Đứa trẻ mù ‘vô dụng’ trở thành triệu phú tuổi 23: "Sự kỳ thị mới là điều khiến tôi bị coi là khuyết tật, bạn không cần đôi mắt sáng để thấy tầm nhìn của mình"

26/10/2019 09:58 AM | Kinh doanh

Đơn đăng ký của Srikanth đã được 4 trường đại học danh tiếng bậc nhất thế giới chấp nhận là Viện công nghệ Massachusetts (MIT), Stanford, Berkeley và Carnegie Mellon. Anh là sinh viên khiếm thị quốc tế đầu tiên học tại MIT.

Từ một đứa trẻ "vô dụng" đến triệu phú ở tuổi 23, Srikanth đã trở thành một nhân vật truyền cảm hứng về cách mà một người khuyết tật vượt qua nhiều rào cản khác nhau để thành công và giúp đỡ những người kém may mắn như mình.

Đứa trẻ mù ‘vô dụng’ trở thành triệu phú tuổi 23: Sự kỳ thị mới là điều khiến tôi bị coi là khuyết tật, bạn không cần đôi mắt sáng để thấy tầm nhìn của mình - Ảnh 1.

Srikanth nhận giải thường doanh nhân của năm tại một sự kiện.

Srikanth Bolla sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở Ấn Độ, nơi nạn mù chữ rất phổ biến và việc bị mù bẩm sinh là một "tội lỗi". Gia đình anh rất nghèo và chỉ dựa vào thu nhập khoảng 300 USD/năm. Mọi người xung quanh đều khuyên cha mẹ anh nên từ bỏ đứa con tật nguyền bởi điều đó sẽ tốt hơn so với nỗi đau mà họ phải trải qua trong suốt cuộc đời. Người ác ý còn nói rằng "thằng bé là một gánh nặng và một đứa trẻ vô dụng".

Thế nhưng cha mẹ Srikanth chưa bao giờ có ý định đó. Ngược lại, họ đã dành cho anh tình yêu thương vô bờ bến cùng sự động viên lớn lao. Là một nông dân nghèo ít học, cha của Srikanth quyết định Srikanth phải được học hành đàng hoàng để không vất vả như ông.

Năm 7 tuổi, Srikanth đi học ở ngôi trường cách nhà anh 5 km. Vượt qua chặng đường đầy nguy hiểm cùng những lời trêu chọc của bạn bè, anh luôn đứng đầu trong các kỳ thi. Tuy nhiên đứa trẻ khiếm thị vốn bất hạnh này lại bị cô lập ở trường.

Srikanth bị coi là kẻ vô hình: Không ai thừa nhận sự hiện diện của anh và anh không được tham gia vào nhiều hoạt động. Đó là khoảng thời gian anh nghĩ mình là đứa trẻ nghèo nhất thế giới, không phải vì không có tiền mà vì cô đơn. Sau khi phát hiện ra sự thật này, cha của anh đã chuyển anh đến một ngôi trường khác dành cho trẻ cần chăm sóc đặc biệt.

Tại đây, anh học chữ nổi, tiếng Anh và cách sử dụng máy tính. Không chỉ đạt thành tích xuất sắc trong học tập và môn cờ vua, Srikanth còn có cơ hội tham gia dự án về giáo dục do cựu Tổng thống Ấn Độ, Abdul Kalam khởi xướng.

Trong kỳ thi vào trung học phổ thông, anh đạt điểm số cao nhất và quyết định học Khoa học thay vì Nghệ thuật, lĩnh vực thường được nhiều học sinh khiếm thị khác lựa chọn. Sau khi bị từ chối, anh gửi đơn kiện lên Hội đồng Giáo dục và cuối cùng sau 6 tháng, anh nhận được sự đồng ý của chính phủ rằng anh có thể theo học Khoa học nhưng lưu ý đó là một rủi ro lớn.

Tuy nhiên, anh đã chứng minh rằng họ hoàn toàn sai về anh! Kết thúc lớp 12, thành tích học tập của anh là 98%. Anh từng nói: "Tôi thấy rằng chính sự kỳ thị của mọi người mới là điều khiến tôi bị coi là một người mù".

Vốn đam mê khoa học, tốt nghiệp cấp 3 xong, Srikanth nộp đơn vào các trường đại học ở Mỹ sau khi bị Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) từ chối vì lý do anh bị khiếm thị. Đơn đăng ký của anh đã được 4 trường đại học danh tiếng bậc nhất thế giới chấp nhận là Viện công nghệ Massachusetts (MIT), Stanford, Berkeley và Carnegie Mellon. Anh là sinh viên khiếm thị quốc tế đầu tiên học tại MIT.

Sau khi tốt nghiệp, anh trở về Ấn Độ và nhận được không ít lời mời làm việc với mức lương rất cao. Tuy nhiên, chàng trai trẻ đã khiến mọi người bất ngờ khi từ chối tất cả để thành lập công ty riêng với 2 mục đích cao cả: Giúp tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật và góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc sản xuất các loại bao bì đóng gói từ giấy tái chế.

Đứa trẻ mù ‘vô dụng’ trở thành triệu phú tuổi 23: Sự kỳ thị mới là điều khiến tôi bị coi là khuyết tật, bạn không cần đôi mắt sáng để thấy tầm nhìn của mình - Ảnh 2.

Srikanth và một số sản phẩm do công ty anh sản xuất.

Trước đó, anh thành lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Samanvai dành cho sinh viên khuyết tật với mục đích cung cấp các dịch vụ hỗ trợ định hướng để giúp họ có nền giáo dục phù hợp. Khoảng 3.000 sinh viên đã được Srikanth giúp đỡ thông qua tổ chức này.

Năm 2012, anh quyết định thực hiện bước ngoặt lớn tiếp theo là thành lập Bollant Industries để giúp người tàn tật không có kỹ năng và không được đi học đồng thời ngăn chặn suy thoái môi trường vì sử dụng quá nhiều sản phẩm từ nhựa và xốp. Đến nay, Bollant có 5 nhà máy sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường với mức vốn khoảng 7,5 triệu USD. Nhà đầu tư thiên thần hàng đầu của Ấn Độ, ông Ravi Mantha không chỉ rót vốn vào Bollant mà còn trở thành giám đốc và cố vấn tài chính của công ty trong khi Srikanth giữ vai trò CEO.

Đứa trẻ mù ‘vô dụng’ trở thành triệu phú tuổi 23: Sự kỳ thị mới là điều khiến tôi bị coi là khuyết tật, bạn không cần đôi mắt sáng để thấy tầm nhìn của mình - Ảnh 3.

Srikanth trò chuyện với nhân viên công ty.

CEO trẻ tuổi luôn cho rằng anh là người may mắn nhất trên thế giới, không phải vì anh là một triệu phú mà vì có cha mẹ tuyệt vời dù họ không được học hành tử tế. Đối với anh, họ là những người giàu có nhất mà anh biết, giàu tình yêu thương và sự khuyến khích để anh có được ngày hôm nay.

Việc điều hành một công ty bền vững với lực lượng lao động gồm 70% là người khuyết tật không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với người bình thường chứ chưa nói đến một người khiếm thị như Srikanth. Thế nhưng, anh đã chứng minh rằng mình có thể làm được và làm tốt!

Trong một bài phát biểu ở Mumbai, Srikanth chia sẻ: "Sự kỳ thị dành cho người khuyết tật bắt đầu từ khi họ sinh ra. Theo tôi, lòng trắc ẩn và sự cảm thông là cách giúp một người như vậy được sống đúng nghĩa, trao cho họ cơ hội phát triển và trở nên giàu có. Sự giàu có không đến từ tiền bạc mà đến từ niềm hạnh phúc. Nếu thế giới nhìn vào tôi và nói tôi vô dụng, tôi sẽ đáp lại rằng tôi hoàn toàn có thể làm bất cứ điều gì. 3 bài học quan trọng nhất cuộc đời tôi là thể hiện sự cảm thông, loại bỏ sự cô độc và làm những điều tốt đẹp bởi chúng sẽ trở lại với bạn theo cách này hay cách khác".

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM