Dù có bắt tay với Toyota thì Uber vẫn mãi là người đến sau?

26/05/2016 16:27 PM | Kinh doanh

Uber vừa ký một thỏa thuận hợp tác với Toyota, sau khi nhiều đối thủ của công ty này đã tìm được đối tác là các nhà sản xuất xe hơi.

Động thái tấn công dồn dập thị trường Việt Nam của Uber được ghi nhận khi mà tháng4 vừa qua, hãng này cho ra mắt dịch vụ gọi xe ôm UberMoto. Chưa dừng lại ở đó, mới đây Uber đã ký một thỏa thuận hợp tác với Toyota.

Trong thông cáo vừa phát đi hôm nay 26/5, Toyota và Uber đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) để cùng phát triển hợp tác triển khai mở rộng Dịch vụ Chia sẻ Phương tiện (Cho mượn xe). Bước đầu trong mối quan hệ hợp tác này, tập đoàn Dịch vụ Tài chính Toyota cùng với Quỹ Hợp tác Đầu tư Mirai Creation đã cam kết một khoản đầu tư chiến lược dành cho Uber.

Theo thoả thuận được ký kết, Toyota và Uber sẽ giới thiệu đến công chúng những lựa chọn thuê xe kiểu mới.

Cụ thể, khách hàng là đối tác của Uber hoặc muốn trở thành đối tác của Uber có thể được thuê xe từ công ty Dịch vụ Tài chính Toyota với lộ trình thanh toán linh hoạt dựa trên thu nhập từ công việc đối tác Uber. Thời hạn thuê xe cũng sẽ rất linh động, dựa trên nhu cầu của đối tác.

Ngoài ra, các gói này cũng giúp Uber thâm nhập tốt hơn vào các thị trường chưa phát triển, hay thử nghiệm Uber ở những thành phố chưa xuất hiện dịch vụ.

“Chúng tôi rất phấn khích với sự kiện đầu tư chiến lược dành cho Uber từ Toyota. Chúng tôi mong chờ mối quan hệ hợp tác với Toyota trong tương lai sẽ phát triển sâu sắc, bắt đầu với việc mở rộng các giải pháp hỗ trợ tài chính dành cho đối tác của chúng tôi”, Emil Michael, Giám đốc kinh doanh của Uber.

Tuy nhiên, nếu coi đây là con đường mà các dịch vụ gọi xe vạch ra thì Uber vẫn mãi là người đến sau. Bởi trước đó, nhiều đối thủ của công ty này đã tìm được đối tác là các nhà sản xuất xe hơi.

Chẳng hạn như cách đây khoảng 4 tháng, General Motors đã đầu tư 500 triệu USD vào Lyft, đối thủ cạnh tranh “nặng ký” nhất của Uber tại Mỹ, để phát triển mạng lưới taxi online này.

Gần đây, Apple cũng đã tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho dịch vụ đi nhờ xe Didi Chuxing, đối thủ Uber tại Trung Quốc. Hay như, hãng xe Đức Volkswagen cũng thông báo sẽ đầu tư 300 triệu USD vào Gett, một công ty chia sẻ xe nhỏ.

Ở Việt Nam, trong khi đối thủ trực tiếp của Uber là Grab đã có nhiều bước tiến vững chắc hơn thì Uber vẫn loay hoay, tìm bài toán phát triển.

Đầu tiên, với cơ quan quản lý, Grab đã được phê duyệt đề án GrabCar tại 5 tỉnh thành trong vòng 2 năm. Trong khi đó, một đề án tương tự của Uber lại bị trả về.

Khi Grab đã phát triển 4 mô hình vận tải, gồm GrabTaxi (bao gồm cả taxi và xe không nhãn giống Uber), GrabCar, GrabBike và GrabExpress (chở hàng) thì Uber còn mải quảng cáo trực thăng và xe chở kem.

Mãi đến tháng 4/2016, Uber mới ra mắt dịch vụ UberMoto – dịch vụ gọi xe ôm -sân chơi đã có sự tham gia của GrabBike từ hơn một năm nay.

Mặc dù "chậm chân" hơn các đối thủ nhưng cả Uber và Toyota đều là các công ty khá mạnh trong lĩnh vực của mình. Vì vậy, nhiều nhà phân tích nhận định, Toyota có thể làm nên chuyện khi dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh vận tải cùng đối tác Uber.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM