Doanh nghiệp xuất khẩu gạo trì hoãn thời gian giao hàng vì “giá nội cao hơn giá ngoại”

12/08/2023 14:07 PM | Kinh doanh

Khó thu mua lúa vì giá quá cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã phải thương lượng với đối tác để dời thời gian giao hàng.

Giá lúa cao vì cò và thương lái gom hàng

Những ngày qua khi giá gạo thế giới tăng lên từng ngày thì giá lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo đó cũng tăng cao. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long)- cho biết: Hiện nay ở các địa phương giá lúa đang dao động từ 7.800 – 8.000 đồng/kg (với lúa Hè Thu). Mức giá này đã vượt xa so với cùng kỳ năm trước. Do giá lúa gạo nội địa ở mức cao nên doanh nghiệp đã tạm ngừng thu gom.

Theo ông Thành, hiện tại hầu hết các doanh nghiệp không giữ hàng mà đều tập trung bán ra. Bởi doanh nghiệp lo ngại thị trường biến động quá nhanh và không dự đoán trước được những động thái từ các quốc gia khác. Do vậy việc giữ hàng rủi ro cao hơn nhiều. Tuy nhiên, ông Thành cho biết về phía cò và một số thương lái vẫn có tình trạng găm hàng khi mua lúa của dân sau đó sấy và trữ hàng ở kho của các cơ sở tư nhân nhỏ.

“Có tới hơn 95% diện tích lúa Hè Thu của nông dân đã nhận cọc từ thương lái 20-30 ngày trước khi thu hoạch. Do đó khi giá lúa tăng thì thương lái là người có lời nhiều nhất còn nông dân chỉ được phần nhỏ”- ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice chỉ ra.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) nói: Tình trạng cò và thương lái gom hàng đẩy giá lên cao đang là thực tế diễn ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. “Có một số lượng lớn thương lái đã gom hàng từ thời điểm Ấn Độ vừa cấm xuất khẩu gạo và không bán ra khiến giá lúa liên tục tăng như những ngày qua”- ông Bình cho biết.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo trì hoãn thời gian giao hàng vì “giá nội cao hơn giá ngoại” - Ảnh 1.

Giá gạo hiện ở mức cao

Chào bán đơn hàng nhỏ, xin trì hoãn đơn hàng lớn

Với mức giá như hiện nay chỉ những doanh nghiệp may mắn có chân hàng do đã thu gom từ trước mới không bị ảnh hưởng. Đơn cử như Phước Thành IV. Ông Thành cho biết, các hợp đồng lớn trong năm 2023 với thị trường Philippines đã được doanh nghiệp này giao xong. Mới đây, doanh nghiệp cũng ký được hợp đồng với thị trường Philippines ở mức 710 USD/tấn.

Hay với Công ty TNHH Dương Vũ (tỉnh Long An), ông Nguyễn Quang Hòa, Tổng Giám đốc Công ty này cho biết: Gần đây Dương Vũ đã bán được một vài container gạo với giá 660 USD/tấn cho khách hàng Đài Loan. Tuy vậy, theo ông Hòa thì đây chỉ là khách hàng nhỏ lẻ, không quyết định thị trường, còn những khách hàng truyền thống như Trung Quốc, Philippines… chúng tôi chưa đạt được thỏa thuận giá mới.

“Thời điểm này tất cả các nhà nhập khẩu lớn đều đang nhập những đơn hàng cũ, còn đơn hàng mới họ chưa ký kết vì không thống nhất với mức giá mà chúng tôi chào”- ông Hòa thông tin.

Trong khi đó, với những đơn hàng lớn từ vài chục ngàn tấn, do không có hàng để giao nên một số doanh nghiệp đành xin trì hoãn thời gian giao. Chẳng hạn như Công ty Trung An, ông Phạm Thái Bình cho biết, nếu tính theo giá lúa nội địa như hiện nay doanh nghiệp phải chào bán ở mức 670 USD/tấn mới có “lời”. Tuy vậy doanh nghiệp hiện chào bán không được mức giá trên, chưa kể các hợp đồng đã ký từ vài tháng trước giá đều dưới 600 USD/tấn.

“Tiếp tục bán thì lỗ. Chúng tôi buộc phải thương lượng với đối tác dời thời gian giao hàng sang vụ Đông xuân. May mắn là đối tác cũng thông cảm và đồng ý lùi đơn hàng khoảng 20.000 tấn sang một thời điểm thích hợp hơn để tránh mua giá cao lúc này”- ông Bình chia sẻ.

Ngoài Trung An, có nhiều doanh nghiệp khác cũng buộc phải đàm phán để trì hoãn giao hàng sang tháng 9/2023 vì khó thu mua, thậm chí có doanh nghiệp còn hủy hợp đồng.

Dự báo về thị trường từ này đến cuối năm, các doanh nghiệp cho biết, thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục có những biến động mạnh. Trong bối cảnh đó, để tránh rủi ro, doanh nghiệp sẽ không ký những hợp đồng quá lớn, mà ưu tiên các hợp đồng nhỏ, ngắn hạn, đặc biệt khi có đủ chân hàng mới ký hợp đồng mới.

Ấn Độ có thể sẽ sớm dừng lệnh cấm xuất khẩu

Một số chuyên gia quốc tế và các nhà xuất khẩu gạo lớn của Ấn Độ đánh giá lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ của Chính phủ Ấn Độ có thể không kéo dài do mối lo ngại về rủi ro nguồn cung từ mùa vụ hiện tại đã giảm xuống.

Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cũng đã liên tục thúc giục Ấn Độ dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng vì điều này đã đẩy giá gạo toàn cầu tăng mạnh.

“Ấn Độ sẽ xuất khẩu lại gạo trắng theo hợp đồng Chính phủ từ tháng 9/2023 và thương nhân được xuất khẩu gạo trắng theo các hợp đồng ký trước ngày 30/8/2023. Vì vậy giá gạo quốc tế sẽ giảm trong thời gian tới”- ông Phan Văn Có nói.

Theo Thuỳ Dương - Hà Duyên

Từ khóa:  giá gạo
Cùng chuyên mục
XEM