Đường Quảng Ngãi sẽ bán điện?

24/12/2018 13:30 PM | Kinh doanh

Lộ trình tăng giá điện đang được triển khai đến năm 2020 sẽ tăng lên từ 8-9 cent/kWh, đây sẽ là động lực hỗ trợ cho Đường Quảng Ngãi (QNS) không chỉ giảm giá thành sản xuất đường, mà còn có nguồn thu khi bán điện ra bên ngoài.

Đường Quảng Ngãi (QNS) ghi nhận nguồn thu chủ yếu từ 2 mảng hoạt động chính: đường và sữa đậu nành với tỷ trọng lần lượt đạt 26% và 49% trong tổng doanh thu. Trong đó, Đường Quãng Ngãi dẫn đầu thị phần trong mảng sản xuất sữa đậu nành (chiếm hơn 86,2% thị phần toàn ngành) với 2 thương hiệu dẫn đầu là Fami và Vinasoy.

Tiềm năng từ mảng điện sinh khối

Mới đây, QNS cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy điện sinh khối An Khê với tổng giá trị đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, công suất thiết kế là 95 MW trong đó 20-25 MW sử dụng nội bộ, 65-70 MW sẽ phát lên lưới điện quốc gia. Hiện tại, nhà máy điện đã hoàn thành và đã đưa vào thử nghiệm chạy thử từ tháng 1/2018 cung cấp điện cho nhà máy đường An Khê, ước tính nếu hoạt động hết công suất có thể sẽ tạo được 300 tỷ đồng doanh thu từ dự án này.

Được biết, nhà máy điện sinh khối là giải pháp cho ngành đường nhằm hạ giá thành sản phẩm để đón đầu Hiệp định ATIGA. Bên cạnh đó, tiềm năng điện sinh khối tại Việt Nam rất lớn khi quyết định Quy hoạch điện VII của Chính Phủ được đưa ra nhằm nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng điện hóa thạch. Theo TTC-BH, sản lượng điện từ bã mía dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 8% trong năm 2016-2035. Đồng thời, lộ trình tăng giá điện sẽ tiếp tục được triển khai đến năm 2020, tăng lên 8-9 cent/kWh (tăng 6-19% so với hiện nay, margin khoảng 8-22%).

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) ước tính nếu nhà máy đường tối đa công suất với 20.000 tấn mía ép/ngày sẽ sản xuất được khoảng 231 nghìn MW điện. Từ đó, kỳ vọng doanh thu từ mảng điện sinh khối sẽ đạt khoảng 307 tỷ trong năm 2019. Song song, lộ trình tăng giá điện đang được triển khai đến năm 2020 sẽ tăng lên từ 8-9 cent/kWh. Đây sẽ là động lực hỗ trợ cho QNS không chỉ giảm giá thành sản xuất đường, mà còn có nguồn thu khi bán điện ra bên ngoài.

Mặc dù vậy, mảng điện sinh khối còn tiềm năng trong trung và dài hạn, tuy nhiên chi phí sản xuất điện sinh khối còn cao (khoảng 7,4 cent/kWh) trong khi giá bán điện hiện tại vẫn đang ở mức thấp (xấp xỉ 5,8 cent/kWh).

Doanh thu mảng sữa đậu nành đạt 4.278 tỷ trong năm 2018

Về QNS, kết thúc 9 tháng đầu năm 2018, Công ty ghi nhận doanh thu tăng nhẹ đạt 6.145 tỷ. Trong đó, doanh thu mảng sữa đậu nành có sự chững lại, đạt 2.896 tỷ, trong khi doanh thu mảng đường vẫn ghi nhận sự tích cực với doanh thu đạt 1.755 tỷ (tăng 12%). Biên lợi nhuận cũng có nhiều sự cải thiện lên mức 27% nhờ giá đậu nành duy trì ở mức thấp và chạy thử nghiệm nhà máy điện sinh khối An Khê giúp giảm chi phí sản xuất đường. Từ đó, LNST 9 tháng của doanh nghiệp đạt 788 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng mảng sữa đậu nành, trong tháng 9/2018, Công ty chính thức giới thiệu sản phẩm mới Fami Go – "bữa sáng dinh dưỡng" với chiến lược tập trung phân khúc giới trẻ, kỳ vọng sẽ gia tăng sản lượng trong giai đoạn 2018-2020. Dự báo doanh thu mảng sữa đậu nành của QNS trong năm 2018 và 2019 lần lượt tăng 10% và 15% để đạt mức 4.278 tỷ và 4.919 tỷ.

Ngược lại, QNS vẫn luôn đối mặc rủi ro cạnh tranh với các hãng sữa đậu nành khác. Mặc dù dẫn đầu thị phần tuy nhiên hiện nay có sự gia nhập của nhiều thương hiệu trong nước khác như GoldSoy (Vinamilk), Nuti Canxi (Nutifood) và các thương hiệu nước ngoài như HomeSoy, VitaSoy, Soy Secretz…

Cùng với đó, rủi ro ngành đường còn gặp khó khăn và mảng điện sinh khối có thể sinh lỗ trong ngắn hạn, dư cung ngành đường vẫn còn đang tiếp diễn, giá đường có thể còn gặp áp lực giảm.

Một khó khăn khác, hàng tồn kho QNS đang tăng mạnh, vòng quay hàng tồn kho của QNS khá cao (18 lần) so với doanh nghiệp cùng ngành đường là SBT (2,7 lần) và sữa là VNM (12 lần).

Theo Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM