Đừng đổ tại trời mưa tắc đường, chen chúc nhau lên văn phòng muộn, lỗi cũng là do bạn mà thôi

12/01/2017 13:44 PM | Kinh tế vĩ mô

Mỗi lái xe đều cố gắng đến công sở, chỗ làm việc càng nhanh càng tốt nhưng kết quả là sự tắc nghẽn làm tất cả đều bị trễ.

Vội vàng gỡ chiếc áo mừng, chạy vội lên sảnh, chen chân vào thang máy chật cứng người để kịp chấm công. Bạn có thấy mình trong hình ảnh quen thuộc của dân công sở trong ngày tắc mưa tắc đường như 2 hôm nay. Trời lạnh 15 độ C, mưa không ngớt, mọi ngả đường tắc cứng khiến ai cũng bực mình vì đến văn phòng muộn.

Trời mưa, vội đi làm có thể là lý do nhiều người đưa ra để lý giải cho việc lấn làn, bon chen gây nên tình trạng tắc đường. Tuy nhiên nếu để ý bạn có thể thấy trời không mưa Hà Nội cũng tắc đường, nhất là giờ tan tầm. Bạn có thể đổ lỗi cho việc thi công các công trình giao thông gây đường chật hẹp, lượng phương tiện giao thông đổ ra vào giờ tan tầm lớn. Nhưng không thể phủ nhận một nguyên nhân lớn đến từ ý thức người tham gia giao thông: Sẵn sàng tặc lưỡi lấn làn, tạt đầu ô tô, chen lấn với người khác.

Nếu giải thích theo ngôn ngữ kinh tế học thì tâm lý này là bình thường bởi cá nhân nào cũng tìm cách để tối ưu hóa lợi ích, thỏa mãn sở thích của bản thân. Thế nhưng trong một số tình huống, tối ưu hóa cá nhân lại khiến tất cả mọi người làm hại nhau. Mỗi lái xe đều cố gắng đến công sở, chỗ làm việc càng nhanh càng tốt nhưng kết quả là sự tắc nghẽn làm tất cả đều bị trễ.

Tư tưởng này được các nhà kinh tế học gọi là bi kịch của cái chung. Điều này giải thích cho những hiện tượng khác như đánh bắt cá đến kiệt quệ hay ô nhiễm không khí.

Tất nhiên tối ưu hóa cá nhân trong nhiều tình huống khác phối hợp với nhau tạo nên điều kỳ diệu là sự cạnh tranh giữa những người bán hàng tối ưu hóa lợi nhuận từ đó làm giảm giá bán cho người tiêu dùng. Đây chính là ý tưởng bàn tay vô hình: lợi ích cá nhân có thể phục vụ lợi ích chung.

Quay lại trường hợp tắc đường bạn gặp trước đây, bạn muộn giờ làm 5 hay 10 phút cũng còn hạnh phúc nếu so với trường hợp vì lợi ích cá nhân mà bị đi tù như hai nhân vật sau.

Câu chuyện là thế này: Một ngày đẹp trời Ana và Linda bị bắt vì tội cướp ngân hàng rồi bị tống vào hai phòng giam riêng biệt. Vị cảnh sát trưởng đến từng phòng và nói cùng một nội dung: Tôi không thể kết tội người nào về tội cướp ngân hàng trừ khi ít nhất một trong hai người có lời khai chống lại người kia. Tôi sẽ cho anh 2 lựa chọn một là tố giác người kia hai là im lặng.

Các trường hợp xảy ra như sau: Nếu Anna hoặc Linda tố cáo và người kia im lặng thì người im lặng bị phạt 20 năm tù người kia tự do, Nếu cả 2 cùng im lặng mỗi người bị phạt 1 năm tù, Nếu cả 2 tố cáo thì cả Anna và Linda bị phạt 10 năm tù. Rõ ràng động cơ của Anna và Linda là ra tù càng sớm càng tốt nên họ sẽ lựa chọn cách tố cáo. Nhưng lựa chọn này lại gây tồi tệ cho cả 2 người tù.

Đây chính là bài toán kinh điển thế lưỡng nan của người tù, nói theo ngôn ngữ thông thường là khi mỗi chúng ta theo đuổi lợi ích cá nhân thì kết quả sẽ trở nên tồi tệ cho cả hai.

Bạn có thể thấy lựa chọn tốt trong tình huống tắc đường chính là nhường nhịn một chút cho người xung quanh, không chen lấn làn đường với người oto thay vì chỉ chăm chăm nghĩ cho mình, bất kể nguy cơ đường sẽ tắc nặng hơn, bất lợi cho tất cả mọi người.

Cùng chuyên mục
XEM