EU: Hợp rồi tan?

23/06/2016 11:27 AM | Kinh tế vĩ mô

Từ 6 nước với 4 thứ tiếng, 177 triệu dân và tổng GDP đạt 1.600 tỷ USD ban đầu (tính theo giá trị đồng tiền năm 2014), ngày nay EU đã có 28 nước thành viên, 24 thứ tiếng, 505 triệu dân và tổng GDP đạt 19.000 tỷ USD.

Trong trụ sở của Bộ Ngoại giao Pháp, căn phòng hoành tráng nhất chính là Salon de l’Horloge. Căn phòng nguy nga với những chất liệu quý như vàng và đá cẩm thạch được trang trí bằng những chiếc đèn chùm lộng lẫy và những tấm lụa. Từ đây có thể nhìn thấy ánh sáng lấp lánh trên dòng sông Siene.

Đây chính là nơi đã thai nghén nên hiệp ước Versailles thiết lập trật tự thế giới sau Thế chiến thứ nhất. Tiếp theo sau đó, căn phòng này tiếp tục là nơi ký kết minh ước Kellogg – Briand năm 1928, quy định hành vi sử dụng vũ lực để gây chiến tranh là hành vi vi phạm pháp luật quốc tế.

Ngày 18/4/1951, các Ngoại trưởng của Tây Đức, Italy, Pháp và 3 nước vùng Benelux (gồm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) ký tên vào Hiệp ước Paris – văn bản đặt nền móng cho Cộng đồng Than Thép châu Âu. 40 năm sau, tổ chức này được đổi tên thành Liên minh châu Âu (EU).

Là một phần của chiến lược quản lý hoạt động sản xuất than đá và thép, thực chất cốt lõi của Hiệp ước Paris là một thỏa thuận hòa bình giữa Pháp và Đức. Trong hồi ký của Jean Monnet – “ông tổ” sáng lập EU , ông viết rằng bản hiệp ước thực sự là một biểu tượng cho tình đoàn kết. Quyển hiệp ước được in ở Pháp, bằng giấy Hà Lan, mực Đức, bìa đóng ở Bỉ và Luxembourg và sợi dây đánh dấu được làm từ lụa Italy.

Có một chi tiết mà Monnet không nói: vì các cuộc đàm phán giữa các bên quá rắc rối, trang giấy được dành ra để các Ngoại trưởng ký vào đã bị bỏ trống.

Nếu vẫn còn sống đến ngày nay, 6 vị Ngoại trưởng trên chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi những thế hệ sau đã biến trang giấy trắng thành một danh sách dài các quốc gia và định chế. Từ 6 nước với 4 thứ tiếng, 177 triệu dân và tổng GDP đạt 1.600 tỷ USD ban đầu (tính theo giá trị đồng tiền năm 2014), ngày nay EU đã có 28 nước thành viên, 24 thứ tiếng, 505 triệu dân và tổng GDP đạt 19.000 tỷ USD.

Hào phóng hơn so với hiệp ước Versailles và gần với thực tế hơn so với Kellogg – Briand, hiệp ước Paris đã nảy nở thành một dạng thức chính phủ độc nhất vô nhị trên thế giới. 28 nước thành viên có chung tòa án, chung Quốc hội, chung Chủ tịch, chung NHTW. Ở lục địa có lịch sử “được viết nên từ máu”, ý tưởng Pháp, Đức hay bất kỳ thành viên nào quay ra chém giết lẫn nhau giờ đây trở thành điều không ai có thể nghĩ đến.

Tuy nhiên, cũng chính 6 người ấy cũng sẽ phải ngạc nhiên trước những lời kêu ca phàn nàn của người dân châu Âu. Đồng tiền chung euro – vốn không phải ý tưởng của họ - đã tạo nên nhiều bức xúc và nhiều lần bị đe dọa sẽ biến mất. Tỷ lệ thất nghiệp ở eurozone hiện vẫn ở mức 10%, tỷ lệ trong nhóm dân số trẻ còn cao gấp đôi con số đó. Dòng người nhập cư khiến châu Âu khốn đốn. Các đảng hoài nghi về một châu Âu gắn kết đang trỗi dậy mạnh mẽ. Nếu Anh chọn ra đi vào ngày mai (23/6), châu Âu sẽ thực sự vụn vỡ.

Chỉ cách đây một vài năm, những cuốn sách có tựa đề như “Giấc mơ châu Âu” và “Tại sao châu Âu sẽ điều hành đoàn tàu thế giới trong thế kỷ 21” tràn ngập khắp mọi nơi. Còn ngày nay, theo Jan Zielonka, giáo sư nghiên cứu chính trị châu Âu tại ĐH Oxford, chia sẻ ông bị choáng trước sự hoài nghi của các lãnh đạo châu Âu. Hồi tháng 5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker buồn bã nói rằng những ngày tháng vui vẻ hợp tác cùng nhau giờ chỉ còn là dĩ vãng. Donald Tusk – Chủ tịch Hội đồng châu Âu – thậm chí cho rằng “ý tưởng về một EU thống nhất có chung một tầm nhìn chỉ là ảo tưởng"...

Từ thưở sơ khai cho đến ngày nay, con đường mà EU đang đi chỉ là con đường 1 chiều: không ngừng mở rộng. Phải chăng 2016 chính là năm EU sẽ có bước ngoặt để đi ngược chiều?

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM