Dù chưa dời nhà máy iPhone ra khỏi Trung Quốc, Foxconn đã thu về gần 3 tỷ USD mỗi năm từ Việt Nam

19/07/2019 08:57 AM | Kinh doanh

Trong bối cảnh các tập đoàn điện tử đang có những động thái dịch chuyển một phần hoạt động ra khỏi thị trường Trung Quốc thì Foxconn cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, bao gồm cả mở rộng các dự án hiện hữu cũng như xúc tiến các dự án mới.

Foxconn là một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất trên thế giới. Vào năm 2012, các nhà máy của Foxconn sản xuất khoảng 40% lượng thiết bị điện tử tiêu dùng bán ra trên toàn cầu.

Nguồn thu chính của Foxconn đến từ việc sản xuất iPhone, iPad và một số linh kiện, phụ kiện cho Apple. Ben cạnh đó, Foxconn cũng là nhà sản xuất lắp ráp nhiều thương hiệu điện tử khác như Kindle, Nintendo, Xiaomi, Playstation, Xbox...

Foxconn cũng đã có hơn chục năm hoạt động tại Việt Nam. Tháng 3/2007, tập đoàn này bắt đầu xây dựng 2 nhà máy lớn gồm Fuhong Precision Component tại Khu công nghiệp Đình Trám, tỉnh Bắc Giang và Funing Precision Component đặt tại Khu Công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. Hoạt động chính của 2 nhà máy này là lĩnh vực gia công thiết bị, linh kiện điện tử với một trong những sản phẩm nổi bật là tai nghe Apple Earpods.

Đến năm 2015, Foxconn tiếp tục thành lập thêm công ty New Wing Interconnect (FIT Việt Nam) chuyên sản xuất cáp dữ liệu.

Nhà máy của New Wing Interconnect được đặt tại Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang - khu công nghiệp này do FuGiang, một công ty con khác của Foxconn làm chủ đầu tư với quy mô 238ha.

Dù quy mô không hề nhỏ nhưng do không phải là một thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng nên hoạt động của Foxconn tại Việt Nam ít được chú ý so với những thương hiệu lớn khác như Samsung, LG hay Canon.

Theo Báo Bắc Ninh, tính đến đầu năm 2019, 3 nhà máy trên của Foxconn đang tạo việc làm cho 39 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng.

 Dù chưa dời nhà máy iPhone ra khỏi Trung Quốc, Foxconn đã thu về gần 3 tỷ USD mỗi năm từ Việt Nam  - Ảnh 1.

Việc có thêm nhà máy mới New Wing Interconnect đi vào hoạt động đã giúp cho doanh số của tổ hợp Foxconn Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu của VIRAC, năm 2018, tổng doanh thu của 3 nhà máy chính của Foxconn tại Việt Nam đạt hơn 64.500 tỷ đồng (gần 2,8 tỷ USD) - tăng 32% so với năm 2017. Trong đó, nhà máy Fuhong Precision Component Bắc Giang đóng góp gần 1/2 tổng doanh thu với hơn 30.000 tỷ đồng.

Kết quả này nhỉnh hơn một chút so với LG Electronics Vietnam Haiphong, đạt gần 62.000 tỷ đồng doanh thu và gấp rưỡi so với Canon Vietnam. Tuy vậy, nếu so với các nhà máy thuộc tổ hợp Samsung Việt Nam thì Foxconn vẫn còn rất "nhỏ bé".

Tại Việt Nam, Foxconn còn sở hữu công ty Fushan Technology - vốn là nhà máy sản xuất điện thoại của Nokia/Microsoft Mibile. Do sự thoái trào của thương hiệu Nokia nên doanh số của nhà máy này không lớn và liên tục sụt giảm.

 Dù chưa dời nhà máy iPhone ra khỏi Trung Quốc, Foxconn đã thu về gần 3 tỷ USD mỗi năm từ Việt Nam  - Ảnh 2.

Đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam

Trong bối cảnh các tập đoàn điện tử đang có những động thái dịch chuyển một phần hoạt động ra khỏi thị trường Trung Quốc thì Foxconn cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, bao gồm cả mở rộng các dự án hiện hữu cũng như xúc tiến các dự án mới.

Tháng 11/2018, vốn điều lệ của công ty New Wing Interconnect đã được tăng mạnh từ 1.803 tỷ lên 4.733 tỷ đồng (210 triệu USD). Ngày 10/7/2019, vốn điều lệ của công ty Fuhong cũng được tăng gần gấp đôi lên 134 triệu USD.

Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vào cuối tháng 6/2019, Foxconn Việt Nam đang nghiên cứu và xem xét đầu tư dự án Nhà máy lắp ráp linh kiện màn hình tivi tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên với quy mô nhà xưởng rộng 10 hecta, nhu cầu lao động 3.000 người với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 40 triệu USD.

Với việc đã có sẵn những nhà máy sản xuất linh phụ kiện lớn tại Việt Nam cũng như việc rất nhiều đối tác trong chuỗi cung ứng ngành điện tử cũng đã đầu tư đáng kể tại Việt Nam thì không loại trừ khả năng Foxconn sẽ lắp ráp iPhone tại Việt Nam một khi Apple quyết định di dời hoạt động này ra khỏi Trung Quốc.

Theo Kiến Khang

Cùng chuyên mục
XEM