Đừng kỳ vọng nhiều vào các FTA: Chúng chỉ như hộ chiếu, muốn sang nước bạn chúng ta vẫn cần visa

30/06/2018 08:45 AM | Kinh doanh

Ngay cả một nước phát triển bậc nhất như Mỹ cũng chỉ có 20% giá trị hàng may mặc được hưởng những ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do (FTA), dù nước này ký FTA với khá nhiều nước.

"Những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia chỉ là con tàu nhỏ, những con tàu lớn đang ở phía trước", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho biết tại sự kiện Diễn đàn Dệt May Việt Nam lần thứ 4.

Các con "tàu lớn" mà ông Hải đề cập là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA).

"Sự tham gia của Việt Nam trong các thể chế FTA này rất nhiều, chỉ có Singapore mới so được", ông Hải nhìn nhận.

Đừng kỳ vọng nhiều vào các FTA: Chúng chỉ như hộ chiếu, muốn sang nước bạn chúng ta vẫn cần visa - Ảnh 1.

Trong bối cảnh ấy, ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với những quy tắc ngặt nghèo hơn bao giờ hết.

Quy tắc xuất xứ đối với ngành dệt may chia làm 3 công đoạn: Sợi => Vải => Cắt và may.

Hiện sợi Việt Nam sản xuất ra xuất khẩu thô sang Trung Quốc, Trung Quốc dệt thành vải xuất lại sang Việt Nam

Trong phần lớn các FTA, quy tắc xuất xứ sẽ áp dụng với công đoạn từ Vải trở đi. Ví như FTA giữa ASEAN và Nhật Bản, nếu sản phẩm có vải sản xuất tại Nhật và các nước ASEAN, được may tại Việt Nam, khi xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ được miễn thuế.

Nếu vải sản xuất bên ngoài khu vực, được may tại Việt Nam, khi xuất khẩu thành phẩm sang Nhật Bản sẽ phải chịu mức thuế 9 - 10%.

Riêng với CPTPP, quy tắc xuất xứ được áp dụng là từ Sợi trở đi

"Việt Nam có sản xuất ra sợi, nhưng vải thì đào đâu ra?", ông Hải nêu thực trạng. Hiện sợi Việt Nam sản xuất ra lại xuất khẩu thô sang Trung Quốc, Trung Quốc dệt thành vải xuất khẩu lại sang Việt Nam. Việt Nam phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu từ nước ngoài, nhiều nhất là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.

Ngành dệt may Việt Nam được cho là tăng trưởng đột phá mới trong năm 2017 với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Tuy nhiên, ngành này đã phải nhập khẩu 19 tỷ USD nguyên phụ liệu.

"Những ưu đãi của các FTA chỉ giống như lớp kem trên mặt bánh", ông Navdeep Sodhi, đại diện của Tổ chức Dệt may Gherzi nhận định.

Ông Navdeep lấy ví dụ trong giai đoạn 2012 - 2017, mặc dù phía Mỹ có FTA với nhiều nước nhưng chỉ có 20% hàng may mặc của Mỹ được hưởng những ưu đãi này.

"FTA giống như tấm hộ chiếu thôi, chúng ta vẫn cần visa để nhập cảnh vào một nước", ông Navdeep phân tích.

"Như vậy, khả năng nội tại của mỗi quốc gia sẽ quyết định liệu có thể duy trì xuất khẩu và duy trì được tăng trưởng trong dài hạn hay không".

Nhận định về các FTA của Việt Nam, đặc biệt là CPTPP, bà Bùi Kim Thuỳ, đại diện Việt Nam của Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN nói đùa rằng: Việt Nam chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo để tham gia vào CPTPP không có Mỹ, trong khi với nhiều quốc gia thành viên CPTPP như Nhật Bản hay Australia thì hoàn toàn có thể áp dụng FTA giữa ASEAN với các nước này.

"CPTPP không có Mỹ giống như tôi thích hải sản, được bạn mời đến nhà hàng hải sản ăn món cua hoàng đế sốt cay, nhưng đến nơi thì bàn tiệc không có con cua nào mà chỉ thấy ớt và gia vị cay vậy", bà Thuỳ nói vui.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM