm thêm những nét đặc trưng và lòng tự tôn dân tộc của mỗi quốc gia. Giới tinh hoa thành thị có học vấn cao và nói được nhiều thứ tiếng ngày càng lép vế trước sự nổi lên của những nhóm người chỉ tự nhận mình là Frenchmen, German, English hay Russian.

Sau năm 1814, Đức có tới 5 lần xâm lược Pháp. Sau năm 1914, những nước châu Âu đầy tham vọng với thuộc địa trải khắp các châu lục đã 2 lần kéo cả thế giới vào chiến tranh. Chủ nghĩa phát xít trỗi dậy.

Chính trong thảm cảnh ấy, mong muốn đẩy lùi chiến tranh và mang đến việc làm cũng như thịnh vượng cho những người công nhân và nông dân đã dẫn đến ý tưởng về một cộng đồng chung châu Âu.

Mối kết nối rõ ràng nhất là ở Pháp. Để có thịnh vượng thì cần đến các nguyên vật liệu thô của Đức. Từ những năm 1890 Pháp đã phụ thuộc vào than đá của Đức và đến những năm 1930 đã trở thành nước nhập khẩu than nhiều nhất thế giới. Cùng lúc đó Pháp cho rằng phải giữ Đức tranh xa khỏi sự giận dữ đang trỗi dậy.

Năm 1945, Charles de Gaulle cảm thấy cách tốt nhất để đạt được tất cả các mục tiêu là đặt ngành than và thép ở Ruhr và Rhineland trong bàn tay kiểm soát của người Pháp vĩnh viễn. Người Mỹ và người Anh ủng hộ điều này, một phần là do họ sợ nếu Tây Đức nghèo đói và bị đè nén, họ sẽ nổi dậy hoặc quay về phía Liên Xô.

Năm 1949, không còn cách nào khác, Ngoại trưởng Pháp Robert Schuman đã chọn ý tưởng Cộng đồng than thép châu Âu làm kim chỉ nam cho con đường phát triển. Kế hoạch được tuyên bố tại Salon de l’Horloge, căn phòng đẹp nhất trong Bộ Ngoại giao Pháp. Một Hội đồng tối cao được thành lập, đứng trên Chính phủ của tất cả 6 nước. Mọi thành viên tham gia đều có vị thế ngang bằng nhau và nhóm này sẵn sàng kết nạp thêm thành viên mới.

Schuman gọi đây là một bước đột phá. Ý tưởng về liên minh châu Âu đã có từ rất nhau. Victor Hugo nói về “Liên bang châu Âu” từ năm 1849. Nhà sử học Perry Anderson thống kê có ít nhất 600 lời kêu gọi một châu Âu đoàn kết trong các cuộc chiến tranh. Nhưng đến năm 1951, những nền móng đầu tiên của Liên minh châu Âu mới bắt đầu được xây dựng. Trải qua nhiều sóng gió, châu Âu đã có được hòa bình và thịnh vượng, đã trở thành miền đất hứa mà biết bao người mong muốn đặt chân đến.

Giờ đây, với "cơn địa chấn" vừa xảy ra ở nước Anh, sóng gió đang ập đến. Liệu "con thuyền" châu Âu có thể vững vàng đi qua sóng gió? Không ai có thể chắc chắn về câu trả lời.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM