Doanh nghiệp Việt tại Myanmar: Thu hút nhân sự sở tại nhờ môi trường làm việc nhiều thách thức

19/06/2018 17:30 PM | Công nghệ

Những nhân viên sở tại thông thạo tiếng nói, am hiểu văn hoá và hành vi tiêu dùng của người Myanmar sẽ là nhân tố quan trọng biến mục tiêu của Mytel thành hiện thực trong thời gian không xa.

Đầu giờ chiều, khi chợ Monywa (tỉnh Sagaing) tấp nập người qua lại, đội quân mặc đồng phục màu da cam của Mytel bắt đầu dựng bàn bán sim và thẻ. Chưa đầy 15 phút, đã có gần 10 người dân đến chọn sim và sau 30 phút thì 2 quầy hàng chật cứng những người lao động Myanmar mặc longyi, cầm sẵn smartphone chờ đến lượt lắp sim.

Trong 1 tiếng hôm đó, tại điểm bán ở chợ Monywa có 81 sim Mytel được bán ra và nạp tiền luôn.

Soe Myint Naing – Area Sale Manager của chi nhánh Sagaing lướt nhanh những ngón tay trên chiếc máy tính bảng lắp sim Mytel 4G để đăng ký thông tin khách hàng trực tuyến, miệng tất bật tư vấn bằng tiếng Myanmar. Trong tiết trời oi bức của tháng 6 miền Bắc xứ sở chùa Vàng, mồ hôi thấm ướt mái tóc nhưng Soe Naing không hề tỏ ra mệt mỏi, mắt lúc nào cũng lấp lánh một nụ cười.

Soe Naing gần 30 tuổi, cô từng là người đầu tiên làm việc cho Ooredoo vào thời điểm hãng viễn thông của Qatar gia nhập thị trường Myanmar. Khi Mytel xuất hiện, cô quyết định chia tay Ooredoo để đến với doanh nghiệp viễn thông của Viettel. Soe Naing nói, cô chọn Mytel không chỉ vì được làm việc ở vị trí cao hơn mà quan trọng, cô được đối diện với nhiều thử thách mới, học hỏi nhiều điều mới vì công nghệ của Mytel được đánh giá tốt hơn các hãng khác.

Điều khiến Soe Naing yêu thương Mytel như một mái nhà là bởi văn hóa làm việc ở đây thân thiết như trong một gia đình.

“Nếu như ở công ty cũ, tôi chỉ biết làm việc, làm việc, làm việc thì ở đây, chúng tôi ăn cơm cùng nhau, đi chơi cùng nhau, đào tạo cho nhau... Tôi cảm thấy cuộc sống của mình thêm phần thú vị” – Soe Naing mỉm cười hạnh phúc.

Với nhiều nhân viên sở tại, Mytel không chỉ là một doanh nghiệp mà còn là “ngôi nhà thứ hai” nơi họ muốn gắn bó lâu dài.

Chi nhánh Sagaing có 66 nhân sự thì chỉ có 14 người Việt Nam, còn lại là người sở tại Myanmar. Mỗi người đến với Mytel mang theo một câu chuyện khác nhau nhưng sau gần 1 năm làm việc, điểm chung của họ lúc này là tình yêu với công việc, với công ty.

Ví dụ như Than Htike San phụ trách nhân sự là một cô gái bé nhỏ có khuôn mặt thuần Myanmar, rất hiền lành dịu dàng. Trong khi giờ làm việc thông thường tại các công sở Myanmar là từ 9h sáng đến 3h chiều, thời gian làm việc của Mytel tất nhiên sẽ dài hơn thế. Nhưng Than San ngày nào cũng rất cần mẫn làm việc đến tận 8h tối, xử lý công việc một cách chu toàn.

Somali cũng là một người Myanmar từng làm việc cho hãng viễn thông Telenor trước khi về với Mytel. Somali chia sẻ anh chọn Mytel với mức thu nhập thấp hơn công ty cũ vì yêu đất nước và con người Việt Nam. Việt Nam có nét tương đồng về văn hóa với Myanmar, bởi vậy Mytel tạo cho người thanh niên này cảm giác thoải mái, thân thiết như sống giữa những người đồng bào của mình.

Khi nghe những người sở tại chia sẻ về cảm giác “gia đình” đó, người ta hẳn sẽ phải nhớ đến một giá trị cốt lõi của Viettel. Đó là coi công ty như ngôi nhà chung. Bất kỳ ai cũng là một viên gạch xây nên ngôi nhà, tham gia vào việc xây nhà chứ không phải người ngoài cuộc.

Tại tỉnh Mon, anh Min thu Kothet đang quản lý 3 trung tâm thuộc 6 huyện phía Bắc. Min thu chuyển từ Telenor sang Mytel được 7 tháng. Mặc dù đã có kinh nghiệm làm 19 năm trong nhiều lĩnh vực nhưng chỉ khi làm việc tại Mytel, Min thu mới cảm thấy đây thực sự là nơi để mình gắn bó cả đời. Ở Mytel, anh được trao quyền, được trang bị kỹ năng và nguồn lực để đối diện với các thử thách. Với tham vọng trở thành nhà mạng lớn nhất Myanmar, Mytel đem đến cho Min thu động lực chinh phục và anh có cảm giác chiến thắng khi vượt qua các khó khăn trong hành trình đánh chiếm thị phần của một hãng viễn thông mới.

Tôi không thích cách làm việc đều đều, ngày nào cũng giống ngày nào lặp đi lặp lại một cách nhàm chán” – Anh Min thu nói.

Làm việc tại Mytel, các nhân viên được trao quyền, được đối diện với nhiều thử thách từ đó khám phá ra những năng lực còn ngủ yên của chình mình.

Một trong 8 nét văn hóa cốt lõi của Viettel là luôn tạo ra thách thức và chấp nhận thất bại. Nhiều nhân viên của Viettel tại Việt Nam chia sẻ, họ rất yêu công ty vì ở đây toàn được giao việc khó. Khi đó, họ có không gian để làm, để thường xuyên đứng trước các thách thức mới. Và có vẻ như dù mới một thời gian ngắn nhưng văn hóa Viettel đã thấm nhuần trong những nhân sự Myanmar.

Đi ra nước ngoài, không một doanh nghiệp nào có thể thiếu nhân sự người sở tại – những người thông thạo tiếng nói, am hiểu văn hóa và đặc tính tiêu dùng của khách hàng. Mytel cũng vậy. Soe Naing, Min Thu, Than San... và hàng trăm nhân viên người Myanamar đã cống hiến hết mình cho Mytel để chỉ trong vòng 1 năm, nhà mạng đã xây dựng hàng nghìn trạm thu phát sóng, gần 30.000 km cáp quang đóng góp cho 50% hạ tầng cáp quang trên đất nước Myanmar, phủ sóng Mytel lên 80% dân số và phủ mạng 4G lên 300 township... Đó là kỳ tích mà chưa hãng viễn thông nào làm được.

A.D

Cùng chuyên mục
XEM