Doanh nhân “Sơn xay xát” thâu tóm đất vàng Cao Su Sao Vàng giá “bèo” hơn 7 triệu đồng/m2

28/04/2016 16:17 PM | Kinh doanh

Đại gia tỉnh lẽ Phạm Hoành Sơn, ông chủ tập đoàn Hoành Sơn, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, xây dựng, khoáng sản, đầu tư cảng biển,...vừa trở thành chủ nhân mới của khu đất vàng Cao Su Sao Vàng 231 Nguyễn Trãi, vị trí rất nhiều đại gia địa ốc khác thèm muốn.

Xuất thân trong gia đình không có truyền thống kinh doanh, bố làm bộ đội còn mẹ là giáo viên, cuộc sống khó khăn, nghèo túng khi bố đi bồ đội biền biệt còn mẹ phải bỏ nghề giáo để bươn trải bán tem phiếu, gánh hàng xáo nuôi gia đình.

Từ “Sơn xay xát”, buôn phân…

Thời đó, cái nghèo thấm sâu trong gia đình người thanh niên trẻ Phạm Hoành Sơn (hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoành Sơn), rồi sau đó nhờ tích cóp, chắt chiu của người mẹ, vị thanh niên này đã quyết định khởi nghiệp kinh doanh từ một chiếc máy xay xát. Cũng vì thế mà ông chủ Tập đoàn Hoành Sơn còn có biệt danh là “Sơn xay xát”. Nói như ông Sơn, nếu không có cái nghèo thì ông đã không rẽ sang nghiệp kinh doanh.

Theo chia sẻ của ông chủ Tập đoàn Hoành Sơn trên truyền thông, những năm 90 ông cùng mẹ (đã bỏ nghề giáo) để làm đại lý phân bón nhỏ lẻ, đại lý của gia đình ông ở vùng nông thôn Chu Lễ, Đức Thọ (Hà Tĩnh) và luôn được bà con nông dân tin tưởng sử dụng bởi giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo, phục vụ đến tận ruộng đồng.

Nhờ đó, gia đình ông đã kinh doanh phát đạt, mở rộng đại lý phân bón của nhiều công ty sản xuất phân bón thời đó ở nhiều tỉnh thành miền Trung như Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị. Đại lý của Cty Sông Gianh (Quảng Bình); phân bón hóa chất Vinh; Nhà máy phân bón, hóa chất Lâm Thao…Sau này, thương hiệu phân bón Hoành Sơn đã lan truyền khắp miền Trung, trở thành đại lý chính thức của nhà máy phân bón hóa chất Lâm Thao.

Kể từ đó, nghiệp kinh doanh của ông Sơn phất lên như “diều gặp gió”, ông và mẹ ông chính thức thành lập ra công ty Hoành Sơn vào năm 2001. Tiếp tục mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác như cung ứng thức ăn gia súc, kinh doanh sắt thép và xi măng…

Đến doanh nhân giàu có, thâu tóm “đất vàng” Thủ đô -tài sản nhà nước với giá “bèo” hơn 7 triệu đồng một m2

Từ một doanh nghiệp tư nhân chỉ với 10 nhân viên, doanh thu vài trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng nay Hoàng Sơn đã trở thành một doanh nghiệp lớn kinh doanh đa lĩnh vực, với 4 công ty con, hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, vận tải, khoáng sản, xây dựng và đầu tư dự án khu vực miền Trung và Lào.

Nếu tính trung bình, hàng năm Hoành Sơn tiêu thụ khoảng 200 ngàn tấn phân bón, 300 ngàn tấn xi măng, chế biến than ở Lào khoảng 200 ngàn tấn và khai thác khoảng 1 triệu tấn than đá…cung cấp cho các nhà máy ở Việt Nam.

Trở nên giàu có, ông Phạm Hoành Sơn mở rộng sang đầu tư vào hạ tầng tại cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), với nhiều dự án lớn như bến cảng số 4 Cảng Vũng Áng với tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng…

Tuy nhiên, mới đây đại gia tỉnh lẻ này nổi lên, gây xôn xáo giới nhà đất Hà thành khi ông toan tính thâu tóm khu đất vàng 231 Nguyễn Trãi rộng 6ha do CTCP Cao Su Sao Vàng quản lý. Đây là khu đất đã có chủ trương di dời nhà máy để lập dự án BĐS từ năm 2008-2009, và rất được nhiều đại gia địa ốc để ý.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2016 của Cao Su Sao Vàng (SRC) vừa diễn ra, Công ty này đề nghị lựa chọn CTCP Tập đoàn Hoành Sơn là đối tác ký hợp đồng đầu tư vì đây là đối tác trả giá cao nhất (435 tỷ đồng).

Nếu tính trung bình thì khu đất 6ha này chỉ có giá trị khoảng hơn 7 triệu đồng mỗi m2, nhiều cổ đông cho rằng nhượng lại lô đất vàng này với giá như vậy là quá “bèo”, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, theo lý giải của lãnh đạo SRC, nhiều công ty muốn tham gia dự án đã “lách” bằng cách hỗ trợ tiền di dời cho SRC để có thể cùng khai thác lô đất.

Nhưng, cuối cùng thì với 97,82% số phiếu tán thành, Hoành Sơn cũng đã được lựa chọn là đối tác. 2 bên thỏa thuận góp vốn thành lập Công ty TNHH Sao Vàng- Hoành Sơn với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng (trong đó SRC góp 26%, Hoành Sơn 74%) để đầu tư phát triển khu hỗn hợp, bao gồm TTTM- Dịch vụ- Văn phòng- Căn hộ cao cấp để bán và cho thuê này.

Như vậy, cuối cùng dự án đất vàng 231 Nguyễn Trãi sau nhiều năm “đắp chiếu” vì chưa thể tìm được chủ nhân mới, đến nay khu đất đã rơi vào tay một “tay chơi” nghiệp dư, chưa hề có kinh nghiệm làm bất động sản. Vì thế, nhiều người quan ngại để dự án 231 Nguyễn Trãi thành hình có lẽ sẽ là một chặng đường dài, không thể một sớm một chiều.

Theo Gia Bảo

Cùng chuyên mục
XEM