Đừng lạm dụng thuật ngữ "Vay Ngang Hàng" nữa, cái mà chúng ta đang bàn đến có thực sự là P2P đích thực?

05/11/2018 14:10 PM | Kinh doanh

Ngành cho vay ngang hàng ở Trung Quốc đang lao đao, nói chính xác hơn, là ngành "vay ngang hàng biến tướng" tại đây đang gặp phải khủng hoảng nghiêm trọng.

Các công ty Vay ngang hàng tại Trung Quốc thực chất là gì?

Nhiều công ty cho vay tại Trung Quốc đang lạm dụng quá đà thuật ngữ "vay ngang hàng", thậm chí thu hút được một số tiền khổng lồ từ các "nhà đầu tư". Nhưng hầu hết các công ty này đều không hoạt động dựa trên nguyên tắc cơ bản của một mô hình "Peer to peer" - vay ngang hàng đích thực.

Để hình dung đơn giản, chúng ta có thể lấy ví dụ về một mô hình ngang hàng điển hình và rất nổi tiếng trên thế giới: Uber. Uber không sở hữu xe, nhiệm vụ của họ là giúp kết nối giữa những người có xe và những người cần phương tiện để di chuyển thông qua nền tảng công nghệ. Cũng như Airbnb không sở hữu bất động sản, hay các sàn thương mại điện tử như eBay, Lazada không sở hữu hàng hóa. Tất cả các nền tảng P2P chỉ là công cụ kết nối.

Trong khi đó, các công ty "vay ngang hàng" tại Trung Quốc vừa sở hữu nền tảng online, vừa tự thu hút vốn của các nhà đầu tư và chính họ là đơn vị sử dụng số vốn này để cho vay. Về bản chất thì việc này chẳng khác gì một nền tảng cho vay truyền thống.

Tình trạng các công ty vay ngang hàng lần lượt đóng cửa khiến nhiều nhà đầu tư tại Trung Quốc rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười là có thật. Tuy nhiên đó không thể là tiếng nói đại diện cho ngành tài chính trị giá 92 tỷ USD này tại Trung Quốc nói riêng, hay trên thế giới nói chung, bởi về cơ bản thì các công ty này tại Trung Quốc đang hoạt động biến tướng, không đúng bản chất của vay ngang hàng.

Đừng lạm dụng thuật ngữ Vay Ngang Hàng nữa, cái mà chúng ta đang bàn đến có thực sự là P2P đích thực? - Ảnh 1.

Vậy, thế nào mới là một nền tảng P2P đích thực?

Công ty vay ngang hàng không nắm giữ tiền của nhà đầu tư

Ở đó, "công ty vay ngang hàng" (đúng hơn là công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho vay ngang hàng) chỉ chịu trách nhiệm kết nối giữa những người đang có tiền dư thừa với những người đang cần tiền: họ không giữ tiền của nhà đầu tư.

Những gì mà chúng ta đang đọc những ngày qua về "khủng hoảng vay ngang hàng tại Trung Quốc" có chăng là một bộ phận các công ty lợi dụng thuật ngữ "vay ngang hàng" để dễ dàng qua mắt các nhà đầu tư cả tin, trao toàn quyền quyết định số vốn của họ cho những công ty này. Trong khi về bản chất, với một công ty công nghệ hoạt động trong ngành P2P đích thực thì thế chủ động và quyền quyết định phải thuộc về "nhà đầu tư", bởi nền tảng vay ngang hàng không hề nắm giữ tiền của họ. Việc người cho vay nắm quyền quyết định cũng bởi vì họ chính là người có thể chịu rủi ro, nên họ chứ không phải bất kỳ ai khác, sẽ cân nhắc trước thông tin tín dụng của người vay do hệ thống cung cấp, và tự chịu quyết định cho quyết định cho vay của mình qua nền tảng P2P.

Vậy, về phía người cho vay - không thể có rủi ro vì "đầu tư lớn" như nhận thức hiện tại của nhiều người. Còn về phía người đi vay, là người được hưởng lợi nhiều nhất khi mô hình vay ngang hàng tồn tại: họ được vay tiền nhanh chóng, tiện lợi, giảm thiểu tối đa thời gian. Không có lý do gì mà họ không sẵn sàng bỏ ra một khoản phí nhỏ để được sử dụng dịch vụ tài chính tiện lợi này (cho dù mức phí này có thể cao hơn - không đáng kể - so với các mô hình cho vay truyền thống).

Người đi vay và người cho vay có mối quan hệ ngang hàng

Mối quan hệ giữa người vay và người cho vay trong mô hình P2P Lending đích thực là ngang hàng. Cùng là một cá nhân, có thể đảm nhận 2 vai trò: khi cần tiền họ là người vay, ngược lại khi có tiền nhàn rỗi, họ hoàn toàn có thể trở thành người cho vay. Sự hoán đổi linh hoạt này thể hiện đúng bản chất của một nền tảng vay ngang hàng P2P.

Bảo mật thông tin người dùng qua công cụ Blockchain

Dựa vào nguyên tắc "ngang hàng" cơ bản, những nền tảng P2P lending đích thực chỉ đơn thuần tạo ra sân chơi giúp kết nối những người có tiền dư thừa (dù nhỏ) đến những người cần một khoản tiền (cũng nhỏ) trong ngắn hạn. Quá trình này được tối ưu và hạn chế rủi ro tới mức tối đa nhờ hệ thống Bigdata, đánh giá chỉ số tín dụng của người vay (trusting score) riêng biệt, kết hợp với công cụ mã hóa thông tin Blockchain để bảo mật tuyệt đối thông tin cho cả người cho vay lẫn người vay.

Nếu kiên trì theo đuổi mô hình này, các công ty vay ngang hàng ở Việt Nam sẽ không dẫm phải vết xe đổ của Trung Quốc, bởi vì về bản chất, chúng hoàn toàn khác nhau.

Đừng lạm dụng thuật ngữ Vay Ngang Hàng nữa, cái mà chúng ta đang bàn đến có thực sự là P2P đích thực? - Ảnh 2.

Vay ngang hàng giải quyết nhiều bài toán xã hội

Không thể phủ nhận ngành vay ngang hàng có đóng góp không nhỏ cho xã hội và là một xu hướng tất yếu trong ngành tài chính. Giúp giảm thiểu tín dụng đen với một nền tảng vay văn minh, nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm thời gian - đó mới chính là những gì mà những nền tảng P2P lending đích thực hướng tới.

Vay ngang hàng giúp những người không đủ điều kiện vay tại các tổ chức tín dụng chính thống có cơ hội được tiếp cận đến một phương thức vay mới. Không những vậy, phương thức này còn nhanh chóng, tiện lợi hơn các phương thức vay truyền thống. Thay vì phải đến tận nơi gặp mặt, hoàn thành nhiều thủ tục rườm rà với những tiêu chí khắt khe, giờ đây nhờ hệ thống công nghệ thẩm định hiện đại, chỉ cần có điện thoại, thẻ ngân hàng và khai báo thông tin chính xác, bất kì công dân nào trên 18 tuổi đều có cơ hội được vay một khoản tiền nhỏ.

Sinh viên, công nhân hoặc công nhân viên chức có mức thu nhập thấp thường xuyên có nhu cầu vay một khoản tiền nhỏ trong ngắn hạn. Bằng chứng là có hàng nghìn đơn vay mỗi ngày được giải ngân tại Việt Nam. Thử tưởng tượng nếu không có những nền tảng này, thì họ - những người yếu thế trong xã hội sẽ phải làm cách nào để mượn được một khoản tiền từ một đến vài triệu đồng khi cần kíp ngoài vay mượn người thân, bạn bè hay tìm đến tín dụng đen? Có thể thấy, vay ngang hàng đóng vai trò như một ngân hàng thế hệ mới, giải quyết nhu cầu vay những khoản nhỏ lẻ, nhanh và tiện một cách văn minh.

Hiện tại ở Việt Nam, ngành cho vay ngang hàng được đánh giá là ngành tiềm năng đáng giá tỷ đô trong thị trường tài chính. Một số cái tên nổi bật trong ngành Fintech P2P tại Việt Nam phải kể đến như Tima, Vay Mượn, Mofin, Doctor Đồng… đang hoạt động với các gói hỗ trợ vay đa dạng.

Nếu kiên trì theo đuổi nguyên tắc của một nền tảng P2P đích thực, các nền tảng vay ngang hàng tại Việt Nam đang góp phần giúp rất nhiều người (không đủ khả năng hoặc không muốn vay qua các tổ chức tín dụng truyền thống) được tiếp cận đến một nền tảng vay văn minh và bảo mật.

Anh Bùi

Từ khóa:  vay ngang hàng
Cùng chuyên mục
XEM