Dự thảo Luật cạnh tranh: Xác định vị thế doanh nghiệp không chỉ còn nhờ vào 'miếng bánh thị phần'

24/10/2017 09:12 AM | Xã hội

Không phải 'thị phần', Dự thảo Luật Cạnh tranh đã xây dựng mới hẳn một hệ thống tiêu chí xác định “sức mạnh thị trường đáng kể” một cách đầy đủ, phù hợp hơn, sẽ phản ánh chính xác vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

Luật Cạnh tranh ra đời từ cuối năm 2004 và đã chính thức có hiệu lực thi hành từ tháng 7 năm sau đó. Sau hơn 12 năm, Luật này đã tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng, góp phần thiết lập và duy trì một môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên sân chơi Việt Nam.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi. Việt Nam đã có những sự hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới, đồng nghĩa với việc nhiều nội dung của Luật Cạnh tranh đã trở nên không còn phù hợp.

Cho tới hôm nay, tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, Luật Cạnh tranh đã được mang ra bàn thảo với nhiều vấn đề đáng chú ý.

Đặc biệt trong số này, có nội dung về xác định vị thế của doanh nghiệp thông qua chỉ số về thị phần. Theo nội dung sửa đổi thì rất có thể kể từ sang năm khi những quy định mới bắt đầu có hiệu lực, người ta sẽ nhìn nhận vị thế một doanh nghiệp trên thị trường thông qua nhiều yếu tố, chứ không chỉ bằng bao nhiêu % miếng bánh thị trường doanh nghiệp ấy đang nắm giữ nữa.

Dự thảo Luật cạnh tranh: Xác định vị thế doanh nghiệp không chỉ còn nhờ vào miếng bánh thị phần - Ảnh 1.

Bộ trường Trần Tuấn Anh

Vấn đề liên quan đến chỉ số thị phần trong Luật hiện hành được đặt ra khi các cơ quan chức năng muốn xác định xem một doanh nghiệp có vi phạm quy định về hạn chế cạnh tranh hay không, hoặc là họ muốn kiểm soát các hoạt động tập trung kinh tế, ví dụ như việc các doanh nghiệp lớn trên thị trường cùng nhau cấu kết để điều khiển thị trường chẳng hạn.

Cụ thể, theo Luật cạnh tranh 2004 thì việc xác định một doanh nghiệp có vi phạm quy định hạn chế cạnh tranh, có lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền hay không phụ thuộc nhiều vào thị phần – bao nhiêu % miếng bánh thị trường – mà doanh nghiệp đó đang nắm giữ trên thị trường.

Về kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế, Luật Cạnh tranh hiện hành cũng dựa thị phần để nhìn nhận. Cụ thể, theo Điều 18 Luật này thì pháp luật sẽ cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia vào một hoạt động tập trung kinh tế chiếm trên 50% thị trường (trừ trường hợp quy định tại Điều 19).

Một liên minh chiếm phân nửa thị trường sẽ là một nguy cơ, vì thế Luật năm 2004 cũng quy định các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế nếu có thị phần kết hợp từ 30-50% trên thị trường liên quan phải thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi tiến hành các hoạt động này.

Thế nhưng, đó chỉ là câu chuyện lý thuyết. Thực tế ở Việt Nam chỉ ra rằng các doanh nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn để tự xác định thị phần của mình là bao nhiêu, từ đó cũng rất khó để biết xem mình có thuộc ngưỡng bị cấm hoặc phải thông báo tập trung kinh tế cho các cơ quan chức năng hay không.

"Do đó, các quy định hiện nay về vấn đề này là không có tính khả thi. Theo quy định hiện hành thì các yếu tố để xác định thị trường liên quan là không phù hợp với thực tế, do đó gây nhiều khó khăn trong quá trình thực thi” – Tờ trình Chính phủ về dự án Luật cạnh tranh sửa đổi viết.

Dự thảo Luật cạnh tranh: Xác định vị thế doanh nghiệp không chỉ còn nhờ vào miếng bánh thị phần - Ảnh 2.

Chủ nhiệm ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, vấn đề này có vẻ đã được giải quyết trong Luật mới. Để tránh việc xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp phụ thuộc vào tiêu chí thị phần như hiện nay, Dự thảo Luật mới đã xây dựng mới hẳn một hệ thống tiêu chí xác định “sức mạnh thị trường đáng kể” một cách đầy đủ, phù hợp hơn, giúp phản ánh chính xác vị thế của doanh nghiệp và thực tiễn cạnh tranh trên thị trường.

So với Luật cũ, Luật mới cũng nhìn nhận việc cấu thành nên hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường một cách rõ hơn. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc xác định sẽ thông qua việc xem xét hậu quả, tác động gây ra của hành vi phản ánh bản chất phản cạnh tranh. Từ đó, những lỗi vi phạm hạn chế cạnh tranh và thực hiện tập trung kinh tế sẽ được đánh giá đúng đắn hơn.

Trong quá trình đưa ra quyết định cho những quy định mới, đã có nhiều ý kiến cho rằng nếu hành vi của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường ‘có thể dẫn đến loại bỏ đối đủ cạnh tranh’ thì mới được coi là vi phạm Luật Cạnh tranh. Không tán thành với ý kiến này, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội vẫn đã kiên quyết đưa ra quy định mới.

Chủ nhiệm ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh dẫn lại từ Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cạnh tranh sửa đổi của Ủy Ban Thường vụ: “Như vậy, rất dễ dẫn đến trường hợp khi cơ quan quản lý chứng minh xong hậu quả của hành vi thì đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường đã không còn tồn tại. Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định để bảo đảm tính khả thi”.

Vũ Hán

Cùng chuyên mục
XEM