Doanh thu bất ngờ "bốc hơi" 2.000 tỷ sau kiểm toán, "vua cá tra" Hùng Vương nói gì?

06/02/2017 19:13 PM | Kinh doanh

Theo Hùng Vương, báo cáo tài chính sau kiểm toán lệch so với trước kiểm toán do nhiều nguyên nhân như ghi sai niên độ, hồ sơ chưa đủ nên chưa được ghi nhận hay phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Hồi cuối tháng 10/2016, Công ty cổ phần Hùng Vương, "Vua cá tra" trên thị trường thuỷ sản Việt Nam đã công bố báo cáo tài chính tự lập.

Hùng Vương có năm tài chính bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 9 năm sau. Theo báo cáo của Hùng Vương khi đó, doanh thu năm 2016 đạt hơn 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng là 309 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 20% và 140% so với cùng kỳ năm trước.

Thế nhưng mới đây, khi báo cáo tài chính do Earns & Young kiểm toán được công bố, Hùng Vương đã khiến nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng. Doanh thu Hùng Vương đột ngột bốc hơi 2.000 tỷ, xuống chỉ còn 18.000 tỷ.

Bất ngờ hơn, công ty từ lãi ròng 309 tỷ chuyển sang lỗ 49 tỷ và là lần đầu tiên công ty biết lỗ.

Theo lý giải của Hùng Vương, báo cáo sau kiểm toán bị lệch tới 358 tỷ lợi nhuận do 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, lợi nhuận gộp giảm do nghiệp vụ ghi nhận doanh thu bán bã đậu nành 228 tỷ bị loại ra vì ghi sai niên độ. Khoản doanh thu này sẽ hạch toán sang quý 1/2017. Bên cạnh dó, 180 tỷ doanh thu chuyển nhượng quyền sử dụng ao cũng bị loại ra do hồ sơ thủ tục pháp lý chưa đầy đủ nên chưa được ghi nhận theo chuẩn mực kế toán.

Thứ hai, lợi nhuận từ công ty liên kết liên doanh giảm 64,5 tỷ do loại trừ lợi nhuận chưa thực hiện từ các giao dịch nội bộ.

Thứ ba, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 51,6 tỷ sau kiểm toán do các bút toán trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Sau khi có thông tin báo cáo tài chính kiểm toán, nhà đầu tư ngay lập tức bán tháo cổ phiếu của Hùng Vương. Giá cổ phiếu HVG trên sàn chứng khoán đã đo sàn 3 phiên liên tiếp, hiện chỉ còn 7.250 đồng/cổ phiếu.

Trong cơ cấu doanh thu của Hùng Vương, các sản phẩm từ cá vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đóng góp 10.800 tỷ. Mảng thức ăn thuỷ sản và tôm có tỷ trọng tương đương nhau, đạt 3.700 tỷ và 3.400 tỷ.

Trong năm 2016 vừa qua, Hùng Vương đã liên tục nhập lợn giống thuộc dòng cụ kỵ nhằm mục tiêu từ năm 2019 xuất bán 500.000 con hàng năm. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi Hùng Vương nhập lợn giống về nuôi, giá thịt lợn trong nước bất ngờ giảm sâu thời điểm sát Tết do phía Trung Quốc ngừng nhập, khiến người chăn nuôi điêu đứng.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM