Economist: Giao thông ở Việt Nam là một cơn ác mộng

21/09/2016 09:44 AM | Xã hội

Với mức thu nhập hiện nay, không nhiều người dân Việt Nam đủ sức mua được một chiếc xe hơi. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu xe tại Việt Nam lại đang ngày một tăng cao, kéo theo đó là những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông.

Doanh số bán xe hơi và xe tải tại Việt Nam đã tăng 55% về số lượng trong năm 2015 so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ này đã đạt khoảng 30% với hầu hết khách hàng đến từ các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh.

So với những đô thị của các nước khác trong khu vực, các thành phố lớn của Việt Nam bị nhiều chuyên gia đánh giá là khá chật chội. Dẫu vậy, những chiếc xe máy có thể len lỏi trong các ngõ ngách, đi len vỉa hè hay lạng lách giữa các làn đường để dịch chuyển thì những chiếc xe hơi lại hầu như làm tắc nghẽn các tuyến phố.

Theo tờ Economist, chỉ khoảng 9% diện tích đất trung tâm tại Hà Nội là được dành cho các tuyến đường giao thông chính và phụ, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 32% của Manhattan-Mỹ.

Năm 2011, ngân hàng World Bank nhận định nếu tỷ lệ sử dụng xe hơi tại Việt Nam đạt mức như ở Malaysia thì thủ đô Hà Nội sẽ bị tắc nghẽn hoàn toàn.

Theo học giả Arve Hansen, việc giải quyết vấn đề ùn tắc gây ra bởi ô tô hiện nay đang khiến các nhà hoạch định chính sách phải đau đầu. Mức thuế mà người mua xe phải chịu hiện nay là khá cao nhưng với những hiệp định thương mại tự do đã ký kết, chính quyền sẽ ngày càng có ít công cụ để hạn chế xe hơi lưu thông khi các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ.

Việc ký kết hiệp định thương mại hàng hóa ASEA (ATIGA) có hiệu lực vào năm 2018 sẽ khiến rất nhiều dòng xe giá rẻ từ Thái Lan đổ vào Việt Nam, qua đó làm trầm trọng hơn vấn đề ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Tồi tệ hơn, mặc dù giao thông không tốt nhưng người Việt Nam vẫn bị hấp dẫn bởi ý tưởng sở hữu xe hơi, điều này cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng người dân thà đi xe hơi và hưởng điều hòa còn hơn đi xe máy để chịu mưa nắng bởi kiểu gì thì đường cũng tắc.

Tình trạng ách tắc giao thông, nóng nực và không đúng giờ cũng đang ảnh hưởng đến việc sử dụng phương tiện công cộng khi tỷ lệ đi xe bus tại Hà Nội đã giảm 14% trong 1 năm qua.

Những dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội, tàu điện ngầm ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp giải quyết bớt vấn đề ùn tắc. Tuy vậy, những dự án này có lẽ sẽ còn phải tốn hàng năm trời để hoàn thành và từ nay đến khi đó, giao thông tại Việt Nam vẫn sẽ còn là ác mộng với nhiều người dân.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM