Đồng tác giả của Quốc gia khởi nghiệp: Khởi nghiệp rồi bán, đó cũng là một thành công

09/12/2016 09:52 AM | Kinh doanh

"Có những doanh nghiệp sáng tạo lớn nhưng không thể tăng trưởng tốt. Nếu không tăng trưởng tốt thì bán và bắt đầu ý tưởng mới".

Đó là chia sẻ của ông Saul Singer, đồng tác giả cuốn Start-up Nation/Quốc gia khởi nghiệp, xung quanh câu chuyện start-up tại Hội thảo Thất bại để thành công. Sự kiện do Hội doanh nhân trẻ TP HCM tổ chức ngày 4/12 tại TP HCM.

Khởi nghiệp: Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ

Trước khi đối thoại với người điều phối chương trình Trần Quốc Khánh tại sự kiện, ông Saul Singer nói về khởi nghiệp. Theo ông, khởi nghiệp là Start from small thing. Thing big. Think globally. Grow fast (tạm dịch là Bắt đầu từ điều nhỏ. Nghĩ lớn. Nghĩ quốc tế. Phát triển nhanh). Ông Singer lý giải rằng yếu tố rất quan trọng trong khởi nghiệp là nhóm người cùng tham gia. Bởi mỗi người có suy nghĩ khác nhau và có điểm mạnh khác nhau. Và một nhóm tốt là nhóm đó có thể: Bắt đầu từ điều nhỏ. Nghĩ lớn. Nghĩ quốc tế. Phát triển nhanh.

Khởi nghiệp rồi bán, đó cũng là thành công

Tiếp đó là cuộc đối thoại giữa người điều phối chương trình và ông Singer. Các vấn đề về khởi nghiệp, về đất nước Israel dần hiện lên trong cuộc đối thoại này.

- Nhiều người chưa đọc cuốn Start-up Nation. Ông có thể tóm tắt và cho biết vì sao cuốn sách lại có tên là Quốc gia khởi nghiệp?

- Chúng tôi có nhiều startup trong khi số dân chỉ 8,5 triệu người. Cả nghìn doanh nghiệp startup ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Israel giống như một thung lũng Silicon thu nhỏ. Một lý do khác, Israel cũng là một startup. Có nhiều người nghĩ Israel có ý nghĩ điên rồ và chính phủ Israel phải biến những ý tưởng đó thành hiện thực.

- Chủ đề của chúng ta là Thất bại để thành công. Chúng ta có thể làm gì để học từ sự thất bại?

- Tôi thích tiêu đề này vì vẽ ra được bức tranh về startup. Nhiều người nói tôi không thích thất bại. Nếu không thất bại thì không thành công được vì không thử được gì mới. Thất bại gồm thất bại nhỏ, lớn nhưng hãy “chọn” thất bại dễ nhất và không gây tổn thất nhất. Quan trọng là thất bại như thế nào để có thể tiếp tục đứng dậy và tìm thành công.

- Con người cần chuẩn bị những gì trước khi khởi nghiệp? Có thể không chuẩn bị mà khởi nghiệp được không và cần chuẩn bị như thế nào?

- Có nhiều người nghĩ là làm ở doanh nghiệp bình thường, rồi sau đó start up. Tôi thấy rõ ràng rằng kinh nghiệm làm ở doanh nghiệp bình thường rất tốt và học được nhiều điều ở một thị trường nào đó. Tuy nhiên, nếu đem kinh nghiệm đó để khởi nghiệp thì lại không phù hợp. Cách làm ở doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp bình thường rất khác nhau. Ở doanh nghiệp bình thường, họ chỉ cố gắng tăng trưởng doanh số. Không có gì mới cả. Start-up khác. Vậy nên, nên làm ở doanh nghiệp khởi nghiệp và bạn sẽ học được nhiều điều.

- Chính phủ Israel hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như thế nào?

- Chính phủ Israel thấy nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư vào start-up. Chính phủ hỗ trợ bằng cách nếu doanh nghiệp thành công thì các quỹ có thể lấy phần lời. Nếu thất bại thì các quỹ không mất phần đã đầu tư.

- Khởi nghiệp rồi bán, rồi bắt đầu ý tưởng mới. Đó có phải là điều tốt không?

- Có hai viễn cảnh cho một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Thứ nhất, doanh nghiệp lớn lên tới một trình độ nhất định và được mua lại. Đây cũng là một sự thành công. Có những doanh nghiệp sáng tạo lớn nhưng không thể tăng trưởng tốt. Nếu không tăng trưởng tốt thì bán và bắt đầu ý tưởng mới. Còn trường hợp thứ 2 là start-up lớn lên và phát triển tốt.

- Quyển sách của ông khá thành công. Ông cũng đi theo cuốn này đến nhiều nơi trên thế giới. Ông thấy môi trường start-up ở các thị trường khác Israel như thế nào?

- Cuốn sách của chúng tôi nói về câu chuyện sáng tạo của Israel. Và nhiều người muốn học hỏi từ Israel. Tuy nhiên, cần hiểu rằng mỗi quốc gia sẽ có những đặc điểm khác nhau. Sáng tạo cũng sẽ khác. Mỗi quốc gia có câu chuyện riêng. Israel là quốc gia nhỏ, không có tài nguyên. Nước Mỹ thì tài nguyên dồi dào, trị an tốt. Tuy vậy, Israel cũng đã xây dựng thành một Silicon riêng của chúng tôi. Vậy điều quan trọng là tìm điểm mạnh trong câu chuyện riêng của minh.

Tôi đi nhiều nước trên thế giới và thấy mọi người phàn nàn rằng, chuyện trở thành doanh nghiệp lớn là quá khó. Theo tôi, điểm mạnh của bản thân thì lại khó nhìn thấy và coi đó là điều đương nhiên. Đó là mấu chốt của sự sáng tạo.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM