Đòn bẩy hạ tầng kích thị trường nhà đất khu Nam TP.HCM "vượt mặt" khu Đông?

28/06/2019 09:24 AM | Bất động sản

Một số ý kiến cho rằng xét về hướng mở quy hoạch trong tương lai, lấy khu Đông và khu Nam để so sánh, thì rõ ràng khu Đông đang có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, với chiến lược hướng ra biển được quy hoạch gần đây, quan niệm này đang dần thay đổi bởi vì TPHCM đang dành cho khu Nam TPHCM một nguồn lực tài chính khá lớn để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.

Tính đến nay, hầu hết các công trình trọng điểm của TPHCM đều dồn về phía Đông, từ việc khởi công xây dựng tuyến tàu điện metro đầu tiên và sự hoàn thành các dự án cầu Sài Gòn 2, cũng như hầm Thủ Thiêm, tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và các đường vành đai đã cải thiện diện mạo của vùng cửa ngõ phía Đông. Hay chủ trương xây dựng khu Đông trở thành thành phố sáng tạo, cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh của thị trường bất động sản trục đô thị phía Đông.

Trong khi đó, khu Nam có điểm yếu lớn nhất là sự quá tải về hạ tầng. Tình trạng gia tăng dân số của khu Nam ngày càng cao, trong khi các trục đường kết nối từ khu Nam vào khu trung tâm TPHCM hầu như không có khả năng mở rộng, dẫn đến tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng. Nhìn thấy rõ vấn đề này, TPHCM cũng đã có một kế hoạch dài hơi trong việc đầu tư mạnh mẽ cho một hệ thống hạ tầng giao thông kết nối từ khu trung tâm TPHCM với toàn khu Nam.

Nói khái quát về những thành công mà Phú Mỹ Hưng đạt được trong 2 thập niên, các chuyên gia cho rằng đó là việc khai phá hiệu quả một vùng đất đầm lầy bị lãng quên và khẳng định một hướng phát triển của thành phố hướng ra biển; tạo không gian đô thị hướng đến nếp sống văn minh đô thị, xây dựng hệ thống dịch vụ hạ tầng đồng bộ và kỹ năng tổ chức quản lý đô thị hiện đại...

Chính từ khu đô thị kiểu mẫu này, TPHCM đã chọn cả khu Nam (quận 7, Bình Chánh, Nhà Bè, và Cần Giờ) trong tương lai sẽ trở thành một vùng kinh tế trọng điểm. Cũng từ đây, với hệ thống hạ tầng giao thông có độ bao phủ lớn như đại lộ Nguyễn Văn Linh, cảng Hiệp Phước, luồng Soài Rạp, cầu Phú Mỹ… TPHCM tiếp tục chiến lược đầu tư nhiều tuyến đường kết nối đồng bộ để vực dậy khu vực này.

Ông Trương Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc công ty Phát triển Phú Mỹ Hưng, cho biết: "Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ các hướng phát triển của thành phố trước khi quyết định chọn Nam Sài Gòn. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển khu công nghiệp và khu đô thị lớn. Theo đó, hướng Bắc có điều kiện đất đai và hạ tầng rất tốt, tuy nhiên, nếu phát triển khu đô thi với quy mô lớn ở đây thì về lâu dài có thể ảnh hưởng không tốt đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước của TPHCM".

Mặt khác, phát triển về hướng Tây ở thời điểm đó hạ tầng chưa hoàn thiện, vị trí nằm xa quận 1 và quận 5 – hai quận trung tâm sầm uất của thành phố. Quận 2 thì gần quận trung tâm, nhưng điểm hạn chế bị ngăn cách bởi sông Sài Gòn.

Vì vậy, Nam Sài Gòn đã được chọn vì những lý do sau: Dải đô thị nằm dọc cùng trục và gần hai quận trung tâm là quận 1, quận 5, hệ thống giao thông sẵn có nên dễ dàng kết nối. Đồng thời, phát triển theo hướng Nam cũng phù hợp với xu thế phát triển của những đô thị lớn trên thế giới, đó là phát triển tiến dần ra biển. Ngoài ra, điều kiện tự nhiên khu Nam Sài Gòn khá tốt, có hệ thống kênh rạch dày đặc, nằm gần rừng phòng hộ Cần Giờ - lá phổi xanh của TPHCM - nên đây là điều kiện hết sức lý tưởng để phát triển đô thị sinh thái.

"Có thể nói, khu Nam Sài Gòn hội đủ yếu tố thuận lợi về mọi mặt để nâng giá trị đô thị lên một mức cao hơn nếu phát triển theo hướng này", ông Hưng nói.

Không dừng lại ở đó, cũng với chiến lược quy hoạch vùng đô thị mở rộng về các tỉnh phía Nam (Long An, Tiền Giang, Tây Ninh...), TPHCM cũng đang dành một nguồn ngân sách khá lớn và kêu gọi nhiều tập đoàn đa quốc gia cùng tham gia phát triển hàng loạt dự án đầu tư mở rộng - nâng cấp cầu đường hiện hữu để tạo nên một đối trọng không kém cạnh với các vùng còn lại của thành phố.

Điển hình cho chiến lược này, theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trước mắt nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam TPHCM đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư từ nay đến năm 2020 như: dự án cầu Thủ Thiêm 3; cầu Thủ Thiêm 4; dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng).

Dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng); dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4; dự án đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỷ đồng; dự án cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng vừa được khởi công và dự kiến hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2019…

Đặc biệt, UBND TPHCM đã giao một số đơn vị liên quan nhanh chóng xúc tiến phương án đầu tư dự án hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, với số vốn gần 5.000 tỷ đồng.

Mới đây nhất, UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa việc xây dựng một làm đường song hành với quốc lộ 50 bổ sung vào quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Theo quy hoạch, điểm đầu của tuyến đường mới sẽ kết nối với dự án nối đường Phạm Hùng hiện hữu với cầu Kênh Cây Khô (đoạn tuyến dài khoảng 800m), tại xã Phước Lộc - huyện Nhà Bè (TP.HCM), điểm cuối sẽ kết nối với Quốc lộ 50 tại lý trình Km12+600 (ngã tư Tân Kim, xã Tân Kim - huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An).

Không dừng ở đó, khu Nam cũng có sự phát triển đồng bộ nhiều tuyến đường để kết nối thuận tiện với khu trung tâm. Đường Huỳnh Tấn Phát được mở rộng lên 30m kết nối với trục đường chính Nguyễn Văn Linh. Cầu Bình Tiên được xây dựng để mở đường cho việc hình thành tuyến đường Vành đai trong kết nối toàn bộ khu vực Nam Sài Gòn với các khu vực Tây và Tây Nam thành phố.

Ngoài việc ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc, trước mắt thành phố cũng lên phương án mở rộng lộ giới đường Lê Văn Lương lên hơn 40m - tuyến đường huyết mạch kết nối khu Nam TP.HCM đi qua khu đô thị cảng Hiệp Phước và kết nối trực tiếp với huyện Đức Hoà, Cần Giuộc của tỉnh Long An.

Song song đó, tuyến Metro số 4 với tổng vốn đầu tư 97.000 tỷ đồng (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước.

Nắm bắt thời cơ này, việc doanh nghiệp địa ốc dịch chuyển ra các khu vực lân cận phát triển dự án, nhằm thoát khỏi trung tâm đã quá chật chội để tìm thị trường mới là lẽ đương nhiên. Các đô thị vệ tinh lân cận TPHCM sẽ là thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng với nhu cầu nhà ở người dân tăng cao, mức thu nhập cũng cải thiện hơn rất nhiều. Đây cũng là giải pháp hợp lý khi kết nối hạ tầng giao thông TPHCM với các tỉnh, thành lân cận đang được hoàn thiện rõ rệt.

So với nhiều khu vực khác tại quận 7, thì dọc trục đại lộ Nguyễn Văn Linh - được xem là "con đường tỉ đô", bởi thời gian qua nhiều nhà đầu tư BĐS trong và ngoài nước đều chọn nơi đây làm vùng phát triển bậc nhất của cả khu Nam TPHCM. Tại cung đường này, các nhà đầu tư đến từ Singapore đã phát triển các đại siêu thị - trung tâm thương mại hiện đại với quy mô rộng lớn hàng chục hecta đất. Từ đó, hàng loạt dự án bất động sản cao cấp đã và đang "ăn theo", dự báo từ nay đến hết năm 2019 nguồn cung nhà ở tại đây khá dồi dào.

Điển hình như một dự án lớn thứ hai ở khu Nam có tổng diện tích gần 350 ha (sau khu đô thị Phú Mỹ Hưng có diện tích 750 ha) do Công ty TNHH một thành viên phát triển GS Nhà Bè (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư đang chuẩn bị khởi công trở lại sau nhiều năm "bất động". Dự án bao gồm nhiều loại hình nhà ở: biệt thự, khu căn hộ chung cư thấp tầng, khu căn hộ chung cư cao tầng, khu nhà ở phức hợp.

Ngoài ra, thị trường khu Nam Sài Gòn vừa ghi nhận sự xuất hiện dự án Eco Green Saigon có quy mô 14,36 ha, sở hữu vị trí đắc địa mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh (phường Tân Thuận, quận 7). Dự án có công viên nội khu Eco Green Central Park rộng hơn 3,5 ha và nằm liền kề công viên Hương Tràm 22ha. Dự án được thiết kế theo mô hình nhà ở khép kín (compound) và tiện ích dịch vụ nội khu (all-in-one), gồm trường tiểu học Kim Đồng chuẩn quốc gia, trường mầm non quốc tế Nhật Bản, trung tâm tổ chức sự kiện...

Ngoài ra, chủ đầu tư còn dành 2.300m2 để xây dựng trung tâm tổ chức sự kiện cao cấp, 30.000m2 làm trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao Hyatt Palace ngay trong khuôn viên dự án. Các căn hộ đang có giá bán từ 2,3 tỷ đồng/căn, khách hàng chỉ cần thanh toán 10% trong đợt đầu và được hỗ trợ vay 70% giá trị căn hộ trong thời gian lên đến 20 năm. Đặc biệt, dự án còn áp dụng lãi suất 0% cho đến khi có thông báo nhận nhà và nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn khác.

Hay như dự án Oakwood Residence Saigon nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, gồm có 237 căn hộ dịch vụ vừa được tung ra thị trường. Dự án này do Công ty đầu tư Mapletree thuộc tập đoàn Mapletree (Singapore) làm chủ đầu tư. Ngoài ra, tập đoàn này đã giới thiệu thiết kế mô hình tòa tháp đôi văn phòng V-Plaza Towers với diện tích sàn hơn 66.000m2, khi hoàn thành vào năm 2023 sẽ là khu phức hợp văn phòng đạt chuẩn quốc tế có quy mô lớn tại quận 7, TP.HCM.

Ngoài hai dự án trên, mới đây Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước vừa công bố ra mắt giai đoạn I, dự án Senturia Nam Sai Gon, tại đường Nguyễn Văn Linh. Bên cạnh đó, trên dọc tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh hướng về khu Tây Nam, nhiều chủ đầu tư đã tiến hành vây hàng rào các khu đất lớn để chuẩn bị phát triển dự án bất động sản mới tại nơi đây trong thời gian tới.

"Xu hướng bùng nổ nguồn cung tại khu vực này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh trong một vài năm tới, nhất là mảng văn phòng cho thuê. Một phần do khu Nam đang được TP.HCM chú trọng đầu tư nhiều dự án giao thông khá lớn kết nối toàn vùng với khu trung tâm, phần khác nơi đây được thụ hưởng sự phát triển sẵn có của khu đô thị Phú Mỹ Hưng như mảng xanh, tiện ích ngoại khu, nhiều tuyến đại lộ lớn...", ông Trần Hiếu - Phó Tổng Giám đốc DKRA Vietnam cho biết.

Theo Bùi Hải

Cùng chuyên mục
XEM