Đừng ngộ nhận, làm hỏng con trẻ không phải công nghệ mà chính là bố mẹ

26/08/2017 10:21 AM | Sống

Trong một gia đình mà cả bố lẫn mẹ đều dán mắt vào màn hình các thiết bị công nghệ suốt ngày thì con trẻ cũng sẽ học tập theo và chúng cũng bắt chước thói quen đó.

Rất người người tỏ ra lo lắng về tác động của công nghệ đối với trẻ em. Rất nhiều báo cáo cho thấy hiện tượng “nghiện màn hình” làm xói mòn khả năng cảm thông, tăng thái độ ức hiếp người khác của trẻ và khiến chúng không còn thời gian chơi đùa. Vì thế các bậc cha mẹ đặt ra các khung thời gian, cất giấu kỹ các thiết bị điện tử và liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các tương tác con người trong thế giới thực. Và sau đó chúng ta lại bật điện thoại lên và nhìn vào đấy.

Sherry Turkle, một giáo sư ở Đại học MIT gần đây đã nhìn ngược lại vấn đề và cho rằng các bậc cha mẹ phải kiểm soát và làm gương cho con cái về cách cư xử và thói quen tốt hơn.

Bà kể đã từng nghe một cậu bé 15 tuổi nói, một ngày nào đó khi trưởng thành và có gia đình riêng, cậu sẽ nuôi dạy con mình khác hẳn với cách cậu đã được nuôi dạy, tức là sẽ không dùng điện thoại trong các bữa ăn và có rất nhiều cuộc đối thoại giữa các thành viên trong gia đình.

Turkle giải thích về hậu quả của việc gia đình bị bủa vây bởi công nghệ: Những đứa trẻ không thể tham gia vào các cuộc hội thoại, hoặc bị cô lập, khiến chúng rất khó cảm thông với người khác. “Trong một thử nghiệm, nhiều sinh viên chọn cách để mình bị giật điện nhẹ còn hơn là ngồi yên ngẫm nghĩ,” bà nói.

Và có vẻ như giải pháp nằm ở các bậc cha mẹ chứ không phải con trẻ (vì chúng chẳng hơi đâu lo lắng về việc sau này mình không thể cảm thông với người khác). Điều này có nghĩa là chúng ta phải rèn luyện khả năng tự kiểm soát. Và điều này là hoàn toàn có thể.

Steve Jobs được cho là một ông bố “low-tech”, và rất nhiều các nhà lãnh đạo ở Silicon Valley gửi con đến học ở các trường nơi mọi thiết bị điện tử có màn hình bị cấm. Chris Anderson, CEO của công ty 3D Robotics cho biết ông giới hạn thời gian sử dụng với trẻ trên mọi thiết bị trong nhà: “Đó là bởi tôi đã tận mắt chứng kiến mối nguy hiểm từ công nghệ. Và tôi không muốn điều đó xảy ra với con mình”.

Turkle gợi ý chúng ta hãy làm theo Anderson, thừa nhận điểm yếu của mình và rèn luyện bản thân với một số hướng đi mới. Hãy quên điện thoại của bạn đi – bạn sẽ không thể sử dụng nó nếu không có nó trong tay. Hãy tạo ra các không gian phi công nghệ ngay trong nhà, mặc dù diện tích có thể rất nhỏ bé nhưng ít ra đó là điểm khởi đầu. Hãy làm một chiếc hộp đựng điện thoại chung ở bàn ăn, và mọi người để điện thoại của mình vào đó để tất cả đều phải nói chuyện với nhau thay vì dán mắt vào màn hình.

Và ngay cả khi mọi biện pháp đều không mang lại hiệu quả như mong muốn, hãy yên tâm là bọn trẻ rồi sẽ ổn thôi. Turkle nói rằng bà sẽ hy vọng nhiều hơn ở thế hệ tiếp theo nhờ những tấm gương mà chúng ta đặt ra cho chúng noi theo: “Chúng biết sẽ tồi tệ ra sao khi bố mẹ không có thời gian dành cho con cái nhưng lúc nào cũng rất thân thiết với chiếc điện thoại của mình.”

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM