Du lịch đường sông: Chừng nào mới ăn nên làm ra?

04/10/2017 21:38 PM | Xã hội

Dù được xem có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch, thế nhưng trong những năm qua sản phẩm du lịch đường sông vẫn chưa rõ nét, chưa có khả năng tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách của thành phố như kỳ vọng.

Du lịch đường sông nằm trong định hướng phát triển sản phẩm chiến lược của du lịch thành phố giai đoạn 2015- 2020.

Với ưu thế về điều kiện tự nhiên, có hai con sông Sài Gòn và Đồng Nai chảy qua, cùng hệ thống kênh rạch kết nối tạo nên tuyến đường sông dài khoảng 1.000km, TP.HCM có thể tạo ra bức tranh du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, điều khác biệt mà các thành phố khác không có được là cảng Sài Gòn dành cho tàu viễn dương du lịch đậu ngay bến Nhà Rồng, một di tích lịch sử nổi tiếng. Thêm nữa, đoạn cuối sông Sài Gòn là khu rừng ngập mặn Cần Giờ, khu sinh quyển thế giới, là lá phổi của thành phố, nơi có những di tích lịch sử và khu du lịch có tiếng.

Quá lạc quan?

Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) vừa đưa vào hoạt động du lịch đường sông bằng ca nô phục vụ 7 tuyến tham quan từ sông Sài Gòn tỏa ra các nhánh sông Bình Dương, Đồng Nai, Long An...

Saigontourist đưa vào hoạt động 5 ca nô mới có sức chứa 25 khách/chiếc, vận tốc tối đa 50km/h. Đây là dòng ca nô mới, sang, khởi hành từ bến tàu khu du lịch Tân Cảng khám phá đường sông Sài Gòn và tỏa về các ngã sông lân cận. Cụ thể, 7 tuyến gồm Tân Cảng - Bình Dương - Bến Đình; Tân Cảng - Bình Dương - Khu du lịch sinh thái cá Koi Hải Thanh; Tân Cảng - Cần Thạnh (Cần Giờ); Tân Cảng - bán đảo Thanh Đa (Bình Thạnh); Tân Cảng - Bến Đình (Củ Chi); Tân Cảng - Long Phước (Q.9) và Tân Cảng - Vàm Sát.

Điểm đến của 7 tuyến này không mới, nhưng theo đại diện của Saigontourist, đơn vị cố gắng tạo thu hút khác biệt bằng việc đưa thêm điểm tham quan và dịch vụ vào. Một hành trình ngắn nhiều điểm đến, với cảnh quan, ẩm thực, văn hóa bản địa đậm đà bản sắc sông nước Sài Gòn nói riêng và vùng Nam bộ nói chung.

Tham gia trải nghiệm tour Tân Cảng - Bình Dương - Khu du lịch sinh thái cá Koi Hải Thanh, nhiều du khách nhận xét , Bình Dương quá quen thuộc và thậm chí không còn gì để thu hút du lịch, nhưng Saigontourist đã khám phá ra nét đẹp khác của Bình Dương khi giới thiệu một thành phố đa dạng, vừa cổ kính với ngôi nhà cổ Trần Văn Hổ, vừa náo nhiệt với khu chợ, vừa mang yếu tố tâm linh với ngôi chùa cổ Hội Khánh.

Khu du lịch sinh thái Hải Thanh là một không gian nhà vườn yên bình, du khách có cảm giác lạ lẫm khi khám phá nơi nuôi cá Koi lớn nhất Việt Nam, thưởng thức những món ăn "cây nhà lá vườn" từ rau củ quả, đến tôm, gà, cá.

Ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Saigontourist cho biết: "Khai thác du lịch đường sông là gia tăng lợi thế cạnh tranh, nhưng phải biết tạo nét riêng để thu hút du khách trong và ngoài nước thì mới đạt doanh thu cao".

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, việc tăng cường triển khai các tour, tuyến đường sông mới nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch TP.HCM. Trong đó, các sản phẩm được triển khai lần này của Saigontourist nhằm kết nối và tăng tốc phát triển sản phẩm du lịch đường sông của TP.HCM với các địa phương lân cận.

Cần đồng bộ

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù các tuyến tour kể trên của Saigontourist đều có nét mới, nhưng để phát triển lâu dài cần có nhiều cân nhắc.

Trước đây, nhiều tuyến du lịch đường sông đã "phá sản" sau một thời gian hoạt động. Ví dụ, tuyến du lịch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từng khai trương rầm rộ, rồi lặng lẽ... dẹp, bởi không có khách, doanh thu không đủ trang trải hoạt động. Ngoài yếu tố dịch vụ không tạo ấn tượng thì nước sông ô nhiễm, bốc mùi đã làm cho du khách không thể ngồi thưởng lãm.

Từ đầu năm 2017 đến nay TP đã đón khoảng 19 triệu lượt khách nội địa, hơn 4,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu ngành Du lịch ước đạt 84.574 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Ngành du lịch đóng góp khoảng 10% cho GRDP của TP.

Trở lại chuyện 7 tour mới của Saigontourist, giá vé các tour khá cao, giao động từ 750.000 đồng - 2.145.000 đồng/khách/người lớn; đối với trẻ em (từ 3 - 10 tuổi) giá vé từ 560.000 - 1.610.000 đồng/trẻ em (miễn phí trẻ em dưới 3 tuổi). Với mức giá này, du khách có thể sẽ cân nhắc tự lái xe đến các điểm tham quan để có chi phí bằng phân nửa, nhất là ở một số đoạn sông cũng còn tình trạng ô nhiễm.

Mặt khác, nhiều nhà làm du lịch cho rằng, muốn phát triển du lịch đường sông, phải đa dạng điểm đến để khách hàng lựa chọn. Nhưng hiện nay rất khó xin phép xây dựng cầu tàu, bến đậu, nên nhiều khu du lịch nhà vườn ven sông dựng tạm bợ, không đáp ứng tiêu chí an toàn nên các đơn vị làm tour không thể hợp tác khai thác.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhìn nhận, hệ thống cầu tàu, nhà chờ, bến đậu trên các tour tuyến không chỉ thiếu mà còn yếu về chất lượng. Bên cạnh đó, một số vấn đề như nguồn nước ô nhiễm nặng, kênh rạch bị lấn chiếm nhiều, cảnh quan còn đơn điệu, độ tĩnh không thấp, khó cho tàu thuyền lưu thông... cũng kìm hãm quá trình phát triển của loại hình này.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cũng cho biết thêm, Sở đang tập trung, khẩn trương tham mưu UBND thành phố thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm phát triển du lịch đường sông. Cần tập trung cải thiện nâng cao chất lượng môi trường nước trên các tuyến đường thủy, tạo thuận lợi cho các phương tiện du lịch thủy lưu thông trên thượng lưu sông Sài Gòn. Đồng thời, nâng cao ý thức và tính tự giác của cộng đồng dân cư sống ven sông, kênh rạch trong việc giữ gìn cảnh quan, vệ sinh, môi trường.

Phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu thành phố hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đường sông như: xây dựng một số bến tàu, nâng cấp và xây dựng các cầu tàu, nhà chờ đón khách đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; thúc đẩy và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kêu gọi vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch.

Theo ĐỨC PHONG

Cùng chuyên mục
XEM