Đừng “ôm” máy tính cả ngày nếu bạn không muốn bị đột quỵ khi chưa đến 40 tuổi

31/07/2019 07:00 AM | Sống

Theo thống kê của Hội Đột quỵ tp.HCM trên tổng số 200.000 trường hợp đột quỵ mỗi năm thì có đến 20% đến từ những người trẻ tuổi. Người trẻ bị đột quỵ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng lao động, khả năng có con cùng rất nhiều bất lợi khác. Tất cả cũng vì sự chủ quan và những thói quen thường ngày.

Thống kê của Tổ chức Đột quỵ thế giới mới đây cho thấy, cứ 6 người thì có một người có nguy cơ mắc. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp, một nửa trong số đó tử vong, 70% người mắc đột quỵ không thể quay trở lại công việc, chỉ 10% người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn không còn di chứng. Tỷ lệ ở những người trẻ và tiền trung niên đang gia tăng mạnh mẽ và chiếm khoảng một phần ba tổng số các trường hợp đột quỵ. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Theo giáo sư Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Phòng chống đột quỵ Miền Bắc, Chủ nhiệm Bộ môn Thần kinh Viện nghiên cứu Y Dược Lâm Sàng 108, có sự gia tăng đột quỵ ở người trẻ tuổi là bởi các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống hiện đại và bệnh mãn tính đã thúc đẩy liên tục và khởi phát quá trình diễn tiến thành đột quỵ ngày càng gần hơn. Dưới đây là một số lý do

Lạm dụng rượu bia, thuốc lá – kẻ thù của sức khỏe

Thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đột quỵ. Khi hút thuốc, khí CO (carbon oxide) được sinh ra tranh chấp hồng cầu với khí Oxy, khi đó hồng cầu phải phình to hơn để có thể chứa Oxy đi nuôi cơ thể. Máu của người hút thuốc lá vì thế sẽ đặc hơn và có nguy cơ hình thành các cục máu đông gây đột quỵ cao hơn.

Đừng “ôm” máy tính cả ngày nếu bạn không muốn bị đột quỵ khi chưa đến 40 tuổi - Ảnh 1.

Phải mất đến 15 năm hoàn toàn bỏ thuốc, nguy cơ đột quỵ về thuốc lá của người hút thuốc mới giảm về bằng với người chưa hút thuốc bao giờ.

Nghiên cứu trên 500.000 người suốt 10 năm của Đại học Oxford và Đại học Bắc Kinh cho thấy, uống càng nhiều rượu, nguy cơ đột quỵ càng tăng. Những người uống 4 ly mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ cao hơn tới 38%. Giới y học gọi trái tim nam giới nghiện rượu là "tim bò" hoặc "tim bia", to hơn tim người bình thường song lại kém chức năng, bơm máu không đều, dễ gây đột quỵ.

"Ôm" máy tính hàng giờ, lười vận động khiến cơ thể tích tụ nhiều bệnh hơn bạn nghĩ

Những người thường xuyên làm việc, giải trí trước màn hình máy tính nhiều hơn 8 tiếng một ngày có nguy cơ đột quỵ rất cao. Mới đây, tạp chí Đột quỵ của Hiệp Hội Tim mạch Mỹ công bố, những người không vận động thì nguy cơ đột quỵ tăng 20% so với những người vận động ít nhất 4 lần một tuần. Ngồi lâu một chỗ khiến máu dồn liên tục xuống 2 chân. Khi đứng dậy, thông thường cơ thể sẽ tự điều chỉnh đưa máu về tim, nhưng trường hợp không kịp điều chỉnh sẽ dẫn đến hạ huyết áp tư thế, xảy ra đột quỵ. Ngoài ra, tích tụ mỡ, béo phì có thể khiến bạn bị tiểu đường, căn bệnh mãn tính có thể biến chứng đột quỵ bất cứ lúc nào.

Ngồi quá lâu, ít vận động cũng khiến cơ thể dung nạp, chuyển hóa năng lượng kém đi. Mỡ và cholesterol tích tụ, lắng đọng ở thành mạch máu, mạch máu bé đi khiến việc lưu thông máu trở nên khó khăn và gây đột quỵ. Lười vận động cũng khiến tim của bạn yếu đi, không thể bơm máu khỏe như những người thường xuyên tập thể dục, bạn có nguy cơ bị hạ huyết áp đột ngột khi đổi tư thế hoặc hoạt động bất ngờ, gây đột quỵ

Mất ngủ, lo lắng và stress khiến cơ thể càng dễ đổ bệnh

Lo lắng, stress được xem là hậu quả của lối sống hiện đại, thúc đẩy nhiều tình trạng bệnh nguy hiểm, trong đó có đột quỵ Mới đây, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí y khoa The Lancet (Anh) cho thấy, áp lực nhiều, làm việc trên 55 giờ mỗi tuần tăng 1/3 nguy cơ đột quỵ. Cơ thể chúng ta được tạo ra không phải để chịu áp lực lớn, đến một giới hạn nào đó, cơ thể sẽ phản ứng lại. Bạn có thể tăng sức chịu đựng của bản thân với những cơ stress ngắn bằng cách tập luyện thể dục cường độ trung bình, ví dụ như 30 phút chạy bộ mỗi ngài. Đừng để đến khi cơ thể phản ứng bằng những căn bệnh, nhất là đột quỵ thì lúc đó hối hận cũng không kịp.

Đừng “ôm” máy tính cả ngày nếu bạn không muốn bị đột quỵ khi chưa đến 40 tuổi - Ảnh 2.

Thức khuya nhiều có thể khiến bạn mất ngủ

Trước đây, mất ngủ thường gặp ở người trên độ tuổi 60 nhưng hiện nay lượng bệnh nhân dưới 40 tuổi ngày càng nhiều dưới áp lực của công việc, kinh tế, gia đình... Mất ngủ kéo dài trên một tháng với tần suất ba lần một tuần trở thành mãn tính, rất khó điều trị và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thông qua bệnh lý cơ thể như tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch máu…đây đều là yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ. Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Icahn (Mỹ), những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người ngủ đủ (7-8 giờ) đến 83%.

Tâm lý chủ quan, cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi

Tuổi trẻ thường được xem là giai đoạn sung sức, ít bệnh tật nhất. Điều này dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, không dự phòng, tầm soát sớm và có thể bỏ qua các triệu chứng của đột quỵ để cấp cứu kịp thời. Trong khi đó, người trẻ dù ở độ tuổi 20, 30 hoàn toàn không miễn nhiễm với đột quỵ bởi bởi thực tế căn bệnh này không chừa một ai. Vậy nên hãy đảm bảo sức khỏe của bản thân và dành chút thời gian để kiểm tra sức khỏe định kỳ 6-12 tháng/lần để đảm bảo bạn luôn khỏe mạnh.

Hoàng Lân

Cùng chuyên mục
XEM