Đường đi của vắc-xin ra sao khi dân kêu trời hàng tháng vẫn khan hiếm?

10/05/2019 08:39 AM | Xã hội

Cơ chế điều phối, cung ứng và đường đi của vắc-xin dịch vụ ra sao khi xảy ra tình trạng người dân rồng rắn xếp hàng từ 3h sáng, chỉ mong tìm được một vé tiêm vắc-xin?

Nhiều tháng nay, tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ, cung không đủ cầu đã xảy ra ở một số tỉnh miền Trung như Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế.

Đường đi của vắc-xin ra sao khi dân kêu trời hàng tháng vẫn khan hiếm? - Ảnh 1.

Dòng người xếp hàng dài ở Huế chờ lấy phiếu đăng ký tiêm vắc-xin.


Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã giải đáp về vấn đề này.

Đường đi của vắc-xin ra sao khi dân kêu trời hàng tháng vẫn khan hiếm? - Ảnh 2.

Ông Đỗ Văn Đông.


Thưa ông, tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ khiến nhiều gia đình vô cùng lo lắng. Vậy những đơn vị nào được phép cung ứng vắc-xin dịch vụ và cơ chế cung ứng ra sao đã khiến xảy ra tình trạng này?

- Theo quy định của pháp luật, tất cả các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, phạm vi nhập khẩu, bán buôn vắc xin đều được nhập khẩu, bán buôn tất cả các loại vắc xin và không cần xin phép cơ quan quản lý y tế.

Với vắc-xin tiêm chủng dịch vụ, phần lớn là vắc xin nhập khẩu và do người dân tự chi trả. Vắc-xin có đặc thù khác với các thuốc hóa dược là được sản xuất bằng công nghệ sinh học với nhiều công đoạn phức tạp (tạo ngân hàng chủng virus từ virus gốc, tạo chủng làm việc, nuôi cấy chủng làm việc trên tế bào vero hoặc trên động vật...). Thời gian cần thiết để sản xuất là từ 3 tháng đến 6 tháng. Do đó, phải có kế hoạch sản xuất dài hạn.

Để có vắc xin cung ứng cho Việt Nam, các cơ sở kinh doanh phải tổng hợp đơn đặt hàng từ các cơ sở tiêm chủng.

Các nhà sản xuất cần thời gian để tổng hợp các đơn đặt hàng nhận được và lập kế hoạch sản xuất. Từng lô vắc xin sản xuất hoặc nhập khẩu phải được kiểm định trong nước và nước ngoài, chỉ được lưu hành sau khi có kết quả kiểm định đạt yêu cầu.

Ngoài ra, việc một số Sở Y tế quy định vắc xin tiêm chủng dịch vụ phải mua sắm thông qua đấu thầu cũng góp phần làm chậm tiến độ cung ứng vắc-xin. Do vậy, điểm mấu chốt để có nguồn cung vắc xin đủ và kịp thời là việc lập dự trù, đặt hàng. Khi cơ sở tiêm chủng có dự trù kịp thời thì các doanh nghiệp nhập khẩu hoàn toàn có thể cung ứng.

Việc đặt hàng vắc-xin hiện nay có dựa trên khảo sát nhu cầu của người dân từng địa phương hay không, thưa ông?

- Cục Y tế dự phòng thực hiện việc tổng hợp dự trù nhu cầu vắc xin tiêm chủng dịch vụ từ các tỉnh, dự báo nhu cầu vắc xin của nhân dân để làm căn cứ cung ứng vắc xin đầy đủ và kịp thời.

Tuy nhiên, để xác định nhu cầu tiêm của người dân sát với nhu cầu thực và dự báo tình hình bệnh tật trước thời gian dài là khá khó khăn.

Đối với các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, người dân được tiếp cận rất nhiều nguồn thông tin, cả chính thống và không chính thống. Nhu cầu tăng đột biến thời gian qua đối với các vắc xin phối hợp tại một số tỉnh miền Trung một phần là do người dân lựa chọn tiêm chủng dịch vụ thay vì tham gia Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Khó khăn lớn nhất trong vấn đề tiêm chủng, đặc biệt là với vắc-xin dịch vụ là gì, thưa ông?

- Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã rất quan tâm chỉ đạo các Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trong việc lên kế hoạch, dự trù để ký hợp đồng với các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối nhưng thực tế, không phải thời điểm nào cũng cân bằng được cung – cầu.

Tất cả trẻ trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm miễn phí vắc xin. Việc lựa chọn loại vắc xin trong Chương trình phụ thuộc vào mô hình bệnh tật của Việt Nam và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước. Trong khi đó, tiêm chủng dịch vụ là để phục vụ nhu cầu của một bộ phận người dân có nhu cầu cao hơn.

Do đó, việc lựa chọn tiêm chủng dịch vụ phụ thuộc vào nhu cầu người dân và điều tiết “cung-cầu” của thị trường. Vì vậy, thực sự rất khó khăn để các cơ sở tiêm chủng chủ động về số lượng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Thảo Anh

Cùng chuyên mục
XEM