Đội marketing các công ty lớn đang ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào trải nghiệm người dùng thông minh như thế này đây!

03/06/2017 13:27 PM | Kinh doanh

Không còn là một khái niệm quá phức tạp và xa lạ, Thực tế ảo đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề và tương lai gần sẽ là một công cụ tạo nên nhiều đột phá cho các chiến dịch Marketing.

Vì sao nên ứng dụng thực tế ảo trong Marketing?

Thực tế ảo, hay Virtual reality (VR) là công nghệ máy tính được sử dụng để xây dựng một môi trường giả tưởng hoặc “sao chép” môi trường thực tế với những hình ảnh, âm thanh và cảm giác “như thật”. Thông qua một thiết bị đeo (kính thực tế ảo - Virtual reality headsets), VR mô phỏng sự hiện diện vật lý của người dùng, đồng thời cho phép họ đắm chìm trong không gian ảo này với những tương tác đa chiều và trải nghiệm vô cùng chân thực.

Tại các nước phát triển, VR được ứng dụng ở đa dạng các lĩnh vực và đang dần trở thành một trong những công cụ rất hữu ích giúp tạo nên đột phá trong chiến lược marketing của nhiều thương hiệu lớn. Theo nghiên cứu của Christophe Mallet (đồng sáng lập media agency Somewhre Else) và Finn Rogers (đồng sáng lập VR-Gaming), các chiến dịch marketing có sử dụng thực tế ảo sẽ giúp thương hiệu tiếp cận và tác động đến ba phần não bộ của các khách hàng mục tiêu:

- Võ não (Neocortex): nằm ngoài cùng và giúp khách hàng đưa ra những phân tích, nhận định về sản phẩm dựa trên tri thức và lý tính (rational).

- Não giữa (Limbic System): chi phối cảm xúc, tình cảm (yêu, ghét, trung thành…) của khách hàng đối với sản phẩm.

- Não bò sát (reptilian brain): bộ phận quan trọng nhất của não, điều khiển những hoạt động thường ngày gắn liền với sự tồn tại của con người. Tác động đến não bò sát nghĩa là tác động tới tiềm thức rất sâu của khách hàng, kể cả lý trí và cảm xúc đều không thể kiểm soát.


Cấu trúc não bộ con người (Nguồn: insights.newscred.com)

Cấu trúc não bộ con người (Nguồn: insights.newscred.com)

Như vậy, có thể thấy, bằng việc tạo ra những “trải nghiệm ảo”, VR có sức ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sản phẩm, hành vi tiêu dùng và thái độ với một thương hiệu của khách hàng.

Ứng dụng thực tế ảo trong Marketing trên thế giới

1. Truyền tải thông điệp về sứ mệnh sản phẩm và cốt lõi thương hiệu

Để truyền tải ý tưởng kinh doanh “One for one” - với mỗi đôi giày bán được, công ty sẽ tặng một đôi cho trẻ em nghèo, TOMS mời khách hàng đeo kính thực tế ảo và trải nghiệm chuyến đi tới các khu vực xa xôi hẻo lánh tại Peru để tặng giày cho các trẻ em nghèo. Tuy chỉ ngồi tại cửa hàng TOMS, các khách hàng có cảm giác rất thực là mình đã trực tiếp lái xe vào làng, được vây quanh bởi các em nhỏ đang vô cùng hạnh phúc và biết ơn khi được tặng những đôi giày mới. Qua “chuyến đi” đáng nhớ và đầy cảm xúc đó, khách hàng hiểu hơn về thông điệp TOMS muốn truyền tải, nhận thức rõ những ảnh hưởng tích cực mà thương hiệu đem đến cho cộng đồng, và như một hệ quả tất yếu, họ quyết định mua giày TOMS.


Nguồn: www.toms.com

Nguồn: www.toms.com

Trong chiến dịch “Một ngày ở Jeju” (Someday in Jeju), Innisfree đã lôi kéo được một số lượng lớn các khách hàng nữ đến tham quan và mua sắm tại các cửa hàng của mình nhờ việc sử dụng thực tế ảo, đưa họ đi tham quan Jeju với người hướng dẫn viên không thể tuyệt vời hơn – ngôi sao nổi tiếng Lee Min Ho. Tất nhiên, mục đích chính của chuyến đi này chính là cho khách hàng thấy được nguồn gốc 100% thiên nhiên và thân thiện với môi trường của các sản phẩm Innisfree.


Nguồn: advertisingvietnam.com

Nguồn: advertisingvietnam.com

2. Cung cấp đầy đủ thông tin và hỗ trợ khách hàng cá nhân hóa sản phẩm

VR đang được sử dụng khá phổ biến tại các công ty nội thất hoặc thiết kế giúp khách hàng có được hình dung về sản phẩm cụ thể, rõ ràng hơn nhiều so với việc chỉ sử dụng catalogue truyền thống.

Trong thực tế ảo mà IKEA tạo ra, khách hàng có thể đi quanh căn bếp với kích thước thật, trực tiếp chạm tay vào các vật dụng, thậm chí tùy chỉnh màu sắc, kích thước, đặc tính để phù hợp với nhu cầu và sở thích cá nhân.


Nguồn: www.ikea.com

Nguồn: www.ikea.com

3. Mô tả thuộc tính và chức năng của sản phẩm

Hiện một số hãng xe hàng đầu như Audi, Mercedes đã áp dụng thực tế ảo để giới thiệu các thuộc tính, chức năng và trên hết là trải nghiệm đẳng cấp mà khách hàng sẽ có được khi sử dụng những dòng xe của họ.


Nguồn: www.audi.com

Nguồn: www.audi.com

Trước khi ra mắt thị trường, VR còn hỗ trợ BMW từ quá trình phát triển sản phẩm khi các kĩ sư và nhà thiết kế được đặt trong môi trường lái xe thực tế để tạo ra những chiếc xe có độ an toàn cao, tính cải tiến vượt bậc và phù hợp với nhu cầu của thị trường.


Nguồn: www.bmw.com

Nguồn: www.bmw.com

Hướng đi nào cho việc ứng dụng thực tế ảo trong Marketing tại Việt Nam?

Với lợi thế về công nghệ, Samsung là công ty tiên phong trong ứng dụng thực tế ảo vào marketing tại Việt Nam. Cuối năm 2016, nằm trong chiến dịch marketing cho Gear VR và Galaxy S7/S7 edge, đại sứ thương hiệu Thanh Hằng đã sử dụng hai sản phẩm này để huấn luyện các người mẫu tại BeU Academy, qua đó nâng cao chất lượng khóa học và phần nào chứng minh tính hữu ích của thực tế ảo trong cách ngành nghề khác nhau.


Học viên có cảm giác đang tập luyện đi catwalk tại một dòng suối gập ghềnh nhưng thực tế vẫn đang ở trong nhà

(Nguồn: www.kenh14.vn)

Học viên có cảm giác đang tập luyện đi catwalk tại một dòng suối gập ghềnh nhưng thực tế vẫn đang ở trong nhà

(Nguồn: www.kenh14.vn)

Với khả năng kết nối khách hàng vào không gian tương lai, VR đang được một số tập đoàn bất động sản lớn như Vinhomes sử dụng để tiếp thị sản phẩm. Chưa có nền tảng công nghệ đủ mạnh, Vinhomes tìm đến các agency phát triển VR ứng dụng cho bất động sản để đem đến cho khách hàng trải nghiệm về căn hộ tương lai ngay cả khi nó còn chưa được xây lên.


Nguồn: http://www.vnimation.com

Nguồn: http://www.vnimation.com

Nhiều dự án bất động sản nổi bật khác (VD: Thăng Long Number 1, Flamigo Đại Lải, Lotus Residence, An Binh Green Star...) cũng làm marketing theo xu hướng đem đến cái nhìn chân thực nhất về sản phẩm cho khách hàng, tuy nhiên chỉ mới dừng lại ở diễn họa kiến trúc thông thường (architectural visualization), mô phỏng hình ảnh 3D hoặc tour ảo 360 (panorama 360 virtual tour).

Trước thực tế sử dụng VR là tương đối tốn kém hoặc đòi hỏi một nền tảng công nghệ nhất định, các công ty Việt Nam cần có những chiến lược dài hạn để chuẩn bị cho việc sử dụng thực tế ảo trong Marketing để tạo được hiệu ứng mong muốn đối với nhóm khách hàng mục tiêu và mang lại hiệu quả doanh thu tốt nhất. Bên cạnh việc nỗ lực xây dựng “trải nghiệm ảo” để quảng bá sản phẩm, cần tập trung nâng cao những trải nghiệm thực đến từ chất lượng sản phẩm, không gian mua sắm, chính sách và dịch vụ khách hàng, bởi đó mới là điều tạo nên cốt lõi một thương hiệu và những khách hàng trung thành.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM