Dự báo về "điểm lạ" lần đầu tiên xuất hiện sau 10 năm về thương mại và tăng trưởng của Việt Nam

17/07/2019 21:16 PM | Xã hội

Rồng Việt Securites dự báo trong năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu có thể chỉ đạt 8% so với cùng kỳ năm 2018. Mức này thấp hơn mức tăng trưởng GDP danh nghĩa, lần đầu tiên trong thập kỷ qua.

Báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt nhận định có hiện tượng lệch nhịp giữa tăng trưởng xuất khẩu và GDP danh nghĩa.

Theo đó, trong các thập niên vừa qua, làn sóng "siêu toàn cầu hóa" đã thúc đẩy sự dịch chuyển sản xuất tới các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (EMDEs) một cách sâu rộng. Đây cũng là động lực chính cho các quốc gia này nhằm phá bỏ chiếc "vòng luẩn quẩn đói nghèo".

Nghĩa là có sự tương quan dương giữa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và thu nhập tại các quốc gia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan là những ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các nước EMDEs đang đối mặt với "làn gió ngược" khi hoạt động thương mại quốc tế hình thành xu hướng giảm trong 2 năm vừa qua. Tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu đã bắt đầu sụt giảm kể từ đầu năm 2018. Tình hình trở nên xấu hơn khi ngay cả giá trị giao dịch thương mại của một số trung tâm sản xuất của thế giới như Đức, Nhật Bản và Trung Quốc đã bắt đầu tăng trưởng âm trong các tháng đầu năm 2019.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng giảm này. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tăng trưởng xuất khẩu tính đến giữa tháng 6/2019 chỉ đạt 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức khá thấp trong các năm trở lại đây.

Phía Rồng Việt Securites cho rằng trong năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu có thể chỉ đạt 8% so với cùng kỳ năm 2018. Mức này thấp hơn mức tăng trưởng GDP danh nghĩa, lần đầu tiên trong thập kỷ qua.

Dù thừa nhận chưa có dấu hiệu rõ rệt nào cho thấy có quan hệ nhân quả, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc sẽ kéo tăng trưởng GDP giảm nhưng phía Rồng Việt cho biết khó có thể phủ nhận những tác động tiêu cực do động lực xuất khẩu suy giảm.

Bởi với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu đầu tư phát triển lớn đi kèm nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị cao, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) từ 40-50%/năm.

Do đó, việc xuất khẩu suy yếu sẽ tác động trực tiếp tới cán cân thương mại quốc gia. Cán cân thương mại của Việt Nam đã chuyển sang trạng thái thâm hụt trong 5 tháng của năm 2019, đối lập với mức thặng dư 3 tỷ USD cùng kỳ. Mặc dù đánh giá tình trạng thâm hụt trên chỉ diễn ra trong ngắn hạn và cán cân thương mại cả năm vẫn sẽ thặng dư nhưng so với con số 7 tỷ USD đạt được trong năm 2018, mức sụt giảm thực sự sẽ rất mạnh.

Phân tích cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, phía phân tích cho rằng đã có sự suy yếu trên diện rộng. Xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chủ lực hay các sản phẩm nông sản có thế mạnh đều sụt giảm. Điểm sáng từ ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ và máy vi tính, linh kiện điện tử, chưa đủ để khỏa lấp chỗ trống.

Ở khía cạnh nhập khẩu, các mặt hàng hạn chế nhập như ô tô, hoa quả và máy ảnh, máy quay phim lại tăng mạnh. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu máy móc và nguyên liệu đầu vào cho ngành năng lượng tăng đột biến. Dầu thô và than đá nhập khẩu để cung cấp cho các đại dự án lọc dầu và nhiệt điện than trong khi các dự án điện mặt trời cũng tiêu tốn gần 1 tỷ USD vào chi phí máy móc nhập khẩu.

Về thị trường, số liệu cũng cho thấy  doanh thu xuất khẩu từ thị trường Bắc Mỹ tăng cao nhất. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mới có hiệu lực mà tiêu biểu nhất là Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, hoạt động giao thương với khối Liên minh Kinh tế Á – Âu cũng tăng trưởng bình quân trên 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, doanh thu xuất khẩu từ các thị trường trọng yếu khác của Việt Nam lại đang suy giảm. Tại khu vực Tây Âu, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, hoạt động xuất khẩu giảm tốc đáng kể, ngoại từ thị trường Italy. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng âm do nước này thắt chặt quy định nhập khẩu và nhu cầu sụt giảm do kinh tế suy yếu.

Về triển vọng thương mại, Rồng Việt Securities cho biết vẫn có nhiều lạc quan cho Việt Nam đối với vấn đề này khi các cơ hội vẫn có sức nặng so với thách thức.

Cụ thể, Việt Nam là điểm giao thoa giữa hai chiến lược "Trung Quốc +1" và "Làn gió phương nam" của Hàn Quốc, đang đứng trước thời cơ "thập kỷ có một" để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sự dịch chuyển sản xuất và đơn hàng xuất khẩu tại một số ngành nghề nhất định từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.…

Theo Nam Dương

Cùng chuyên mục
XEM