Đôi khi cứ đi tìm hạnh phúc lại khiến chúng ta kém hạnh phúc hơn

18/06/2017 09:11 AM | Sống

Các nhà nghiên cứu cho rằng kiếm tìm hạnh phúc sẽ khiến chúng ta kì vọng nhiều và rồi thất vọng, buồn rầu còn nhiều hơn.

Theo một nghiên cứu gần đây, áp lực phải cảm thấy hạnh phúc thực ra lại có thể có hiệu ứng ngược – và có thể khiến chúng ta bị trầm cảm.

Theo nhà tâm lý xã hội học Brock Bastian, “Tỷ lệ mắc trầm cảm cao hơn hẳn ở những nước đặt nặng việc cảm thấy hạnh phúc. Thay vì là một sản phẩm phái sinh của một cuộc sống viên mãn, cảm thấy hạnh phúc lại trở thành mục tiêu của chính mình".

“Nếu không đáp ứng được kỳ vọng đó, liệu điều gì sẽ tác động đến chúng ta?” Bastian đặt câu hỏi.

Trong một nghiên cứu gần đây về vấn đề trầm cảm và lo lắng, Bastian và Egon Dejonckheere cùng các đồng nghiệp đã xem xét mối quan hệ giữa các kỳ vọng xã hội về việc không muốn trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực, và tần suất diễn ra các triệu chứng trầm cảm.

112 cá nhân với điểm số trầm cảm cao đã tham gia vào một nghiên cứu nhật ký hàng ngày trực tuyến trong 30 ngày, trong đó họ trả lời những câu hỏi được thiết kế để đo lường các triệu chứng trầm cảm của mình (tâm trạng ủ dột, mệt mỏi, lo âu, thiếu tập trung) và mức độ áp lực (kỳ vọng họ phải thấy vui vẻ) mà họ cảm thấy từ người khác.

Phân tích số liệu từ các câu trả lời cho thấy áp lực không được cảm thấy buồn rầu hay lo lắng càng lớn, thì khả năng xuất hiện các triệu chứng trầm cảm ở những người tham gia càng cao. Nghiên cứu này cung cấp một cái nhìn quan trọng về các yếu tố dự đoán liệu một người có cảm thấy trầm cảm hàng ngày hay không, và hóa ra môi trường xã hội của một người đóng vai trò trung tâm trong việc xác định căn bệnh tâm lý này.

“Các nghiên cứu truyền thống về trầm cảm thường chỉ tập trung vào vai trò tính cách của từng người cụ thể, nghĩa là các nhà nghiên cứu xem xét gien di truyền, các dấu ấn sinh học, phong cách nhận thức và hành vi. Nhưng các kết quả từ nghiên cứu này cho thấy các yếu tố văn hóa ngoại cảnh cũng có vai trò khá quan trọng”, Bastian cho biết.

Công cuộc theo đuổi hạnh phúc nhưng chỉ mang lại những cảm xúc trái ngược là mục tiêu của một nghiên cứu khác do Bastian thực hiện. Nghiên cứu này xem xét mối quan hệ ngẫu nhiên giữa các kỳ vọng và sự nghiền ngẫm – tập trung vào các triệu chứng buồn khổ của một người khi gặp thất bại.

Sau khi báo cáo về trạng thái cảm xúc hiện tại, 120 tình nguyện viên (TNV) phải trải qua 1 trong 3 điều kiện nhằm hoàn thành một nhiệm vụ: Giải 35 câu đố tìm từ dựa trên các chữ cái cho sẵn trong 3 phút. Những gì các TNV không biết là một nửa trong số 35 câu đố trên không có câu trả lời, nghĩa là họ buộc phải bó tay và trải nghiệm sự thất bại.

Trong điều kiện đầu tiên, các TNV bước vào một căn phòng nhỏ được trang trí bằng các cuốn sách và tranh ảnh cổ động, ở đó họ phải giải 35 câu đố kia. Ngữ cảnh thứ 2 là một căn phòng trung tính, và họ cũng phải giải 35 câu đố kia; điều kiện thứ 3 có liên quan đến những đồ vật gợi cảm giác hạnh phúc, nhưng lần này cá TNV được giao các câu đố đều có lời giải, nghĩa là họ không nhất thiết phải trải qua cảm giác thất bại.

Khi hoàn thành nhiệm vụ, các TNV làm một bài tập khác trong đó họ phải tập trung vào hơi thở của mình. Nếu có suy nghĩ lan man, họ phải mô tả suy nghĩ đó và tần suất của nó. Các nhà nghiên cứu nhận thấy các TNV ở điều kiện thứ nhất – “căn phòng vui vẻ” với các câu đố không giải được – dằn vặt với thất bại của mình nhiều hơn so với TNV ở các điều kiện khác.

“Chúng ta nghĩ rằng mình cần phải hạnh phúc đúng như mong muốn, và khi không cảm thấy hạnh phúc đúng như kỳ vọng, điều đó khiến ta vô cùng khổ sở”, Bastian giải thích. “Đôi khi cảm thấy buồn rầu, thất vọng, ghen tị và cô đơn – đó không phải là thích nghi kém, mà là những cảm xúc rất người”.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM