Doanh nhân Lê Phước Vũ: 'Cộng đồng doanh nghiệp VN như chân phải, FDI là chân trái. Tôi thấy, chân phải cực teo'

21/04/2016 11:45 AM | Kinh tế vĩ mô

Việt Nam đang đàm phán và đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đây là cơ hội, là lợi thế rất lớn cho Việt Nam, nhưng có nguy cơ lợi thế của Việt Nam sẽ thành thất thế cho doanh nghiệp Việt, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen chia sẻ.

“Hội nhập là cơ hội vô cùng lớn. Nhưng nếu Việt Nam không tỉnh táo, lợi thế này sẽ trở thành thất thế”, ông Lê Phước Vũ đưa ra lời cảnh báo tại Diễn đàn Sản xuất và Công nghiệp Việt Nam sáng 21/4.

Ông Vũ diễn giải: Hiện rất nhiều nhà đầu tư có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam bởi các hiệp định thương mại tự do đang đàm phán và đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Nhưng cùng một địa điểm đầu tư, nguồn lực khi được các nhà đầu tư FDI hút hết rồi thì doanh nghiệp Việt Nam còn gì nữa đâu?”, ông Vũ thốt lên.

“Như vậy, lợi thế của Việt Nam sẽ thành thất thế của doanh nghiệp Việt Nam. Đấy là nguy cơ!”

Một vấn đề đang hiện hữu là một số tập đoàn Thái Lan bắt đầu thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các công ty niêm yết lẫn chưa niêm yết. Hàng loạt các nhà bán lẻ Việt Nam đã dần bị rơi vào tay các doanh nghiệp Thái.

“Tôi nghe nói rất nhiều hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam hiện không đưa được vào các siêu thị Việt Nam - những siêu thị thuộc các doanh nghiệp bán lẻ đã bị doanh nghiệp Thái Lan thâu tóm”, ông Vũ cho biết.

“Làm sao cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh được trong tương quan mà thế bất lợi luôn ở phía mình”.

Ông Vũ cũng cho rằng, giờ chúng ta không nên phân biệt rõ ràng doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân mà trong cuộc chơi toàn cầu, nên phân ra là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.

“Tôi khẳng định: Bất kỳ nền kinh tế nào như Mỹ, Nhật Bản, hay Trung Quốc, họ luôn cần doanh nghiệp FDI, thì không lý gì Việt Nam không cần. Nhưng cần xác định kinh tế Việt Nam như một cơ thể, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam như chân phải và cộng đồng FDI như chân trái.

Khi nào chân phải thực sự mạnh và đi đều với chân trái thì nền kinh tế mới đi lên. Nhưng hiện nay, tôi thấy chân phải cực teo. Đây là vấn đề cực nghiêm trọng!”

"Chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần điểm tựa của Chính phủ như bây giờ! Chúng tôi cần điểm tựa, không phải chỗ dựa. Chúng tôi muốn có sự thông thoáng, không bị níu kéo bởi các cơ chế hành chính như hiện tại".

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM