Đời cho ta bao lần đôi mươi: Tuổi thanh xuân, bạn ở đâu, làm gì và nghĩ gì?

14/12/2017 15:01 PM | Sống

Trong một buổi giao lưu với sinh viên, khi được MC hỏi: “Thanh niên Việt Nam thiếu cái gì so với thanh niên thế giới và họ nên làm gì để đuổi kịp các startup ngoại?”. Shark Thái Vân Linh, Giám đốc chiến lược & vận hành Quỹ đầu tư VinaCapital, đã chia sẻ rất thẳng thắn rằng: “Hai mươi tuổi không nên nghĩ về work-life balance. Hai mươi tuổi nên nghĩ về công việc”.

Hai mươi, độ tuổi thanh xuân sung sức nhất, nhiệt huyết nhất của mỗi người. Hai mươi tuổi, vừa chân ướt chân ráo tốt nghiệp đại học và bắt đầu chập chững những bước đầu tiên bước vào một môi trường mới. Hai mươi tuổi, không có kinh nghiệm nhiều, cũng chẳng có tiền, cũng chẳng có dư thời gian vì phải dành toàn bộ vào công cuộc phát triển bản thân. Hai mươi tuổi, trẻ nhưng non.

Ở độ tuổi này, bạn có thể chấp nhận làm bất cứ công việc gì, kể cả không liên quan đến ngành học. Ở độ tuổi này, bạn có thể chấp nhận nhảy việc vài lần trong một năm.

Bạn mong muốn mình sẽ được trải qua một quãng đường thanh xuân tươi đẹp nhất, tuyệt vời nhất. Vì thế, bạn mong muốn mình tìm được một công việc tốt, sếp tâm lí, tận tình chỉ bảo, đồng nghiệp tốt tính, vui vẻ, và đặc biệt là lương cao, đủ ăn, đủ chơi, lại còn dư dả thêm để biếu bố mẹ.

Mong muốn ấy, tất nhiên, ai cũng muốn đạt được. Nhất là người trẻ! Vì sao à? Vì thời điểm ấy, người trẻ vẫn còn trẻ, sung sức, vẫn có nhiều thời gian để chăm sóc cho bản thân mình trước khi kết hôn, để đi nhiều nơi, để làm đẹp, để khẳng định độc lập tài chính với bố mẹ, hơn hết, là để bố mẹ tự hào về con cái. Người trẻ mơ ước rất đúng đắn!

Nhưng, hãy nhìn lại hiện trạng xem! Bạn thấy mình ở đâu ở tuổi hai mươi? Bạn cảm thấy mình hạnh phúc hay chới với? Bạn là một nhân viên chăm chỉ hay một nhân viên lười nhác luôn đến muộn? Bạn là một đồng nghiệp luôn vui vẻ với mọi người hay một đồng nghiệp luôn đùn đẩy trách nhiệm cho người khác?

Có thể thông cảm rằng người trẻ vì quá non nớt nên đôi khi cảm thấy bản thân quá nhỏ bé trước cuộc đời rộng lớn, cảm thấy sợ hãi mỗi buổi sáng thức dậy nên sinh ra cảm giác chán nản khi phải đối mặt với hàng tá yêu cầu từ sếp, khi phải chạm mặt với những khuôn mặt rạng rỡ của đồng nghiệp.

Có thể một lúc nào đó, bạn cảm thấy bản thân bị chìm nghỉm trong công việc, trong những mối quan hệ bị ràng buộc, trong bế tắc không lối thoát.

Nhưng xin đừng viện cớ rằng mình còn trẻ nên mình được phép làm như thế, được xao nhãng, được làm qua loa mọi thứ. Nếu không biết thì bạn có thể chìa tay xin được giúp đỡ, vì bạn còn trẻ. Ở tuổi hai mươi, bạn được phép sai, sai thì sửa, càng nhận ra lỗi lầm thì rồi sẽ càng thấy mình trưởng thành hơn.

Shark Linh chia sẻ rằng 20 tuổi là thời điểm các bạn trẻ có thể dễ dàng nói "tôi không biết" và chắc chắn sẽ có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ, chỉ bảo. Nhưng khi đã lên tới 30, 40 tuổi, có nhiều vấn đề mà họ không thể tiếp tục nói "tôi không biết" được nữa.

Có một lý thuyết khá nổi tiếng của Malcolm Gladwell, nói rằng nếu ai đó dành khoảng 10.000 giờ để nghiên cứu, học hỏi thì họ sẽ trở thành chuyên gia. Nhưng với chị: “Nếu mình học hỏi và làm cái gì đó sai trên 10.000 giờ, mình sẽ thành chuyên gia làm sai”. Học hỏi không nhất thiết phải giới hạn ở trên sách vở mà các bạn trẻ có thể nói chuyện với mọi người xung quanh, tìm cho mình một người mentor và đi theo.

Các bạn trẻ ơi, mình còn trẻ thì mình nên nghĩ những điều đơn giản thôi và làm từ từ từng việc đã nhé! Đừng ôm đồn quá nhiều việc, quá nhiều câu hỏi khiến bản thân bị rơi vào trong chính những suy nghĩ mông lung mà không biết bao giờ mới có câu trả lời.

Hãy yêu công việc mình làm như yêu chính bản thân mình vậy. Khi yêu rồi, bạn sẽ có thể làm việc một cách tốt nhất, tất cả những kĩ năng đều có cơ hội được phát triển, rồi bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn luôn tươi đẹp mà chỉ có bạn chưa nhận ra mà thôi. Khi ấy, cân bằng cuộc sống không còn là nhiệm vụ của bạn nữa, cuộc sống sẽ tự cân bằng mà thôi!

Ninh Linh

Cùng chuyên mục
XEM