Dù đón lượng người nhập cư ồ ạt, nhưng Nhật không chào đón ai cả

29/09/2016 14:36 PM | Sống

Theo Bộ Tư pháp Nhật công bố mới đây, tính đến cuối tháng 6/2016, số lượng người nước ngoài tại Nhật đã chạm mốc kỷ lục 2,31 triệu, tăng 3,4% so với 6 tháng trước, nguyên nhân chính là bởi số lượng du học sinh và tu nghiệp sinh tăng mạnh.

5 cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại Nhật hiện tại bao gồm Trung Quốc (677.571), Hàn Quốc (456.917), Philippines (237.103), Brazil (176.284) và Việt Nam (175.744). Số lượng người Việt Nam tại Nhật sau nửa năm đầu 2016 đã tăng 20%.

Trong số 2,13 triệu người nước ngoài tại Nhật, số lượng những người hiện đang có visa trung và dài hạn chiếm 85,1%, trong đó bao gồm 713.604 người cư trú dài hạn và 257.739 sinh viên. Số lượng những người đến theo diện tu nghiệp sinh tăng 9,5% lên 210.893, cao hơn khá nhiều so với mức 190.665 ở thời điểm cuối năm 2015.

Số lượng những người đi theo diện visa kỹ sư hoặc chuyên viên tăng 11,8% lên 154.021 người, trong khi đó số người đến Nhật theo diện visa kết hôn giảm 0,4% xuống 139.746 người.

Cùng lúc đó, xu thế du lịch đến Nhật cũng đang thay đổi nhanh chóng: Ngày một nhiều người chọn các tour du lịch Nhật bằng tàu biển. So với cùng kỳ, 6 tháng đầu năm nay, số lượng khách du lịch đến Nhật bằng tàu biển tăng vọt 173,3 % lên mức 830 nghìn người.

Số lượng khách du lịch đến Nhật nói chung trong nửa đầu năm 2016 tăng 22,4% lên 11,46 triệu người, mức cao kỷ lục. Nguyên nhân chính khiến khách du lịch vẫn đến Nhật rất nhiều do đồng yên có diễn biến không quá bất thường và chính sách visa được điều chỉnh “dễ thở” hơn trước.

6 tháng đầu năm nay, Nhật đón 2,62 triệu du khách Trung Quốc; 2,51 triệu du khách Hàn Quốc; 2,09 triệu du khách Đài Loan, 830 nghìn du khách Hồng Kông và 620 nghìn du khách Mỹ.

Số lượng người cư trú bất hợp pháp tại Nhật tính đến ngày 1/7/2016 tăng lên mức 63.492 người. Như vậy từ đầu năm 2016 đến nay đã có thêm 674 người cư trú bất hợp pháp. Nửa đầu năm 2016, Nhật đã trục xuất 6.924 người, con số này cao hơn 1.161 người so với cùng kỳ năm 2015.

Nhìn từ cấu trúc của những người nhập cư Nhật, có thể thấy số lượng người đến từ các nước Hồi giáo khá khiêm tốn trong khi số lượng người nhập cư đến từ các nước mang tôn giáo khác chiếm số lượng áp đảo. Còn nhớ trong năm 2015 khi cuộc khủng hoảng di cư nổ ra, Nhật đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích về việc nước này không chịu chấp nhận số lượng lớn người tị nạn Syria.

Tuy nhiên có lẽ quan điểm này của Nhật sang năm 2016 không thay đổi khi mà Nhật tăng số tiền cam kết hỗ trợ cho người di cư thế giới lên đến 2,8 tỷ USD, nhưng không hề tuyên bố gì về việc sẽ nới lỏng chính sách nhập cư.

Trong nhóm các nước phát triển của thế giới, thực ra không chỉ riêng Nhật có chính sách khắt khe như trên với người di cư. Rất nhiều nước Bắc Âu đã đưa ra chính sách chỉ đóng góp tài chính để đưa người nhập cư vào các khu tập trung nhưng tuyệt đối không muốn tiếp nhận vào đất nước bởi họ quá thấm thía những gì mà nước Đức đã trải qua.

Hiện nay, toàn nước Nhật có khoảng 100 nghìn người theo đạo Hồi, trong đó khoảng 10% là người Nhật cải đạo, còn lại gần như toàn bộ trong số đó là người nhập cư. Con số trên nếu so với tổng số 2,31 triệu người nhập cư hẳn còn quá nhỏ, nhưng với chính sách hiện tại của Nhật chắc chắn số lượng người nhập cư Hồi giáo khó tăng nhanh.

Nhà thờ đạo Hồi nổi tiếng Otsuka ở Tokyo những ngày cuối tháng ăn chay Ramadan năm 2016 đông nghịt người đến cầu nguyện. Bình thường, nhà thờ chỉ tổ chức một đợt cầu nguyện mỗi ngày, nhưng riêng tháng Ramadan, con số này lên đến đợt mỗi ngày và đợt nào cũng đông chật.

Nhiều người đạo Hồi ở Nhật cho biết, họ luôn nằm trong tầm ngắm của cảnh sát dù họ không làm gì sai trái. Đồn đoán về điều đó đã lâu nhưng người ta chỉ thực sự biết đến điều đó khi vào năm 2010, hơn 100 trang tài liệu trong đó chứa những nội dung theo dõi người Hồi giáo tại Nhật bị rò rỉ trên mạng.

Một người theo đạo Hồi tại Nhật có tên Bek Khan cho biết: “Họ theo dõi tôi mỗi ngày, thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy cảnh sát mặc thường phục đi gần khu nhà tôi và nhìn vào căn hộ của tôi. Đặc biệt có khi họ ở ngay ngoài căn hộ của tôi đến vài tiếng đồng hồ. Lần khác, họ ở đó từ sáng tới tối dù vào ngày nghỉ, tôi bực đến phát điên và mở cửa ra gào lên: “Các ông làm cái quái gì ở nhà tôi thế”.” Và chỉ lúc đó họ mới chịu rời đi.

Vụ việc cảnh sát Nhật âm thầm theo dõi rất nhiều người Hồi giáo tại Nhật đã khiến quan hệ giữa Nhật và cộng đồng người Hồi giáo tại Nhật, cũng như thế giới Hồi giáo nói chung trở nên xấu đi. Có không ít phụ nữ Nhật đã cưới người theo đạo Hồi, tuy nhiên sau đó họ li dị bởi không chịu nổi sự theo dõi của chính quyền và cảnh sát.

Theo luật của đạo Hồi, khi người ngoài đạo cưới người theo đạo Hồi, họ cũng sẽ phải cải đạo sang đạo Hồi. Những người Nhật đó cũng muốn đến nhà thờ đạo Hồi để cầu nguyện nhưng trên thực tế, họ bị cảnh sát theo dõi tại chỗ làm, ở nhà, vì thế họ trở nên quá sợ hãi và không dám đến nhà thờ đạo Hồi nữa.

Căng thẳng giữa chính phủ Nhật và cộng đồng người đạo Hồi tại Nhật đã lên đến mức độ một số người trong cộng đồng Hồi giáo kiện chính phủ Nhật ra tòa vào năm 2013. Nhóm này được dẫn đầu bởi luật sư Junko Hayashi 37 tuổi đã cải đạo sang đạo Hồi vào năm 2001. Bà cũng chính là luật sư đạo Hồi đầu tiên tại Nhật.

Theo hồ sơ năm 2010, 17 người đạo Hồi tại Nhật bị đưa vào diện theo dõi đặc biệt, ngoài ra 72 nghìn người đạo Hồi khác cũng bị theo dõi khá sát sao, trong đó có cả 1.600 em đang theo học tại các trường phổ thông. Nhóm thân chủ đại diện bởi luật sư Junko Hayashi kiện chính phủ Nhật vì xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư.

Cuối cùng, tòa án Tokyo cũng phán quyết cho họ thắng kiện vào năm 2014 và họ sẽ nhận được 90 triệu yên tiền bồi thường. Tuy nhiên tòa án kiên quyết giữ vững quan điểm cho rằng việc thu nhập thông tin về người đạo Hồi là hoàn toàn cần thiết.

Theo luật sư Hayashi, điều đó đồng nghĩa với việc chính phủ Nhật “bật đèn xanh” cho hoạt động theo dõi người đạo Hồi tại Nhật. Bà cũng khẳng định việc cảnh sát Nhật theo dõi cả trẻ em khiến người ta không khỏi nghĩ chính phủ Nhật coi những người mang đạo Hồi như mầm mống của khủng bố.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM