Đối thủ mạnh của Masan MeatLife cũng "sấp mặt" với dịch tả, lợi nhuận nửa đầu năm C.P Vietnam giảm phần ba so với cùng kỳ

06/09/2019 20:34 PM | Kinh doanh

Theo C.P Group, lợi nhuận nửa đầu năm giảm hơn 23% so với cùng kỳ do bị ảnh hưởng bởi giá lợn tại Việt Nam, doanh thu tại đây đóng góp hơn 38% tổng doanh thu.

Kết thúc nửa đầu năm 2019, C.P Hongkong - công ty con của C.P Group phụ trách thị trường Trung Quốc và Việt Nam ghi nhận 3,24 tỷ USD doanh thu, tương đương 74.904 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận gộp tương ứng thu về 532 triệu USD, khoảng 12.310 tỷ đồng - tăng tương đối so với mức 423 triệu USD (9.788 tỷ đồng) nửa đầu năm ngoái.

Sau khi khấu trừ các chi phí, tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất của C.P là 104 triệu USD, xấp xỉ 2.407 tỷ đồng, giảm hơn 33%; trong đó lợi nhuận ròng của cổ đông công ty mẹ ghi nhận 82,5 triệu USD, tương đương 1.909 tỷ đồng (giảm so với mức hơn 107 triệu USD nửa đầu năm ngoái).

Dịch tả lợn ảnh hưởng tiêu cực đến giá lợn và thức ăn cho lợn

Riêng với thị trường Việt Nam, doanh thu C.P đạt 1.216 triệu USD (tương đương 28.138 tỷ đồng), tăng nhẹ so với mức 1.133 triệu USD cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thức ăn chăn nuôi và thực phẩm tăng, ngược lại doanh thu nông nghiệp khác giảm nhẹ.

 Đối thủ mạnh của Masan MeatLife cũng sấp mặt với dịch tả, lợi nhuận nửa đầu năm C.P Vietnam giảm phần ba so với cùng kỳ  - Ảnh 1.

Theo Tập đoàn, lợi nhuận nửa đầu năm giảm hơn 23% so với cùng kỳ do bị ảnh hưởng bởi giá lợn tại Việt Nam, doanh thu tại đây đóng góp hơn 38% tổng doanh thu.

Việt Nam ngay sau khi có thông tin dịch tả chính thức bùng phát đã khiến giá lợn đột ngột giảm mạnh, sau giai đoạn đạt mức tăng trưởng tương đối tốt thời điểm đầu năm. Sự lây lan nhanh chóng sau đó dẫn đến hậu quả giá cả thức ăn chăn cho lợn cũng giảm đáng kể.

Ngược lại, thị trường thức ăn chăn nuôi khác vẫn tăng trưởng đã giảm thiểu đáng kể tác động tiêu cực trên. Kết quả, tổng doanh thu Tập đoàn tại Việt Nam tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó nguồn thu từ thức ăn chăn nuôi chiếm hơn 37% tỷ trọng, biên lợi nhuận gộp vào mức 16,1% - tiếp tục tăng so với con số 13,4% cùng kỳ.

Hiện, C.P Việt Nam đang là đơn vị lớn nhất trong ngành nông nghiệp với chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, chế biến và bán lẻ thực phẩm. Doanh thu năm 2018 của C.P Việt Nam đạt gần 60.000 tỷ đồng - gấp hơn 4 lần so với con số 14.000 tỷ của Masan Meat-Life.

 Đối thủ mạnh của Masan MeatLife cũng sấp mặt với dịch tả, lợi nhuận nửa đầu năm C.P Vietnam giảm phần ba so với cùng kỳ  - Ảnh 2.

Masan Meat-Life – thức ăn gia cầm và thủy sản bù đắp tốt cho sự sụt giảm thức ăn lợn

Nửa đầu năm, không ngoài cuộc lao đao với dịch tả, Masan Meat-Life (Masan Nutri-science) cũng ghi nhận doanh thu đi ngang ở mức 6.700 tỷ đồng sau nửa đầu năm, trong đó quý 2 đạt 3.600 tỷ đồng. Ngược lại, thức ăn gia cầm và thức ăn thủy sản đều tăng hai chữ số trong nửa đầu 2019, bù đắp cho sự sụt giảm 17% của thức ăn cho heo.

Riêng về mảng thịt lạnh, 1 tháng sau khi Tổ hợp chế biến thịt MEAT Hà Nam mở cửa trở lại, doanh số MEATDeli trong tháng 6/2019 đã tăng trưởng trở lại. Theo doanh nghiệp, điều này có được nhờ chất lượng sản phẩm cũng như sản phẩm thịt mát có thương hiệu của MML đã đánh đúng vào nhu cầu của người tiêu dùng.

Trong động thái đổi tên mới đây sau 4 năm thành lập, Masan Meat-Life (MML) thể hiện rõ tham vọng chuyển đổi từ một công ty chuyên về thức ăn chăn nuôi thành công ty theo mô hình hàng tiêu dùng cung cấp sản phẩm thịt có thương hiệu.

Masan cũng dự định sẽ sớm đưa công ty này lên sàn chứng khoán trong năm 2019. Vào năm 2017, quỹ đầu tư KKR đã định giá MNS ở mức 2 tỷ USD. Tuy vậy sau khi KKR rót vốn, MNS đã gặp phải 2 biến cố lớn ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh là khủng hoảng giá thịt lợn năm 2016-2017 và dịch tả lợn năm 2019.

Kỳ vọng đến năm 2022, các sản phẩm thịt có thương hiệu sẽ đóng góp 50-70% doanh thu của công ty, khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu thụ sản phẩm thịt có thương hiệu đảm bảo.

Không chỉ ông trùm C.P  hay Masan Meat-Life, Dabaco (DBC) cũng giảm 70% lãi ròng về chỉ còn 28 tỷ đồng sau nửa đầu năm, chỉ mới thực hiện 8% chỉ tiêu 2019.

Phân trần điều này, Chủ tịch Nguyễn Như So cho biết: "Giá bán lúc này chưa phản ánh được hết giá thành, tức thấp hơn so với giá thành. Nguyên nhân do chi phí sản xuất cao hơn thời điểm chưa có dịch, thị trường theo đó cũng không phản ánh được cung cầu mà chỉ thể hiện sự bán tháo của các hộ chăn nuôi".

Dịch tả ở các nước trong khu vực đã xảy ra trước đó, lân cận có Trung quốc bắt đầu bùng phát khoảng tháng 8 năm ngoái, hiện nay tại các tỉnh giáp biên giá thịt heo khoảng 74.000 đồng/kg. Riêng tại Việt Nam, dịch tả lợn xảy ra từ đầu năm nên ngành chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng. Giá bình quân ở thị trường phía nam khoảng 28.000-35.000 đồng/kg, ở miền bắc vào khoảng 38.000-42.000 đồng/kg.

Theo Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM