Dự án gần 10.000 tỉ đồng vừa tái khởi động đã gặp khó: Đề xuất cùng ngân hàng gỡ vướng về vốn

04/05/2019 08:30 AM | Bất động sản

Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai dự án hiện nay là nguồn vốn từ các ngân hàng tài trợ.

Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, tháng 6-2018, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận ký hợp đồng tài trợ vốn với liên danh 4 ngân hàng (NH) VietinBank, BIDV, VPBank và Agribank. Nhưng theo chủ đầu tư, gần 1 năm nay, việc giải ngân vốn vẫn chưa được thực hiện bởi hợp đồng tín dụng quy định 20 điều kiện ràng buộc trước khi giải ngân như yêu cầu nhà đầu tư phải góp tỉ lệ vốn chủ sở hữu là 30%, tương ứng khoảng 3.000 tỉ đồng, gấp đôi so với các dự án BOT giao thông khác. Ngoài ra, NH yêu cầu nhà đầu tư phải giải ngân trước 2.500 tỉ đồng trong số 3.000 tỉ đồng, càng làm tình hình khó khăn hơn…

Theo ông Trần Văn Thế, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận), tổng số tiền tài trợ của liên danh 4 NH nêu trên không đủ để thực hiện dự án khi họ không cho vay tiền thuế GTGT mà buộc chủ đầu tư phải thanh toán cho các nhà thầu về khoản thuế này. Vì vậy, nguồn vốn để thực hiện dự án ước tính thiếu phần thuế GTGT khoảng 900 tỉ đồng. Các NH này yêu cầu chủ đầu tư tìm kiếm một tổ chức tín dụng khác để cho vay riêng phần thuế GTGT nhưng để thực hiện các công đoạn thẩm định, cho vay riêng phần thuế này NH khác rất khó thực hiện do liên quan nhiều vấn đề về thời hạn trả, số tiền cho vay, hoàn thuế... Ngoài ra, NH cũng yêu cầu kể từ ngày ký kết hợp đồng tín dụng, không có bất kỳ thay đổi bất lợi nào ảnh hưởng đến dự án.

 Dự án gần 10.000 tỉ đồng vừa tái khởi động đã gặp khó: Đề xuất cùng ngân hàng gỡ vướng về vốn  - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang gặp vướng ở khâu giải ngân vốn vay từ các ngân hàng Ảnh: Gia Minh

Để gỡ khó về vốn cho dự án, chủ đầu tư đề xuất thay vì ràng buộc rằng không có vấn đề gì bất lợi đối với dự án, NH có thể quy định khi phát sinh những điều khoản thay đổi thì nên cùng nhau tháo gỡ, mục tiêu là đáp ứng phương án tài chính cũng như trả nợ cho NH. Bởi với tình hình đầu tư các dự án BOT hạ tầng giao thông tại Việt Nam, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và hình thức này hiện còn nhiều chính sách bất cập, thậm chí cả pháp lý, dẫn đến nhiều phát sinh, thay đổi trong quá trình thực hiện… Vì vậy, nhà đầu tư kiến nghị hạn mức cho vay phải bao gồm cả phần thuế GTGT.

Về phía NH, đại diện khối khách hàng doanh nghiệp VietinBank cho biết VietinBank là NH đầu mối đứng ra thu xếp vốn cùng một số NH khác, với tổng số tiền khoảng 6.850 tỉ đồng. Lễ ký kết hợp đồng tín dụng cũng đã được các NH và Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tổ chức vào tháng 6-2018. Theo VietinBank, các NH sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn đầy đủ và kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, góp phần hoàn thành đúng tiến độ đặt ra.

Liên quan đến những khó khăn phát sinh trong quá trình giải ngân dự án, đại diện một trong các NH tài trợ vốn cho biết các NH cam kết giải ngân theo đúng quy định trong hợp đồng tín dụng. Do đó, nếu chủ đầu tư có vướng mắc cần tháo gỡ thì có thể đề xuất với các cơ quan liên quan như Bộ Giao thông Vận tải, chính quyền địa phương, cũng như các NH tham gia tài trợ vốn để tìm giải pháp.

Cũng theo các NH, vốn giải ngân cho dự án này không thiếu, quan trọng là đúng quy định trong hợp đồng tín dụng. Do dự án có tổng mức đầu tư lớn (khoảng 10.000 tỉ đồng) nên vốn đối ứng cũng được cân nhắc phù hợp. Nếu chủ đầu tư thấy khó khăn có thể đề xuất giải pháp, khi đó các bên sẽ ngồi lại trao đổi, thẩm định lại phương án tín dụng, điều chỉnh phụ lục hợp đồng tín dụng phù hợp điều kiện thực tế dự án, nhu cầu vốn của doanh nghiệp…

Kiến nghị Chính phủ tháo gỡ

Theo thông tin phóng viên nắm được, hiện chủ đầu tư đã kiến nghị Chính phủ thành lập tổ công tác liên cấp, liên ngành để kịp thời nắm bắt thông tin giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính về điều chỉnh dự án bảo đảm tiến độ dự án.

Theo Thái Phương - Gia Minh

Cùng chuyên mục
XEM