Du lịch bền vững, có nên cấm hàng rong ở bãi biển?

28/04/2016 09:21 AM | Xã hội

Chính quyền TP Vũng Tàu vừa ra quyết định cấm nấu nướng hải sản, tổ chức ăn nhậu, bán hàng rong dưới các bãi tắm. Bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ, vẫn còn đó những băn khoăn về cuộc sống của người dân mưu sinh.

Từ ngày 26-4, TP Vũng Tàu yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) kinh doanh dịch vụ du lịch không đem các phương tiện, dụng cụ phục vụ việc kinh doanh ăn uống như xe đẩy, quầy sạp xuống bãi biển, đồng thời phải thu gom các nhà bạt, vật dụng cũ kỹ, nhếch nhác.

Các HTX du lịch không được tổ chức nấu nướng, buôn bán hải sản, ăn nhậu dưới bãi biển. Ngoài ra, chính quyền sẽ vận động du khách không mang rượu bia, không tổ chức ăn nhậu, xả rác trên bãi tắm và nơi công cộng.

TP Vũng Tàu cũng đã cắm nhiều biển báo cấm ăn nhậu, nấu nướng dọc lối lên xuống bãi tắm. Lực lượng ban quản lý các khu du lịch, trật tự đô thị đã chốt trực tại khu vực 1.200m bãi tắm của các HTX du lịch để nhắc nhở du khách.

Theo quan sát của phóng viên Tuổi Trẻ chiều 26-4, đoạn bãi tắm 1.200m của các HTX du lịch đã có chuyển biến rõ rệt, không còn cảnh cửa hàng, sạp bán hải sản, dụng cụ nấu nướng lộn xộn. Chỉ còn một số sạp, quầy bán nước giải khát, nước suối. Bãi tắm thông thoáng và sạch sẽ hơn rất nhiều.

Trước đó, UBND TP Vũng Tàu cũng đã thực hiện công tác tuyên truyền, nhắc nhở cho người dân và du khách.

Ủng hộ nhưng còn nhiều băn khoăn

Đa phần bạn đọc ủng hộ chủ trương mới của TP Vũng Tàu.

Nhiều người cho rằng việc ăn uống tại bãi biển tạo hình ảnh nhếch nhác, không phù hợp với một thành phố du lịch văn minh, lịch sự. Đặc biệt trong môi trường hội nhập hiện nay, đất nước ta ngày càng thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài, hình ảnh dơ bẩn, nhếch nhác không tạo thiện cảm tốt với du khách ngoại quốc.

Các ý kiến cho rằng người dân và du khách nếu có ý thức tốt thì các thành phố du lịch sẽ ngày càng văn minh, sạch đẹp, hình ảnh du lịch nước nhà sẽ dần được cải thiện.

Ngoài ra, bạn đọc còn đề xuất ngoài việc cấm ăn uống thì chính quyền TP cũng nên bố trí thêm nhiều thùng rác dọc bãi biển. Nên xử lý hhững hành vi xả rác bừa bãi, làm dơ bãi biển của du khách bằng hình thức phạt công ích.

Bên cạnh đó, bạn đọc còn đặt ra nhiều băn khoăn về việc tái bố trí nơi kinh doanh cho người dân buôn bán dọc bãi biển.

Bạn đọc Lê Quang Mỹ nói: “Chính sách này dù được ban hành và thực thi chậm nhưng có còn hơn không. Tuy nhiên đồng thời với nó cũng phải là việc giải quyết việc làm cho các hộ dân đã từng buôn bán ở bãi biển”.

Một số bạn đọc đặt vấn đề nên chăng là xây dựng những khu chuyên tổ chức buôn bán, ăn uống ngoài bãi biển để phục vụ du khách, vừa tạo điều kiện để người dân tiếp tục mưu sinh, vừa dễ quản lý, vừa là một hoạt động thu hút.

Cảnh bày bán và nấu nướng hải sản phục vụ cho du khách ăn nhậu ngay trên bãi tắm ở đoạn 1.200m thuộc quyền quản lý của các HTX du lịch - Ảnh: Đông Hà
Cảnh bày bán và nấu nướng hải sản phục vụ cho du khách ăn nhậu ngay trên bãi tắm ở đoạn 1.200m thuộc quyền quản lý của các HTX du lịch - Ảnh: Đông Hà

Nhu cầu buôn bán của người dân vẫn là chính đáng

Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Lửa Việt Tour cho rằng hoạt động ăn uống ngay tại bãi biển rất dễ để lại nhiều hệ lụy về vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và bên cạnh đó còn là vấn đề giá cả.

“Việc quản lý các hoạt động ăn uống ngoài bãi biển đáng lẽ phải được làm từ trước, bởi càng lâu thì càng khó thay đổi thói quen của khách du lịch và người dân địa phương” - ông Nguyễn Văn Mỹ nói.

Anh Phạm Vũ - hướng dẫn viên du lịch tự do - cho rằng bãi biển Vũng Tàu lâu nay nhếch nhác chủ yếu do ý thức của khách du lịch VN còn quá kém.

Chính sách cấm du khách ăn uống ngoài bãi biển là hoàn toàn đúng. Nhưng bên cạnh đó còn cần bố trí thêm nhiều thùng rác, xây dựng đội ngũ vệ sinh và có hình thức xử phát với người vi phạm.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Mỹ, việc cấm du khách ăn uống ngoài bãi biển là cần phải làm ngay tức khắc, còn việc cấm người dân địa phương buôn bán thì cần một lộ trình cụ thể.

Bất cứ chủ trương, chính sách nào trước khi ban hành cũng cần đề ra lộ trình. Trước khi cấm buôn bán, kinh doanh thì nên báo trước ít nhất 6 tháng để người dân chuẩn bị. Mặt khác cũng cần bố trí sắp xếp một địa điểm kinh doanh khác để người dân có chỗ buôn bán cho lịch sự, văn minh.

“Người dân nếu được chuẩn bị, được thuyết phục và được sắp xếp chỗ buôn bán mới thì họ cũng sẽ đồng tình chứ không phản đối” - ông Nguyễn Văn Mỹ nêu ý kiến.

Theo ông Mỹ, trước khi ban hành quy định cấm nên tổ chức các buổi lấy ý kiến và thuyết phục người dân. Chủ trương quan trọng nhất là ở cách thực hiện. Thực hiện không hợp lòng dân thì rất dễ bị phản ứng.

Đồng tính với ý kiến trên, ông Nguyễn Minh Mẫn - trưởng phòng Marketing (Công ty TST Tourist) cho rằng mục tiêu của làm du lịch là cải thiện đời sống của dân cư địa phương, do đó phải tìm cách gắn người dân với du lịch, không thể “triệt” hết đường buôn bán của người dân.

“Đáng lẽ ra trước khi cấm thì phải tiến hành quy hoạch, xây dựng khu vực riêng để người dân vẫn có chỗ buôn bán, không phải buôn bán nhếch nhác, không ảnh hưởng đến du khách” - anh Minh Mẫn nói.

Ở một khía cạnh khác, hướng dẫn viên Phạm Vũ cho rằng về mặt nào đó, những gánh bán hàng rong ở ngoài bãi biển cũng góp phần tạo nên sắc thái riêng của bãi biển Vũng Tàu. Vấn đề vệ sinh môi trường chủ yếu ở đây là do du khách người Việt ý thức còn quá kém chứ không phải do người dân buôn bán.

Một người dân đọc bảng thông báo cấm ăn nhậu, xả rác, nấu nướng dưới bãi tắm của UBND TP Vũng Tàu chiều 26-4 - Ảnh: Đông Hà
Một người dân đọc bảng thông báo cấm ăn nhậu, xả rác, nấu nướng dưới bãi tắm của UBND TP Vũng Tàu chiều 26-4 - Ảnh: Đông Hà

Nên xây dựng khu vực để người dân buôn bán

Đề xuất giải pháp cho vấn đề tái bố trí địa điểm kinh doanh cho người dân, anh Nguyễn Minh Mẫn cho rằng nên lập ra những khu vực riêng biệt, tiện cho người dân buôn bán cũng như dễ để du khách tiếp cận.

Không những thế, chính quyền lập ra khu buôn bán riêng biệt còn quản lý được vấn đề giá cả, có thể niêm yết giá hợp lý để không xảy ra tình trạng chặt chém.

“Tránh tình trạng người dân không kiếm kế sinh nhai được lại quay về buôn bán ở chỗ cũ. Muốn vậy phải quy hoạch nơi buôn bán ở nơi phù hợp, gần điểm tham quan, tiện cho khách du lịch mua bán. Tiêu biểu như chợ Đầm Nha Trang, chợ Bà Rịa ở Vũng Tàu,...” - anh Minh Mẫn nêu ý kiến.

Theo anh Minh Mẫn, một địa điểm tập trung chế biến hải sản tươi, phục vụ ăn tại chỗ cũng là một hoạt đông thu hút du khách. Chợ Hàng Dương ở Cần Giờ là một mô hình rất hay, vừa bán hải sản, vừa phục vụ nấu nướng nếu khách có nhu cầu, lại không nằm ngay tại địa điểm tham quan.

Bên cạnh đó, để quản lý vấn đề vệ sinh môi trường còn có nhiều cách khác chứ không nhất thiết phải cấm người dân buôn bán. Có nhiều nơi như biển Long Hải vẫn cho khách mang đồ ăn vào bãi tắm nhưng sẽ thu tiền vệ sinh theo đầu người và sau khi đoàn khách đi thì đội ngũ vệ sinh sẽ dọn dẹp ngay tức khắc. Như vậy vấn đề vệ sinh môi trường vẫn được đảm bảo.

Còn nếu cấm mà không có quy hoạch trước thì rất thiệt thòi cho người dân buôn bán. Nhiều người phụ thuộc kế sinh nhai vào hoạt động buôn bán này nếu không còn đường làm ăn thì có thể nảy sinh nhiều tệ nạn.

“Muốn du lịch bền vựng thì phải có sự kết hợp giữa nhà tổ chức du lịch, chính quyền và người dân. Khi hợp tác, cùng nhau có tiếng nói chung thì du lịch mới phát triển. Còn nếu chính quyền áp chế, làm một cách khiên cưỡng thì du lịch có phát triển cũng không có ý nghĩa vì không nâng cao được đời sống của người dân.

Phải làm sao mà khi du lịch về tới địa phương nào thì nó trở thành động lực để người dân và chính quyền địa phương phấn đấu phát triển. Hình ảnh địa phương tốt hơn, dân trí người dân được nâng cao” - anh Minh Mẫn phân tích.

Người buôn bán ở Thái Lan biểu tình, chính quyền bố trí địa điểm kinh doanh mới

Năm 2014, chính quyền Thái Lan mạnh tay trong việc dẹp các hàng quán tạm bợ dựng trên bãi biển ở Phuket, cưỡng chế các quán rượu, quán bar, nhà hàng xây dựng trái phép các bãi biển này. Các dịch vụ cho thuê dù, ghế bố trên bãi biển cũng bị dẹp sạch.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đưa ra khung giá cho các hàng quán để chấm dứt tình trạng chặt chém du khách.

Tuy nhiên, sau chiến dịch dọn dẹp này, đời sống của những người lao động buôn bán bị ảnh hưởng, rất nhiều người làm thuê cũng bị mất việc làm.

Hơn 500 người đã tập hợp trong một cuộc họp ở Phuket để nói với chính quyền về những vấn đề mà họ gặp phải sau chiến dịch dọn dẹp bãi biển. Họ lập một nhóm có tên “Hội đồng Phuket”, kêu gọi chính quyền quân sự cho phép họ quay lại bãi biển và kinh doanh.

Đáp lại những lời than phiền, chính quyền ban hành quy định những người bán hàng rong có hoàn cảnh khó khăn bị tác động do chiến dịch dọn dẹp bãi biển ở Phuket sẽ được đào tạo nghề để họ có thể chuyển nghề, làm việc khác kiếm sống và rời bãi biển.

Bên cạnh đó, chính quyền sẽ phân khu vực buôn bán hợp lý để đảm bảo những người bán hàng có thể kiếm sống theo những quy định phù hợp.

Theo ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

Cùng chuyên mục
XEM