Đối với Việt Nam và Mỹ, điều tốt đẹp nhất vẫn đang ở phía trước

26/05/2016 11:18 AM | Kinh tế vĩ mô

Chuyến thăm lần này, Tổng thống Obama đã đến trung tâm chính trị Hà Nội và đến trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam, để mở ra một chương hợp tác mới sẽ định hình mối quan hệ Mỹ - Việt trong thế kỷ 21.

Tác giả bài viết là bà Phuong Nguyen, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC. Bài báo được đăng tải trên tờ Nikkei của Nhật Bản, chúng tôi xin lược dịch và gửi tới bạn đọc.

Những chuyến thăm của các vị tổng thống Mỹ đến Việt Nam bao giờ cũng là những sự kiện tạo ra nhiều cảm xúc bởi những ký ức về quá khứ. Song trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Barack Obama thật đặc biệt, bởi nó toát lên sự hồ hởi về tương lai tốt đẹp.

Năm 2000, 5 năm sau quan hệ Mỹ - Việt được bình thường hoá, khi Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến Việt Nam, người ta nói nhiều về việc "hàn gắn vết thương chiến tranh”. 6 năm sau, chuyến thăm của cựu Tổng thống Mỹ W.Bush giúp truyền đi thông điệp đến cả thế giới rằng Việt Nam "mở cửa cho doanh nghiệp”. Ông đã đánh cồng mở đầu phiên giao dịch sáng ngày 21/11/2006 tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM.

Trong chuyến thăm lần này, ông Obama đã đến trung tâm chính trị Hà Nội và đến trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam, để mở ra một chương hợp tác mới sẽ định hình mối quan hệ Mỹ - Việt trong thế kỷ 21.

Tin tức về việc ông Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương kéo dài nhiều thập kỷ cho Việt Nam đã nhanh chóng tràn ngập trên các mặt báo ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương.

Những lợi ích sách lược của Mỹ và Việt Nam quần tụ không chỉ ở phương diện an ninh. Theo lời Tổng thống Obama, Việt Nam là "nước quan trọng trong một phần quan trọng trên thế giới”, nơi phần lớn việc làm, tăng trưởng và cơ hội kinh doanh có thể được kiến tạo trong thế kỷ này và Mỹ muốn là một phần của sự phát triển đó.

Trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam đã trở thành nước đối tác kinh doanh lớn và là nước xuất khẩu lớn nhất đến Mỹ với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 45 tỉ USD vào năm 2015. Các công ty lớn của Mỹ như Intel và General Electric đã có hoạt động quy mô lớn trên khắp Việt Nam và đang giúp Việt Nam đào tạo thế hệ kỹ sư tương lai. Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm từ Thung lũng Silicon đã đến Việt Nam, rót vốn vào những công ty khởi nghiệp công nghệ tràn đầy tiềm năng của Việt Nam.

Khi trường Đại học Fulbright Việt Nam chính thức đi vào hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh vào mùa hè năm nay, sẽ có thêm nhiều thanh niên Việt Nam được tiếp cận với các chuẩn mực giáo dục của Mỹ, bên cạnh trên 19.000 sinh viên Việt Nam đang du học ở Mỹ. Các con số này sẽ tăng mạnh khi hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP được hoàn tất.

Trong chiến lược xoay trục châu Á mà Mỹ đang theo đuổi, kinh tế đang và sẽ đóng một vai trò quan trọng. Quan hệ Việt - Mỹ hiện nay đang ở tầm cao lịch sử khi quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc hơn. Những năm tốt đẹp nhất của mối quan hệ đang biến đổi này vẫn còn nằm ở phía trước đối với cả Mỹ và Việt Nam.

Theo Xuân Hương

Cùng chuyên mục
XEM