Dốc khoảng 3 tỷ đồng tiền tiết kiệm để mua nhà cho con trai, cuối đời, không tiền, không lương hưu, tôi vẫn nai lưng làm việc

22/06/2023 10:40 AM | Sống

Đến khi không còn tiền tiết kiệm, không có lương hưu, người phụ nữ này buộc phải đi làm dọn dẹp trong công ty của người quen. Tuy nhiên, do sức khoẻ, mỗi tháng, bà chỉ làm được 15 ngày công.

Dốc khoảng 3 tỷ đồng tiền tiết kiệm để mua nhà cho con trai, cuối đời, không tiền, không lương hưu, tôi vẫn nai lưng làm việc - Ảnh 1.

Đưa tiền tiết kiệm cho con trai mua nhà

Hiện nay, nhiều người trẻ lên thành phố học tập và làm việc. Xác định gắn bó lâu dài, họ mong muốn mua được nhà thay vì đi ở thuê để an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, họ khó có thể tự thực hiện ước mơ của mình. Bố mẹ thường phải góp tiền tiết kiệm để giúp các con một phần tiền nhà. Dì Lưu trong câu chuyện ở dưới dây là người như vậy.

Dì Lưu có 2 người con, một trai, một gái. Cô con gái lớn lập gia đình và đã có nhà do bố mẹ chồng hỗ trợ. Còn cậu con trai, mỗi khi nhắc đến bà đều thở dài.

Sau khi học xong đại học, con trai dì Lưu nhanh chóng kiếm được công việc ổn định. Sau 2 năm, anh cũng có người yêu và xác định tiến đến hôn nhân. Lúc này vợ chồng dì cũng dự định sử dụng tiền tiết kiệm để xây lại nhà nhằm ngăn phòng cho các con có không gian riêng.

Tuy nhiên, ngay khi có kế hoạch đó, anh con trai đã cản lại. Anh nói rằng vợ tương lai hy vọng ở riêng, mua nhà ở khu trung tâm, chứ không muốn sống ở ngoại ô.

Ngay lúc đó, dì Lưu đã khăng khăng từ chối đề xuất này. Bởi với số tiền tiết kiệm đó, gia đình bà có thể xây được căn nhà ở quê mà vẫn dư một khoản nhỏ nhằm dưỡng già. Còn nếu quyết định mua nhà cho con trai, chắc chắn số tiền tiết kiệm đó không còn một xu. Như vậy, bà sẽ đối diện với nhiều khó khăn khi về già.

Tuy nhiên, vài tháng sau, anh con trai đột nhiên nói với dì Lưu rằng người bạn gái sẽ chia tay nếu không có nhà riêng. Vì thế anh rất băn khoăn và mong muốn mẹ giúp đỡ. Thấy con trai phờ phạc vì yêu cầu của bạn gái, người mẹ thương con cuối cùng cũng đồng ý.

Dốc khoảng 3 tỷ đồng tiền tiết kiệm để mua nhà cho con trai, cuối đời, không tiền, không lương hưu, tôi vẫn nai lưng làm việc - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Sau khi khảo sát, dì Lưu quyết định dốc toàn bộ 1 triệu NDT (khoảng 3 tỷ đồng) để giúp con trai trả ½ số tiền mua nhà. Số còn lại buộc anh phải trả góp hàng tháng trong vòng 10 năm. Theo đúng kế hoạch, con trai bà kết hôn ngay sau đó.

70 tuổi vẫn nai lưng đi làm vì rỗng túi

Hơn nửa năm sau, con dâu dì Lưu có thai và sinh con. Bà chủ động lên thành phố để chăm sóc cháu và con dâu. Kể từ khi lên ở cùng, mỗi ngày của bà đều bận rộn, đi chợ, nấu cơm. Dẫu mệt song khi nhìn thấy các con các cháu vui vẻ bà vẫn không một lời ca thán.

Tuy nhiên nhiều chuyện xảy ra sau đó khiến mối quan hệ giữa dì Lưu và con dâu trở nên tồi tệ. Khi cháu trai được một tuổi, bà cho rằng con dâu có thể ra ngoài đi làm nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình, đồng thời có thêm tiền để trả thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, con dì cho rằng con vẫn còn nhỏ nên chưa muốn đi làm luôn.

Khi nghe thấy điều này, dì Lưu cũng đồng cảm. Song sự lười biếng của con dâu khiến bà không hài lòng. Bà cho biết con dâu ở nhà chỉ nghịch điện thoại, không quan tâm đến con cái. Dì vừa phải lo cơm nước, vừa phải để mắt đến cháu.

Bà cũng nhiều lần góp ý với con trai để nhắc nhở vợ tuy nhiên mọi chuyện không thay đổi. Cuối cùng dì Lưu bỏ về quê để các con tự lo cho cuộc sống của mình. Dù sao có dì, các con nghĩ rằng vẫn còn điểm tựa.

Sau khi về quê, hoàn cảnh của dì Lưu không được tốt đẹp. Bởi dì đã dành toàn bộ tiền tiết kiệm cho con trai, thậm chí tiền hưu cũng chẳng có. Trùng thời điểm đó, con trai của bà bị cắt giảm lương do tình hình công ty khó khăn. Anh chật vật làm thêm cũng chỉ đủ trang trải sinh hoạt gia đình và trả tiền nợ ngân hàng. Anh hoàn toàn không thể chu cấp được cho mẹ của mình.

Không còn cách nào khác, ở tuổi 70, dì Lưu phải đi làm dọn dẹp trong công ty của người quen. Do sức khoẻ cũng đã yếu, bà chỉ làm được 4 ngày công/tuần. Thậm chí có tháng bà chỉ được 15 ngày công, do phải đi khám chữa bệnh. Dì cũng được con gái hỗ trợ một khoản nhỏ nhưng nếu không đi làm vẫn không đủ.

Dốc khoảng 3 tỷ đồng tiền tiết kiệm để mua nhà cho con trai, cuối đời, không tiền, không lương hưu, tôi vẫn nai lưng làm việc - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Ở những năm tháng cuối đời, dì Lưu dần hối hận về quyết định dốc toàn bộ tiền tiết kiệm cho con trai. Bà nhận ra dù thế nào cũng phải dành cho bản thân một con đường lui.

Khi về già, bạn có thể gặp đủ rắc rối và vấn đề. Tiền tiết kiệm sẽ đem đến cho bạn cảm giác an toàn. Đây cũng là sức mạnh để bạn chống lại rủi ro và làm chủ được cuộc sống của mình. Số tiền tiết kiệm trong tay chính là thứ để bạn dựa vào và là tấm lá chắn bảo vệ giúp an nhàn tuổi già.

Theo Toutiao 

Theo Đinh Anh

Cùng chuyên mục
XEM