Elon Musk: Người đi qua thất bại để kiến tạo tương lai

28/07/2016 10:09 AM | Kinh doanh

Đứng đầu 3 công ty công nghệ đột phá có tổng giá trị lên đến 50 tỷ USD là SpaceX, Tesla và SolarCity, Elon Musk đang tiếp tục trên đà kiến tạo tương lai cho loài người, thế nhưng có phải ai cũng hiểu về con đường khởi nghiệp gian nan ông đã và đang đi qua?

Con đường khởi nghiệp- Hãy bắt dầu từ rất nhỏ rồi đi dần đến lớn

Hoàn toàn không nói quá khi nhận định rằng cuộc đời vị tỷ phú 45 tuổi có thể được dựng thành bộ phim bom tấn về một trong những gã khổng lồ thành công nhất trong nền công nghiệp hiện đại của nước Mỹ.

Sinh ra và lớn lên ở Nam Phi đúng thời kỳ đầy biến cố, Elon Musk đã có một tuổi thơ khá nhiều kỷ niệm đau thương, từ việc cha mẹ ly hôn, sống cùng người cha khắc nghiệt cho đến việc bị bắt nạt thậm tệ ở trường. Nhưng cậu bé đam mê khám phá chưa bao giờ để hoàn cảnh chi phối niềm hứng khởi dành cho khoa học cũng như ý chí vươn lên của mình.

Khát khao đạt được thành tựu lớn không có nghĩa là cứ phải đâm vào thứ gì đó thực sự lớn lao, cứu cả thế giới ngay từ điểm xuất phát. Sự thật là con đường sự nghiệp của Musk hoàn toàn không phải một đường thẳng mà là một con đường vòng vèo đầy các ngã rẽ và cứ từng bước một, ông vươn dần lên những mục tiêu cao hơn.

Chàng trai trẻ lúc mới nhập cư sang Canada đã chấp nhận làm hàng tá công việc lặt vặt để kiếm sống, trong đó có cả công việc quét dọn chất thải trong phòng nồi hơi của một nhà máy, sửa chữa máy tính trong ký túc xá đại học hay cùng một cậu bạn biến ngôi nhà ngoại ô thuê được thành một nơi tổ chức tiệc tùng cuối tuần để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Giữa thập niên 90, khi Elon Musk mới tốt nghiệp đại học ở Mỹ, Internet bắt đầu nổi lên như một làn sóng không gì cưỡng nổi, đặc biệt là tại thánh địa công nghệ Silicon Valley - miền đất của cơ hội của những dịch vụ mới mẻ như Yahoo! Search hay trình duyệt của Netscape. Musk biết mình phải xây dựng một công ty Internet nhưng những ý tưởng thoáng qua không khiến ông cảm thấy xứng đáng để đổ công sức vào.

Giữa lúc đắn đo đi tìm ý tưởng khởi nghiệp, Musk của tuổi 23 đã chọn đi thực tập cùng lúc ở một viện nghiên cứu về siêu tụ điện, nơi ông bắt đầu khám phá về siêu tụ điện – nền móng của công nghệ pin cho xe điện và một startup về video game, nơi ông học được nhiều điều từ các kỹ sư giỏi cũng như từ chính văn hóa khởi nghiệp đầy đam mê của công ty. Điều thú vị là chính công việc thực tập đã mang lại cho Musk ý tưởng thành lập startup đầu tay Zip2.

Nói về Zip2, ý tưởng công ty xuất phát từ một lần Musk tình cờ quan sát được nhân viên sale một công ty trang vàng (danh bạ) doanh nghiệp đến mời gọi công ty mình tham gia dịch vụ. Ông đã nảy ngay ra việc làm trang danh bạ trực tuyến online kèm đường dẫn đến địa chỉ doanh nghiệp, có thể hình dung như Google Maps ngày nay.

"Tôi cho là những người rất bình thường cũng có thể lựa chọn những con đường riêng để trở nên phi thường"- Elon Musk

Thời gian đầu mới thành lập Zip2, anh em nhà Musk đã sống chật vật trong chính văn phòng làm việc tồi tàn thuê được, thậm chí phải đi tắm nhờ ở các trung tâm hướng đạo sinh trong vùng. Những khó khăn của một công ty công nghệ “bán chỗ đặt biển online” trong buổi đầu của kỷ nguyên Internet, khi mà chưa có nhiều người thực sự hiểu về nó rõ ràng là không thiếu, nhưng bằng sự sáng tạo của mình, Musk đã thuyết phục được những nhà đầu tư đầu tiên, bước ngoặt quan trọng tạo tiền đề cho Zip2 vươn lên phủ sóng toàn nước Mỹ, trở thành một cuộc cách mạng trong ngành tra cứu để rồi sau đó nhận được lời đề nghị mua lại từ Compaq với mức giá lên tới 307 triệu USD – thương vụ lớn nhất một công ty Internet có thể mơ tới lúc bấy giờ, đồng thời cũng đưa Musk lên hàng triệu phú với khối tài sản 22 triệu USD.

Ngay sau khi bán Zip2, với sự tự tin và những mối quan hệ đã gây dựng được từ startup đầu tiên, Musk bắt tay vào lên kế hoạch cho startup thứ hai với thị trường mục tiêu không phải chỉ nước Mỹ mà nhân rộng hơn là toàn thế giới. Musk suy nghĩ về ngành tài chính – ngân hàng như một lĩnh vực luôn thu hút nhiều tiền bạc nhưng cũng tồn tại nhiều nứt gãy hệ thống như chuyển tiền chậm chạp, thiếu an toàn khi khách hàng liên tục phải cung cấp thông tin tài khoản thẻ tín dụng mỗi khi mua sắm, thanh toán online mà ông có thể sử dụng sức mạnh của Internet để khai thác và giải quyết. Kinh nghiệm đi thực tập tại ngân hàng từ hồi sinh viên lại quay về giúp ông rất nhiều trong lần khởi nghiệp thứ hai.

Quá trình kiến tạo X.com (PayPal ngày nay) cũng đặt Musk vào vô vàn sóng gió từ nhân sự, rào cản pháp lý, nạn hack tài khoản cho đến việc phải đốt gần hết số tiền kiếm được từ Zip2 để cạnh tranh với Confinity, chưa kể đến việc bị bí mật hất cẳng khỏi vị trí CEO chính công ty mình sáng lập sau khi sáp nhập với công ty đối thủ. Nhưng tất cả những thứ đó vẫn không làm giảm đi niềm tin sắt đá của ông vào X.com hay ngăn cản được ông tiếp tục cống hiến và đầu tư tiền cho công ty, góp phần không nhỏ vào việc PayPal sau đó được eBay mua lại với giá 1,5 tỷ USD vào năm 2002.

Sau Zip2 và PayPal, Musk mới bắt đầu có đủ bước đệm để đi đến sáng lập những SpaceX, Tesla và SolarCity khủng khiếp ngày nay.

Coi mạo hiểm như một liều thuốc kích thích

Có một điều ít người biết là Haldemans, ông ngoại và cũng là hình mẫu của Musk về sau, là một người khá ngông cuồng và đặc biệt thích phiêu lưu mạo hiểm. Ông thậm chí bán nhà rồi “xách” cả gia đình từ Canada phồn hoa chuyển tới Nam Phi chỉ để thỏa mong ước được sống ở một vùng đất mới lạ và hoang sơ. Không phải là phi công nhưng Haldemans liên tục thử thách mình, vẫn thường mang theo vợ và đôi khi là cả các con, trong những cuộc hành trình xuyên lục địa hàng tháng trời trên chiếc máy bay cà tàng (một động cơ) ông tự lái từ những năm 1950. Chuyện gia đình Haldemans tự bay từ Nam Phi tới tận Bắc Âu, Châu Úc chỉ với tấm bản đồ địa hình đã sơ sài còn vẽ sai lung tung hay lâm vào những tình huống chỉ còn cách cửa tử vài gang cũng từng xuất hiện khắp các mặt báo thời đó.


5 anh em nhà Haldermans và chiếc máy bay “huyền thoại” của bố đã đưa họ đi khắp thế giới

5 anh em nhà Haldermans và chiếc máy bay “huyền thoại” của bố đã đưa họ đi khắp thế giới

Như được truyền cho DNA ham thích mạo hiểm từ người ông, Musk chưa bao giờ lo ngại về rủi ro mà trái lại còn coi nó như một liều thuốc kích thích hứng khởi. Ông luôn có cái nhìn rất khoáng đạt về sự rủi ro và cho rằng có nhiều thứ con người ta không muốn làm chỉ vì sợ rủi ro – thứ mà hầu hết là do họ tự mường tượng ra một cách thái quá.

Chưa đầy 30 tuổi đã nắm trong tay khối tài sản kếch xù 180 triệu USD - đủ để sống sung túc đến cuối đời, thế nhưng lại một lần nữa Musk không chọn lối mòn trở thành nhà đầu tư, tiếp tục làm giàu từ việc rót tiền cho các startup mới nổi mà những người bạn đồng môn bỗng chốc trở nên giàu có sau thương vụ sáp nhập sẽ đi. Ông đã chán ngán cuộc đua Internet và muốn cho nó lùi vào dĩ vãng để bước tiếp con đường độc đạo của riêng mình. Nếu cứ lao theo số đông, Musk sẽ lại như đang đứng giữa một chốn xô bồ nơi ai ai cũng chỉ liên tục nói về gọi vốn, IPO, các thương vụ sáp nhập hay những món hời thu về mà không hề biết rằng chính ông đã từng sống trong một guồng quay còn khắc nghiệt hơn thế và cũng đã nếm trải đủ từng đó cung bậc. Musk từng chia sẻ “Thật buồn là những bộ óc xuất chúng nhất trong thời đại của tôi lại chỉ đang ngày đêm nghĩ cách làm sao cho người ta bấm quảng cáo nhiều hơn.”

Ý nghĩ muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đời startup ở Thung lũng Silicon để theo đuổi những ước vọng lớn lao về tên lửa, không gian và năng lượng mặt trời từ khi còn là một cậu bé đã thôi thúc Musk đưa gia đình chuyển về Los Angeles, thủ phủ của ngành hàng không vũ trụ. Đối với Musk, thành công ở Thung lũng Silicon chỉ nên là một bước đệm cho những dự định có tầm ảnh hưởng khủng khiếp hơn chứ không nên là một bến đỗ trong cuộc đời.

Những gì Musk làm sau đó thực sự như một cú giáng mạnh vào truyền thống đã thành nếp tại Thung lũng Silicon: “đập” 100 triệu USD vào SpaceX, 70 triệu USD vào Tesla và 10 triệu USD vào SolarCity, những quyết định có thể đưa ông ngã nhào “về cái máng lợn” từ trên đỉnh vinh hoa bởi đây đều là những lĩnh vực có độ rủi ro cực cao và trước đó cũng đã có hằng hà sa số các câu chuyện thất bại.

Điều khiến nhiều người sửng sốt nhất chính là việc Musk lựa chọn hàng không vũ trụ - lĩnh vực luôn thuộc hàng khó chơi nhất - với rất ít kinh nghiệm lẫn kiến thức về nó, không khác gì chạy theo một giấc mơ viển vông. Bạn bè can ngăn nhiều nhưng Musk thì vẫn vậy, luôn có cái lý của riêng mình. Chẳng ngần ngại dấn thân vào một lĩnh vực mình chưa có mấy hiểu biết, ở tuổi 30, ông mới bắt đầu mày mò tự học cơ chế hoạt động và cách chế tạo tên lửa từ con số 0 qua sách vở và đặt câu hỏi. Cũng không phải tình cờ mà Musk chọn Los Angeles làm điểm dừng chân: nơi đây tập trung rất nhiều khu phức hợp, thử nghiệm của NASA, Không quân Mỹ hay Boeing,… và hơn hết là quy tụ rất nhiều trái tim và khối óc của ngành hàng không vũ trụ, những người có thể truyền dạy, góp ý cho ông cũng như trở thành các kỹ sư làm việc cho công ty sau này của Musk.

"Với SpaceX, danh sách những người ghét và chỉ mong tôi biến đi cứ ngày một tăng lên. Gia đình thậm chí còn lo người Nga sẽ ám sát tôi lúc nào không hay"- Elon Musk

100 triệu USD đầu tư cho SpaceX không phải một con số nhỏ nhưng thực chất chưa là gì trong lĩnh vực không gian với thị trường chỉ toàn những ông lớn nếu không được hậu thuẫn hàng tỷ USD từ các chính phủ thì cũng là các đại gia trong ngành như Boeing hay Lockheed Martin. Nói về mức độ tiêu tốn thì tính riêng các đợt phóng thử nghiệm của không quân Mỹ và NASA đã có tới hàng trăm tên lửa phát nổ trước cả khi kịp làm nhiệm vụ. Trong khi đó, với số vốn 100 triệu USD và chưa nhận được đầu tư từ bất cứ bên nào khác, SpaceX chỉ có thể kham được nhiều nhất là 3-4 lần phóng thất bại.

Sau 3 lần phóng đầu tiên tên lửa đều nổ tung khi chưa rời khí quyển, Elon Musk gần như đã phải vét cạn đến đồng tiền túi cuối cùng vào thời điểm khủng hoảng kinh tế 2008 và đặt cược tất cả vào lần phóng thứ tư. Thời điểm chiếc Falcon 1 được phóng thành công lên quỹ đạo có lẽ là một khoảnh khắc vỡ òa sau bao năm nỗ lực của Musk và các đồng sự. Falcon 1 đã tạo tiền đề cho 20 lần phóng thành công tiếp theo, mở đường cho những chuyến du hành giá rẻ và diễn ra với mật độ thường xuyên vào không gian cũng như tham vọng chinh phục Sao Hỏa vào năm 2018 tới đây.

Với Tesla, Musk cũng lại một lần nữa đánh cược với mạo hiểm khi đầu tư vào một đội ngũ “chuyên gia” là một nhóm toàn những “gã điên” cuồng xe điện, không bằng cấp và cũng chưa được ai công nhận. Bản thân việc phát triển xe điện cũng đã quá rủi ro bởi nguồn năng lượng cho xe không sẵn có như những cây xăng cắm chốt đủ các tuyến đường – phải, chúng ta đang nói đến việc chống lại cả thế giới xe chạy xăng với 150 năm ăn sâu cắm rễ và hàng nghìn tỷ USD người dùng toàn thế giới đã đổ vào!


Chiếc Tesla Model S đã giành được hầu hết các giải thưởng lớn trong ngành công nghiệp ô tô và bắt đầu được chuyển tới tay khách hàng vào năm 2012

Chiếc Tesla Model S đã giành được hầu hết các giải thưởng lớn trong ngành công nghiệp ô tô và bắt đầu được chuyển tới tay khách hàng vào năm 2012

Thế nhưng với chiến lược 3 bước rõ ràng, Tesla vẫn tự tin là hoàn toàn có khả năng thôn tính thị trường mới nổi này. Theo đó, giai đoạn đầu, hãng tung ra số lượng xe hạn chế với mức giá cao cho giới thượng lưu, vì “chúng tôi không có đủ tiền”, theo như Elon Musk giải thích. Tiếp đó, Tesla sản xuất xe tầm trung với số lượng trung bình, khi đã hoàn thiện công nghệ chính cũng như các công nghệ phụ trợ như hệ thống trạm sạc siêu tốc dọc các tuyến đường trường trên khắp Mỹ và Châu Âu. Cuối cùng, công ty bán ra hàng loạt xe điện giá rẻ, tiến dần tới kỷ nguyên phổ cập ô tô điện. Giờ đây, đúng 10 năm kể từ khi chiếc xe đầu tiên của hãng ra mắt công chúng, Tesla đã hoàn thành xuất sắc lộ trình đặt ra với 3 dòng xe lần lượt đại diện cho 3 giai đoạn: chiếc Roadster đầu tay với giá 109.000 USD, chiếc Model S tiếp sau với giá khoảng 70.000 USD và gần đây nhất là chiếc Model 3 với giá chỉ ở ngưỡng 35.000 USD – quá rẻ so với những gì nó mang lại!

Thấy gì từ Iron Man phiên bản đời thực

Một điều ai cũng thấy ngay được ở Elon Musk là nghị lực và ý chí phi thường, cho dù xuất phát điểm của ông có là một một cậu thanh niên nhập cư từ Nam Phi xa xôi hay một kẻ muốn đưa loài người lên Sao Hỏa nhưng chẳng biết gì về hàng không vũ trụ, cho dù những dự định điên rồ về các công ty có khả năng đưa hàng loạt ngành công nghiệp khác trở thành dĩ vãng có vấp phải bao nhiêu lời phản đối và can ngăn.

Giờ đây, Musk cũng vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt đại gia dầu mỏ và vũ trụ chỉ mong ông cuốn xéo đi, vẫn đang ngày đêm chiến đấu với những bất định trên con đường kiến tạo tương lai mà lối đi thì chưa ai tỏ và cả thế giới thì vẫn luôn hồi hộp ngóng chờ. Tham vọng và cứng rắn, nhưng những gì ông đang làm lại xuất phát từ một niềm thấu cảm và những gì nhân văn nhất. Và sự hòa quyện đó ở Musk chính là thứ khiến chúng ta tin rằng chuyện chinh phục Sao Hỏa hay phủ sóng Internet trong không gian chắc chắn sẽ thành hiện thực, trong một tương lai không xa.

Theo Ngockmiz-AnhGreen

Cùng chuyên mục
XEM