Doanh thu dầu mỏ của OPEC thấp nhất trong 10 năm qua

24/06/2016 09:19 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong năm vừa qua, giá dầu đã giảm khoảng 35% xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Báo cáo mới đây của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho thấy doanh thu của nhóm này từ vàng đen đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Theo đó, doanh thu của OPEC từ dầu mỏ trong năm 2015 đã giảm gần 46% xuống 518 tỷ USD. Hơn nữa, việc giá dầu giảm mạnh cũng đồng nghĩa với việc các nước thành viên OPEC bị thâm hụt thương mại, điều lần đầu tiên xảy ra tỏng 17 năm qua.

Hiện chỉ có 4 quốc gia thành viên là Quatar, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Iran là giữ được thặng dư tài khoản vãng lai.

Trong năm vừa qua, giá dầu đã giảm khoảng 35% xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Ngoài ra, thị trường dầu mỏ cũng lâm vào tình trạng mất cân bằng cung cầu trong suốt 1 năm qua khi sản lượng khai thác thì nhiều mà sức tiêu thụ có hạn.

Tại những thị trường dầu mỏ lớn như Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế giảm tốc đã khiến nhu cầu về vàng đen chậm lại. Trong khi đó, những quốc gia xuất khẩu dầu chủ chốt lại tăng cường bơm dầu nhằm bảo vệ hoặc giành thêm thị phần. Thậm chí các thành viên OPEC cũng bất đồng quan điểm và không thể đi đến thống nhất về một kế hoạch hỗ trợ giá dầu.

Hiện Ả Rập Xê Út đang là thành viên có mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất trong khối với 41,3 tỷ USD.

Trước đây, quốc gia này đã có nhiều khoản trợ cấp và hỗ trợ xã hội cho người dân, như trợ giá năng lượng và nước. Ả Rập Xê Út cũng tiêu tốn hàng tỷ USD cho các mặt hàng nhập khẩu khi vị trí địa lý và khí hậu của quốc gia này không thực sự thích hợp cho một số ngành chủ chốt, như nông nghiệp.

Dẫu vậy, việc doanh thu từ dầu mỏ giảm tới 23% trong năm 2015 đã khiến ngân sách Ả Rập Xê Út thâm hụt khoảng 93 tỷ USD, qua đó thúc đẩy hàng loạt chính sách giảm chi tiêu công cũng như thúc đẩy đầu tư vào những ngành kinh tế khác nhằm tìm kiếm nguồn thu mới.

Gần đây, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ thông qua đầu tư mạnh vào du lịch cũng như các ngành kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, Ả Rập Xê Út cũng khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên khi tuyên bố bán một phần cổ phần của Saudi Aramco, công ty dầu khí quốc doanh của nước này và là công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới. Đồng thời, chính phủ nước này cũng ban hành một chính sách thuế mới nhằm tăng thu ngân sách và thành lập một quỹ đầu tư chuyên hỗ trợ và thúc đẩy cho ngành kinh tế tư nhân.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM