Doanh nhân từng "cứu vớt" hàng nghìn người khỏi nguy cơ thất nghiệp khẳng định: Đây là sai lầm tồi tệ nhất trong một buổi phỏng vấn xin việc

26/03/2018 19:29 PM | Kinh doanh

Chuyên gia tuyển dụng và quản lý nhân sự - Jon Taffer - khẳng định, nếu đặt năng lực lên trên nhân phẩm, bạn chắc chắn sẽ bị loại.

Jon Taffer được biết đến như một chuyên gia trong ngành kinh doanh nhà hàng và quán bar qua chương trình truyền hình thực tế "Bar Rescue" (Giải cứu quán bar). Ông đã "cứu vớt" hàng nghìn người khỏi nguy cơ thất nghiệp trong suốt 35 năm sự nghiệp kinh doanh của mình.

Cho đến nay, ông sở hữu 17 nhà hàng/quán bar khác nhau, sáng lập công ty tư vấn Taffer Dynamics và hỗ trợ tạo ra NFL Sunday Ticket. Là một chuyên gia tuyển dụng và quản lý nhân sự, Taffer tiết lộ sai lầm tồi tệ nhất mà rất nhiều người phạm phải trong buổi phỏng vấn xin việc.

Doanh nhân này cho biết ông sẽ không tìm kiếm các ứng viên có hồ sơ xin việc ấn tượng làm nhân viên cho mình.Ông chia sẻ với CNBC Make It: "Tôi tuyển dụng nhân viên trước hết dựa vào nhân phẩm, sau đó mới dựa vào năng lực. Nếu bạn đặt năng lực lên trên nhân phẩm, bạn chắc chắn bị loại".

Taffer giải thích rằng: "Nhân viên có năng lực giỏi nhưng nhân cách tồi sẽ không làm công ty phát triển. Người chưa đủ năng lực nhưng nhân cách tốt, ngược lại sẽ trở nên tuyệt vời. Nhân cách có thể ‘bù khuyết’ cho năng lực".

Sai lầm tồi tệ nhất: Quá chú trọng lợi ích cá nhân

Với quan điểm trên, chuyên gia tuyển dụng tiết lộ sai lầm tồi tệ nhất mà nhiều người phạm phải là quá chú trọng vào lợi ích cá nhân.

Doanh nhân từng cứu vớt hàng nghìn người khỏi nguy cơ thất nghiệp khẳng định: Đây là sai lầm tồi tệ nhất trong một buổi phỏng vấn xin việc - Ảnh 1.

Theo ông Taffer, những điều mà các nhà tuyển dụng muốn nghe rất đơn giản, đó là: Bạn sẽ giúp công ty phát triển như thế nào và tại sao bạn muốn làm như thế?

"Nếu trong vài phút đầu tiên của buổi phỏng vấn, các ứng viên chỉ hỏi về số ngày nghỉ phép, tiền lương hay trợ cấp… thay vì hỏi những vấn đề liên quan đến công việc mà họ đang ứng tuyển, điều đó cho thấy họ chỉ ưu tiên cho lợi ích cá nhân chứ không phải cho công việc. Đây không phải là những nhân viên mà tôi cần".

Ông cho biết thêm: "Gần 30% ứng viên đến ứng tuyển tại công ty tôi đều có một buổi phỏng vấn vô cùng ngắn gọn, bởi vì những câu hỏi đầu tiên mà họ đặt ra đã cho tôi thấy nhân cách của họ. Với mục đích và nhân cách đó, họ hoàn toàn không phù hợp để trở thành nhân viên của tôi".

Thay vì những câu hỏi liên quan đến ngày nghỉ phép và lương, ông Taffer muốn nghe nhân viên của mình hỏi những câu hỏi như "Tôi có thể giữ chìa khóa phòng làm việc được không? Tôi muốn đến công ty sớm và tan làm muộn hơn một chút. Tôi muốn khai phá năng lực của bản thân và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ".

Hay những câu hỏi liên quan đến "công việc và phương pháp để làm việc hiệu quả hơn cũng là những câu hỏi rất hay".

Nhà sáng lập Taffer Dynamics cho biết: "Tôi sẽ không tuyển những nhân viên ít sự tận tâm với công việc hơn tôi".

Ngôn ngữ cơ thể cũng rất quan trọng

Jon Taffer đặc biệt chú trọng đến ngôn ngữ cơ thể.

"Trong buổi phỏng vấn, nếu ứng viên không nhìn thẳng vào mắt bạn và bắt đầu khoanh tay trước ngực khi nói chuyện với bạn thì đó là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng. Tôi sẽ không bao giờ thuê những nhân viên như thế".

Quả thực, theo Tạp chí Kinh doanh Harvard, nhiều chuyên gia cũng cho rằng "giao tiếp bằng mắt" rất quan trọng, nó giúp con người tạo ra "cảm giác gắn kết" và thể hiện sự tự tin. Hành động khoanh tay trước ngực khi nói chuyện sẽ gây cho đối phương cảm giác bạn rất khép kín và không hòa đồng. Vì vậy, các chuyên gia gợi ý rằng bạn nên thả lỏng chân tay, để mở lòng bàn tay khi nói chuyện, hành động đó sẽ giúp bạn dễ dàng thuyết phục người nghe.

Do đó, nếu bạn muốn vượt qua buổi phỏng vấn, lời khuyên tốt nhất mà chuyên gia tuyển dụng này chia sẻ với bạn là hãy tận dụng những phút đầu tiên của buổi phỏng vấn – cơ hội duy nhất để tạo ấn tượng ban đầu – để thể hiện sự tận tâm của bạn với công việc chứ không phải sự quan tâm đến lợi ích cá nhân.

"Hãy suy nghĩ về phần đầu tiên của buổi phỏng vấn – thời điểm các nhà tuyển dụng xác "định đối tượng ưu tiên" của bạn. Bạn nên dành ưu tiên cho công việc, thời gian và sự nhiệt tình của bản thân với công việc đã chọn".

"Những hành động trên sẽ giúp cho nhà tuyển dụng tin tưởng rằng bạn hoàn toàn phù hợp với công việc này. Sau đó mới hỏi họ những câu hỏi khác".

Theo Hoàng Hoa

Cùng chuyên mục
XEM