Được chính phủ quan tâm đầu tư, logistics tại các cảng biển Việt Nam đã không thua kém gì Thái Lan

26/08/2016 11:22 AM | Kinh doanh

Trong khi dịch vụ hải quan bị phàn nàn với xếp hạng 6/7 khu vực Đông Nam Á thì hoạt động logistics tại các cảng lại đang chứng minh hiệu quả khi tăng trưởng liên tục trong vòng 10 năm qua.

Cùng là “con chung” của ngành cảng biển, trong khi dịch vụ hải quan bị phàn nàn với xếp hạng 6/7 khu vực Đông Nam Á thì hoạt động logistics tại các cảng lại đang chứng minh hiệu quả khi tăng trưởng liên tục trong vòng 10 năm qua. Sự thay đổi tích cực này được đóng góp chủ yếu bởi những nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng của chính phủ.

Một loạt chỉ số rất tích cực của vận tải biển

Trong năm 2015, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam đạt 427 triệu tấn, tăng trưởng khá so với năm trước ở mức 14,6%, vượt quy hoạch cảng biển của Thủ tướng là 410 triệu tấn. Đồng thời, năm vừa qua cũng chứng kiến sản lượng này tăng năm thứ 10 liên tiếp.

Với sản lượng hàng container, năm 2015 số hàng container qua cảng là 12 triệu TEU, cũng tăng năm thứ 10 liên tiếp và tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Nói riêng với sản lượng hàng hóa vận chuyển đảm nhận bởi đội tàu biển mang quốc tịch Việt Nam, năm 2015 sản lượng này đã tăng 9,5%. So với các năm 2014 (chỉ tăng 0,1%) và năm 2013 (giảm 2%), đây có thể coi là dấu hiệu chuyển biến rất tích cực cho hoạt động logistics thực hiện bởi đội tàu Việt Nam.

Vận chuyển hàng tại cảng của Việt Nam đã ngang hàng Thái Lan

Có mức tăng trưởng cao, các doanh nghiệp trong ngành thì lãi to, có thể nói vận tải biển Việt Nam đang “lên hương”, khác hẳn với người anh em dịch vụ hải quan của mình. Nhờ đó, trong các bảng xếp hạng khu vực, ngành logistics nước ta đang dần có tiếng nói và tỏ ra chẳng hề kém cạnh gì các nước láng giềng.

Theo xếp hạng của Hội nghị của Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) về chỉ số Liner Connectivity - chỉ số đo lường khả năng kết nối của một quốc gia với mạng lưới vận chuyển quốc tế - chỉ ra rằng sự kết nối của Việt Nam với mạng lưới vận chuyển quốc tế đang ngày càng bền chặt kể từ năm 2004.

Mặc dù vẫn còn sự cách biệt lớn với Singapore hay Malaysia, xếp hạng của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều nước láng giềng Campuchia, và đã bắt đầu bỏ xa Philippines, Indonesia (Việt Nam vượt 2 nước này năm 2009).

So với đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong khu vực là Thái Lan, vào năm 2011, logistics Việt Nam đã vượt logistics Thái về chỉ số Liner Connectivity. Tuy nhiên, sau năm 2011 này, Việt Nam bắt đầu tụt hạng và để Thái Lan tiến sát trong những năm 2013, 2014. Có thể nói, xếp hạng của Việt Nam và Thái Lan về độ kết nối với mạng lưới vận chuyển quốc tế trong thời gian qua là gần như tương đương.

Cơ sở hạ tầng được cải thiện giúp cảng biển Việt Nam tăng trưởng tốt

Đo lường chỉ số LPI (Logistics Performance Index)- dùng để đo chỉ số năng lực quốc gia về logistics - Ngân hàng thế giới đã chỉ ra LPI Việt Nam tăng lên đa phần nhờ đóng góp của thông số về cơ sở hạ tầng (Infrastructure), khi đã tăng mạnh nhất trong tất cả các chỉ số cấu thành nên LPI.

Từ đó, Ngân hàng thế giới rằng nhận định rằng chất lượng dịch vụ logistics của Việt Nam được cải thiện đa phần là nhờ sự cải thiện của cơ sở hạ tầng. Như vậy có thể khẳng định những nỗ lực của chính phủ để cải thiện cơ sở hạ tầng trong 10 năm qua đã mang về “trái ngọt” cho ngành logistics cảng biển.

Còn nhớ, tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm vừa qua, cơ sở hạ tầng Việt Nam năm 2014/2015 đã có những kết quả rất tích cực. Cụ thể, cơ sở hạ tầng đường biển được xếp hạng 87/144, cơ sở hạ tầng đường không hạng 88/144, cơ sở hạ tầng đường sắt hạng 52/144 và cơ sở hạ tầng đường bộ hạng 104/144. Đây là những mức xếp hạng cao nhất kể từ năm 2010/2011.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM