Đừng để ‘cái tôi’ hủy diệt sự nghiệp của bạn!

13/04/2018 14:27 PM | Kinh doanh

Tôi đã từng có tất cả, nhưng rồi lại để chính ‘cái tôi’ của mình phá hủy mọi thứ!

Nhiều năm về trước, tôi tự tạo ra một startup thành công và kiếm được rất nhiều tiền từ nó. Chính vì thế, tôi đã nghĩ rằng mình có đủ khả năng để làm bất kì điều gì. Và rồi tôi để ‘cái tôi’ của chính mình hủy hoại cuộc đời. Tôi bắt đầu dấn mình vào những chốn nguy hiểm hơn và tỏ ra như mình là một đối thủ không ai có thể ngăn cản nổi. Thế rồi sự nghiệp của tôi đã ‘ra đi’ như chưa từng tồn tại, không phải do sản phẩm tồi tệ, không phải do công ty hay do người khác, mà chính tôi, chính bản thân tôi đã tự tay hủy đi tâm huyết của chính mình. Và tôi đã mất gần hết những thứ tôi từng có được.

Là một người làm kinh doanh, việc có được ‘cái tôi’ lành mạnh quả là tuyệt vời. Cái tôi cho bản thân bạn sự tôn trọng và tự tin để chấp nhận những rủi ro, bắt đầu khởi nghiệp từ con số 0. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được cái tôi của mình, nó có thể khiến bạn phải ‘tán gia bại sản’, như đã từng làm với tôi.

Tôi không mong ai sẽ bước phải lối mòn sai lầm của mình. Vậy nên, tôi sẽ cho bạn thấy, ‘cái tôi’ đã từng bước phá hủy sự nghiệp của tôi như thế nào!

‘Cái tôi’ không nhận ra bạn cần học hỏi những gì

Nhiều lãnh đạo cho rằng họ biết hết những câu trả lời mà không cần sự giúp đỡ từ ai khác, vậy nên, khi họ nói sẽ cải thiện bản thân bằng cách học thêm điều gì mới, thì chính là họ đang thừa nhận điểm yếu của mình. Nhưng đó chỉ là lời nói dối mà ‘cái tôi’ của họ tạo ra mà thôi, bởi đơn giản, thừa nhận mình cần học hỏi thêm không phải là một điểm yếu.

Đừng sợ người khác sẽ đánh giá khi bạn đặt câu hỏi và hãy bắt lấy những cơ hội học hỏi từ người khác. Hãy hỏi han những đồng nghiệp hoặc bạn bề về ý tưởng của họ cho điều gì đó mà bạn đang làm. Điều này khiến trí não của bạn tiếp tục đào sâu hơn vào trò chơi sáng tạo và nhắc nhở ‘cái tôi’ của bạn rằng bạn vẫn còn nhiều điều cần học hỏi thêm.

‘Cái tôi’ khiến chúng ta bỏ qua những cơ hội

Bạn có thể cho rằng ‘cái tôi’ chính là động lực thúc đẩy bạn tiến về phía trước và hướng tới những điều tốt nhất, song thực tế thì bản ngã lại là một thứ tự mãn và không thích thay đổi. ‘Cái tôi’ của tôi từng xu nịnh tôi rằng: "Mày đúng là tuyệt vời, mày đã dự trù và làm mọi thứ cần làm rồi đấy." Vì lý do này, bản ngã của tôi ngăn cản tôi nắm bắt các cơ hội mang tính sáng tạo có ích có thể giúp doanh nghiệp của tôi thành công.

Đánh giá quá cao khả năng của mình

Khi tôi bắt đầu công ty thanh toán khoảng một năm trước đây, tôi nghĩ tôi đã đủ thông minh để tìm ra mọi thứ cần thiết để vận hành nó. Nhưng cuộc sống dường như cười vào mặt tôi. Có sự tự tin là điều tốt, song một khi doanh nghiệp của bạn phát triển hơn, bạn cần tới những người chuyên nghiệp ở những lĩnh vực bạn không hoàn toàn hiểu rõ. Đừng để cái tôi bảo bạn rằng bạn là chuyên gia trong mọi lĩnh vực và có thể tự giải quyết mọi thứ một mình. Tôi không ngại đọc thêm vài cuốn sách và tìm hiểu một số vấn đề cơ bản về kế toán, nhưng tôi không biết mọi khoản khấu trừ thuế, quy tắc và quy định liên quan đến doanh nghiệp nhỏ của tôi. Cuối cùng tôi đành buông bỏ cái tôi của mình để thuê thêm một vài người chuyên về lĩnh vực này. Và tôi nhận ra tôi cần một số người như vậy.

Bạn không thể nào ôm đồm hết mọi việc, vậy nên đừng cố thử. Hiểu biết mỗi thứ một ít đủ để bắt đầu, và sau đó thì hãy đủ khiêm tốn để biết khi nào mình cần thuê một chuyên gia.

Tôi cố quản lí mọi thứ

Tôi đã thực sự phải vật lộn với vấn đề này trong nhiều năm. Tôi thấy như mình cần quản lí tất cả mọi thứ, và điều này khiến tôi áp đặt lên mọi khía cạnh kinh doanh của mình. Đương nhiên là bạn muốn kiểm soát công việc kinh doanh của mình, song đây mới là vấn đề. Bạn, và cả những nhân viên của bạn nữa, không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả. Sẽ có những lúc kết quả chúng ta tạo ra không được như kì vọng, và điều này là hoàn toàn có thể chấp nhận. Nên đừng cố kiểm soát mọi thứ và mọi thành viên trong đội của mình, bạn có thể khiến họ không thoải mái và cảm thấy không được tin tưởng, thậm chí còn khiến năng suất trở nên thấp hơn. Vậy nên, đừng cố quản lý và áp đặt mọi thứ lên công việc, lên đồng nghiệp và cả bản thân bạn nữa. Kiềm chế bản thân một chút và chừa không gian cho mọi người tỏa sáng ở những địa hạt của riêng mình.

Đừng để ‘cái tôi’ hủy diệt sự nghiệp của bạn! - Ảnh 1.

‘Cái tôi’ không cho phép tôi tìm kiếm sự giúp đỡ

Chúng ta chắc hẳn đều đã đọc những mẩu truyện về những doanh nhân thành công. Nhưng có một điều không được nhắc tới rõ ràng, đó là các doanh nhân này đã được giúp đỡ ra sao. Jobs đã có Wozniak. Gates có Allen. Phil, tỷ phú hướng dẫn của tôi, đã cho tôi thấy điều mà ‘cái tôi’ của tôi sẽ không để cho thấy, rằng nếu không có những người giúp đỡ này, những công ty như Apple và Microsoft cũng không có được vị trí như ngày nay.

Phil nói với tôi rằng, dù giàu có như vậy, nhưng ông vẫn nhờ tới những cố vấn. Tôi thấy thật lạ kì khi một người đàn ông đã 76 tuổi, một trong những người giàu có nhất còn sống và chuẩn bị nghỉ hưu, lại vẫn có cố vấn. Ông nói rằng việc có người cố vấn giúp ông học hỏi nhiều hơn từ kinh nghiệm của những người khác.

Ông nói: "Sẽ có những điều cậu không thể hiểu được trừ khi cậu tự mình trải nghiệm nó. Tôi luôn có những cố vấn cạnh mình. Họ khiến tôi tự tin hơn trong những quyết định của mình."

Một người cố vấn cho bạn có thể là bất cứ ai bên cạnh, nên đừng để cái tôi của mình ngăn cản khi bạn cần sự trợ giúp.

Mọi quyết định đều xoay quanh bản thân

Chỉ vì màu sắc yêu thích của bạn là màu đỏ không có nghĩa màu đỏ là màu tốt nhất cho logo công ty. Màu đó có thể không phù hợp với tiếng nói của thương hiệu bạn. Nhưng, vì đó là công việc kinh doanh của bạn và màu đỏ là màu yêu thích của bạn, bạn sẽ không muốn thay đổi nó. Đó không thực sự là vấn đề về màu sắc - đó là vấn đề về tư duy mà bạn sẽ không cho phép các ý tưởng khác được đề xuất hoặc xem xét. Vấn đề cái tôi đang nói đến ở đây là cái suy nghĩ vẫn không linh hoạt.

Việc kinh doanh của bạn không phải chỉ xoay quanh bạn. Đó là về khách hàng của bạn và làm thế nào bạn cải thiện cuộc sống cho họ. Nếu bạn không lắng nghe mong muốn và nhu cầu của họ, họ sẽ không tiếp tục hỗ trợ bạn cũng như doanh nghiệp của bạn. Vậy nên, hãy tập trung vào khách hàng của bạn.

"Tôi không thể lùi bước, tôi phải giành chiến thắng"

‘Cái tôi’ của bạn lúc nào cũng muốn bạn thấy rằng mình luôn đúng. Điều này khiến bạn trở nên hiếu chiến hơn trong mọi cuộc bàn luận, thậm chí là tranh luận, và chỉ trở nên thỏa mãn khi mọi người thuận theo mình. Có khi, thay vì tìm cách để làm cho doanh nghiệp của bạn vững mạnh hơn, bạn lại chiến đấu cho điều gì đó không giúp ích gì cho doanh nghiệp nhưng thỏa mãn cái tôi của bạn.

Một người bạn luôn nói với tôi rằng: "Bạn chỉ cố chiến đấu vì bạn nghĩ mình không thể thua cuộc. Những lãnh đạo thật sự luôn biết khi nào thì có thể kết thúc vấn đề."

Tôi đặt ra những mục tiêu xa vời

Điều cuối cùng, mà nhờ bản ngã của mình, tôi đã tự đặt ra những mục tiêu quá xa vời. Để rồi cuối cùng chính bản thân của tôi cảm thấy thất bại khi không đạt được những mục tiêu đó.

Với tư cách là chủ doanh nghiệp, điều quan trọng là bạn phải đặt ra các mục tiêu có thể đạt được và thực tế. Đặt các mục tiêu mà bạn có thể đạt được với một kế hoạch từng bước cụ thể. Khi tâm trí của bạn bị che khuất bởi những kỳ vọng không thực tế thì các vấn đề bắt đầu nảy sinh và bạn sẽ không thể đạt được những gì bạn muốn.

Quỳnh Anh

Cùng chuyên mục
XEM