Đường đường là cường quốc kinh tế nhưng Nhật Bản chỉ có duy nhất 1 startup kỳ lân: Tâm lý sợ thất bại kéo lùi cả một xã hội?

18/01/2018 09:01 AM | Kinh doanh

Các unicorn nổi lên ở gần như tất cả những nền kinh tế dẫn đầu thế giới, trừ Nhật Bản.

Chủ để nóng nhất tại thung lũng Silicon hiện nay là sự gia tăng của những "startup kỳ lân" – ám chỉ những công ty khởi nghiệp được định giá 1 tỷ USD hoặc hơn.

Các unicorn nổi lên ở gần như tất cả những nền kinh tế dẫn đầu thế giới, trừ Nhật Bản. Mỹ hiện có 112 trong số 222 doanh nghiệp như vậy và Nhật Bản chỉ có duy nhất 1. Trung Quốc có 59 unicorn và Ấn Độ có 3. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao lại có khoảng cách lớn tới như vậy giữa Nhật Bản và một số nền kinh tế lớn khác?

Sự nổi lên của các unicorn được xem là sự phát triển kinh doanh không thể ngừng được nhờ sự xuất hiện của những công nghệ tiên tiến. Đà tăng này cũng được hỗ trợ bởi lãi suất thấp – khuyến khích các quỹ đầu tư tích cực góp vốn vào những vòng đầu tiên của các startup; Động thái đẩy mạnh đầu tư của những tập đoàn lớn và cuối cùng là sự phát triển của những phương thức gây vốn mới như ICO.

Theo thông tin của tổ chức nghiên cứu CB Insights thì unicorn dẫn đầu về vốn hóa thị trường hiện là Uber - ứng dụng gọi xe được định giá 68 tỷ USD, theo sau là Didi Chuxing với 50 tỷ USD.

Unicorn duy nhất của Nhật Bản là Mercari – một nền tảng thương mại điện tử dùng để bán hàng hóa đã qua sử dụng được định giá ở mức 1 tỷ USD.

Có 3 lý do chính giải thích vì sao Nhật Bản đang bị tụt lại phía sau trong thế giới unicorn:

- Đầu tiên, sự thiếu hụt các công ty đầu tư tập trung vào cung cấp vốn tại Nhật Bản. Điều đó khiến nhiều startup công nghệ buộc phải IPO khi mà giá trị mới chỉ ở dưới 100 triệu USD.

- Thứ 2, các startup được đầu tư vốn tại Nhật Bản có xu hướng chỉ tập trung vào thị trường nội địa vì vậy cơ hội kinh doanh bị hạn chế rất nhiều, thậm chí sụt giảm trong bối cảnh dân số Nhật Bản ngày một già đi.

- Thứ 3, sự thiếu hụt các doanh nhân và lãnh đạo có tài trong lĩnh vực công nghệ khiến các startup khó khăn trong việc tạo dựng được một tổ chức đạt tới mức độ kích thước như vậy.

Những sinh viên có tài sau khi tốt nghiệp vẫn có tư tưởng muốn làm việc cho những tập đoàn lớn có tên tuổi như Mitsubishi, Toyota, Mizuho và Sony mặc cho việc công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và bản thân những công ty như vậy cũng không còn có thể đảm bảo tương lai cho bất kỳ ai. Với những người trẻ ở Nhật Bản, miễn là gia đình, bạn bè họ vẫn đánh giá cao những công ty lớn có tên tuổi là họ vẫn hài lòng và rất ngần ngại chuyển sang làm việc cho các startup.

Ngoài ra, dù là tình trạng chung diễn ra ở nhiều nền văn hóa nhưng ở Nhật Bản còn có cả một hệ thống khen thưởng những người... ít gây ra lỗi nhất. Điều này kìm hãm việc các startup dám chấp nhận rủi ro, mạo hiểm.

Gen Isayama - đồng sáng lập và CEO của World Innovation Lab ở California nói rằng ông tin có nhiều cách thức sáng tạo mà Nhật Bản có thể làm để vượt qua các trở ngại này. Một trong số đó là khuyến khích các tập đoàn lớn đóng vai trò là nhà cung cấp vốn tăng trưởng thay vì chờ đợi các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước lớn mạnh hơn.

CEO của những tập đoàn lớn cần phải nhận thức được rủi ro của việc không dám làm những điều khác biệt và sẵn sàng thay đổi. Một lượng lớn khối tiền mặt đang nằm trong tài khoản của họ. Các lãnh đạo cần hiểu rằng mức lợi nhuận cao hiện tại mà họ có được là do lãi suất thấp chứ không phải bởi sức mạnh căn bản của các doanh nghiệp. Họ cần nhìn về tương lai và đầu tư cho các startup.

Một ví dụ điển hình là quỹ Vision Fun trị giá 100 tỷ USD của Softbank – cỗ máy đầu tư được thành lập bởi tỷ phú Masayoshi Son. Tuy nhiên, quỹ Vision Fund hầu như chỉ đầu tư vào các công ty ở nước ngoài bởi Nhật Bản thiếu các công ty có kích thước như vậy. Nói chung chính phủ Nhật Bản cần phải khuyến khích tạo ra nhiều quỹ đầu tư nhỏ hơn, phù hợp với thị trường.

Một giải pháp nữa là thành lập trung tâm phát triển kinh doanh tại những thành phố lớn nhằm giúp startup Nhật Bản có thể tiến vào những thị trường nước ngoài. Chính phủ phải đóng vai trò đi đầu trong việc cung cấp tiền và khuyến khích những công ty lớn hợp tác để đổi mới. Hiển nhiên các startup nhỏ lẻ không thể làm một mình được.

Và quan trọng nhất, cần tạo ra nhiều cơ hội giao lưu giữa các startup Nhật Bản và nhà lãnh đạo thành công ở thung lũng Silicon và nhiều nơi khác để có thể khơi dậy tinh thần doanh nhân trong họ. Họ cần học cách xem thất bại là tích cực, miễn là có thể học hỏi được kinh nghiệm từ đó. Họ cần có tham vọng để thử thách một thứ khác biệt – ngoài những thứ họ nghĩ là hoàn toàn có thể ra.

Xã hội Nhật Bản cần công nhận những người này như những anh hùng chứ không phải kẻ bại trận. Tất cả người Nhật cần học quy tắc vô giá này để xây dựng đất nước tràn ngập hy vọng và sự phấn khởi. CEO Gen cho rằng Nhật Bản cần tạo ra thế hệ những người "hành động" chứ không phải chỉ ngồi "suy nghĩ".

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM