Đồng sáng lập Facebook âm thầm bàn với chính phủ Mỹ cách giải tán MXH do mình từng chính tay tạo ra: Người tổn thương lại muốn tổn thương người khác?
Tháng 5 vừa qua, Hughes nói rằng Facebook đã trở thành một "con quỷ địa ngục" chuyên thâu tóm các công ty đối thủ và hạn chế sự lựa chọn của người dùng.
Thời gian qua, người đồng sáng lập Facebook, Chris Hughes đã không ít lần thẳng thắn phê bình mạng xã hội do chính mình từng tạo nên. Trong bài viết dài đăng trên New York Times ngày 9/5, Hughes nói rằng Mark Zuckerberg sở hữu "quyền lực không thể chống đỡ" và tầm ảnh hưởng "vượt xa bất kỳ ai trong lĩnh vực tư hay công". Đồng thời, anh cho rằng đã đến lúc các nhà quản lý giải tán Facebook.
Theo Hughes, Mark Zuckerberg sở hữu "quyền lực không thể chống đỡ".
Hughes là nhân vật mới nhất trong số những doanh nhân và lãnh đạo công nghệ kêu gọi quản lý Facebook chặt chẽ hơn, đặc biệt là sau hàng loạt vụ bê bối liên quan đến quyền riêng tư của người dùng, can thiệp bầu cử và lan truyền tin giả mạo của Facebook.
Mới đây, Hughes được cho là đang nói chuyện với các nhà quản lý Mỹ về việc phá vỡ mạng xã hội tỷ dân. New York Times đưa tin ngày 25/7 rằng Hughes, người đã rời Facebook năm 2007, đã gặp gỡ Ủy ban Thương mại Liên Bang Mỹ (FTC), Bộ Tư pháp Mỹ và một số luật sư trong vài tuần qua để thảo luận về việc chống độc quyền cùng hai nhà hoạt động nổi tiếng khác là Tim Wu và Scott Hemphill.
Cách tiếp cận chống độc quyền tiềm năng do Hughes đưa ra tập trung vào việc mua lại những công ty đối thủ của Facebook cho phép đơn vị này dập tắt các mối đe dọa cạnh tranh và cho phép nó duy trì vị trí thống trị của mình trong ngành quảng cáo cũng như thu phí nhà quảng cáo nhiều hơn.
Thông tin về Hughes được đưa ra một ngày sau khi Facebook tiết lộ trong báo cáo thu nhập quý II năm 2019 rằng FTC đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền vào tháng 6 với mục đích kiểm tra hoạt động kinh doanh mạng xã hội cốt lõi của công ty.
Ngày 25/7 vừa qua, FTC đã chính thức thông báo Facebook phải nộp phạt 5 tỷ USD vì vi phạm chính sách bảo mật. Đây được coi là khoản phạt lớn nhất trong lịch sử mà cơ quan này ấn định cho một công ty công nghệ. Trước đó, mức cao nhất chỉ là 22,5 triệu USD dành cho Google năm 2012.
Theo thỏa thuận với FTC, Facebook đồng ý chấp nhận chịu giám sát nhiều hơn. Ban giám đốc công ty sẽ thành lập một ủy ban giám sát bảo mật, gồm những thành viên độc lập không thể bị Mark Zuckerberg đuổi việc.
Về phần mình, Hughes từ chối đưa ra bình luận về việc gặp gỡ các cơ quan chính phủ Mỹ. FTC, Bộ Tư pháp, Wu và Hemphill cũng giữ thái độ im lặng khi được hỏi vấn đề trên.
Đây không phải là lần đầu tiên Hughes lên tiếng về Facebook. Đầu năm nay, anh đã công khai kêu gọi giải tán mạng xã hội tỷ dân vì cho rằng nó phát triển quá lớn và mạnh mẽ để có thể kiểm soát. Tháng 5 vừa qua, Hughes nói rằng Facebook đã trở thành một "con quỷ địa ngục" chuyên thâu tóm các công ty đối thủ, hạn chế sự lựa chọn của người dùng và việc mua lại WhatsApp hay Instagram của họ đáng ra nên được hủy bỏ.
Hughes đã tham gia vào nhóm những người kêu gọi hành động chống độc quyền để chống lại Facebook, trong đó có Wu, Hemphill và chính trị gia Elizabeth Warren. Hemphill chia sẻ với New York Times rằng Hughes "là người có đóng góp quan trọng trong những vấn đề liên quan đến sự bành trướng ngày càng gia tăng của Facebook".
Chris Hughes là bạn chung phòng ký túc xá tại Đại học Harvard với Mark Zuckerberg. Hai người cùng ba người bạn khác đã sáng lập nên mạng xã hội Facebook năm 2004. Ban đầu, Hughes chịu trách nhiệm kiểm tra, thử nghiệm và đưa ra ý tưởng mới.
Mark Zuckerberg và Chris Hughes thời sinh viên.
Sau khi Facebook trở nên phổ biến, Hughes trở thành phát ngôn viên cho mạng xã hội này nhưng không giống Zuckerberg bỏ học giữa chừng để tập trung phát triển Facebook, Hughes quyết định hoàn thành chương trình học rồi mới quay lại làm việc tại đây. Tuy nhiên, đến năm 2007, Hughes rời Facebook để hỗ trợ chiến dịch tranh cử của Barack Obama. Hiện anh là đồng chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Economic Security Project cùng một số dự án từ thiện và cộng đồng khác.
Trước đây, Hughes và Zuckerberg từng có cuộc nói chuyện riêng tư để bàn về sự công bằng mà Hughes đáng được hưởng. Nhà đồng sáng lập yêu cầu được 10% cổ phần công ty nhưng Zuckerberg nói rằng Hughes không xứng đáng được nhiều như vậy và quyết định cho anh 2% cổ phần, mức thấp nhất trong số các nhà sáng lập Facebook.