Đóng mạnh cửa xe: Nỗi ám ảnh của cánh tài xế mà hành khách chẳng mấy ai hay biết

22/11/2017 16:00 PM | Sống

Sau khi xuống xe, động tác đóng mạnh cửa xe sẽ khiến tài xế vừa đau đầu vì tiếng động lớn, vừa "xót của". Không những vậy, nó còn khiến cửa sổ và gioăng cao su trên xe dễ hư hại.

Trên các diễn đàn về ô tô, những người yêu xe thường ví chiếc xe như người vợ thứ 2 của mình. Chiếc xe là thứ có giá trị rất cao và được họ trân trọng, nâng niu, chăm sóc vô cùng chu đáo.

Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu được điều đó và một hành động khiến cánh tài xế "đau đầu" theo đúng nghĩa đen là cửa xe bị đóng quá mạnh. Nhiều người do thói quen, sau khi xuống xe liền vịn ngay thành cửa xe và lấy lực giật thật mạnh để đóng cửa một cách nhanh chóng, thậm chí còn không thèm ngoái lại nhìn.

Điều này tạo nên chấn động rất lớn và gây khó chịu cho những người còn ngồi lại trên xe, cụ thể là tài xế. Không chỉ đau đầu vì tiếng động lớn, những người lái xe còn cảm thấy "xót xa" cho chiếc xe của mình.

Vậy, đóng mạnh cửa xe có hại xe không?

Câu trả lời là có.

Trên trang Quora, ông Brad Heers, nhân viên của General Motors, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và sửa chữa ô tô cho biết, cửa xe ô tô được thiết kế rất chắc chắn và khi sản xuất đã tính đến cả những trường hợp bị đóng thật mạnh.

Tuy nhiên, tuổi thọ của cửa chắc chắn sẽ giảm nếu chịu lực quá lớn. "Một chiếc cửa xe khi hàng ngày bị đóng ở lực X sẽ có tuổi thọ là N, vì vậy nếu bạn đóng cửa ở lực 2X, hãy tin rằng tuổi thọ N chắc chắn phải giảm xuống", Brad Heers khẳng định.

Ông Brad Heers nói: "Nếu một con khỉ đột dồn toàn lực để đóng 1 cái cửa xe, cánh cửa đó có hỏng không? Đương nhiên là có! Kể cả dưới điều kiện bình thường thì đến một lúc nào đó chiếc xe cũng sẽ bị hỏng hóc, chứ chưa cần tới các tác động mạnh như vậy. Với việc đóng mạnh cánh cửa, phần cửa sổ sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất, bởi đây là khu vực lắp ráp yếu hơn các phần khác trên cánh cửa xe.

Bên cạnh đó, gioăng cao su trên cửa xe cũng sẽ bị tác động. Đây là bộ phận có tác dụng giảm lực giữa cánh cửa và thân xe khi đóng. Cấu tạo của gioăng cao su là silicon và cao su nên theo thời gian nó có thể bị khô, sau đó cứng dần và vỡ khi bị tác động mạnh. Các xe có tuổi thọ cao sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn các xe đời mới khi đóng cửa mạnh, do gioăng cao su đã cũ.

Ngoài cửa sổ và gioăng, các phần còn lại trên cánh cửa nhìn chung sẽ không gặp vấn đề gì quá lớn, bởi chúng được thiết kế để bảo vệ bạn ngay cả trong các tình huống va chạm nguy hiểm.

Thông thường, một chiếc xe được thiết kế để vận hành bình thường trên quãng đường 100.000 dặm, sau đó nó mới bắt đầu xuống cấp. Vì vậy, nếu chiếc xe của bạn đã đi được 10.000 dặm và có 1 ai đó đóng cánh cửa thật mạnh thì cũng đừng vội lo lắng. Tuy nhiên, hãy nhắc nhở họ để điều đó không lặp lại".

Vậy, đóng cửa xe như thế nào là hợp lý? Theo chia sẻ của nhiều tài xế, sau khi xuống xe, bạn nên đẩy cánh cửa về cách thân xe 10-20cm, sau đó mới dùng lực để đóng nốt phần còn lại. Như vậy là vừa đủ để cửa xe đóng chặt mà không gây hại.

Tương tự với khi bạn lên xe, hãy kéo cửa xe về sát 10-20cm rồi sau đó mới dùng lực để đóng nốt cửa.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM